TOP 5 Làng nghề khảm trai: tinh hoa thủ công độc đáo Việt Nam

Ha Trang
Nghề khảm trai là một nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam, nổi tiếng với kỹ thuật tinh xảo và sự khéo léo của người thợ. Nghề này bao gồm việc cẩn vào các bề mặt gỗ, tre, hoặc các chất liệu khác những mảnh vỏ trai, vỏ ốc, hoặc các vật liệu tự nhiên khác để tạo ra các họa tiết, hoa văn, và tranh ảnh. Khám phá ngay 5 làng nghề khảm trai truyền thống còn lưu truyền lại đến ngày nay.

Nghề khảm trai, một nghề thủ công truyền thống lâu đời ở Việt Nam, là biểu tượng của sự khéo léo và tinh tế. Với những mảnh vỏ trai, vỏ ốc được chọn lựa kỹ lưỡng và chế tác tỉ mỉ, các nghệ nhân khảm trai đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và tinh xảo. Từ những bức tranh phong cảnh, hoành phi, câu đối cho đến các món đồ nội thất cao cấp, mỗi sản phẩm khảm trai không chỉ mang vẻ đẹp thẩm mỹ mà còn chứa đựng giá trị văn hóa và lịch sử sâu sắc.

  • Nguyên liệu: Nguyên liệu chính là vỏ trai, vỏ ốc, và các loại vỏ tự nhiên khác. Các vật liệu này được cắt, mài, và đánh bóng trước khi được khảm vào sản phẩm.
  • Kỹ thuật: Nghề khảm trai đòi hỏi kỹ thuật cao và sự tỉ mỉ. Người thợ phải cắt và lắp ráp các mảnh vỏ trai sao cho khớp với hoa văn và thiết kế đã định sẵn.
  • Sản phẩm: Sản phẩm của nghề khảm trai rất đa dạng, bao gồm tranh khảm trai, hộp khảm trai, đồ nội thất, và các vật dụng trang trí khác. Những sản phẩm này thường mang tính nghệ thuật cao và có giá trị kinh tế lớn.

Nghề khảm trai không chỉ là một nghề thủ công truyền thống mà còn là một phần quan trọng của văn hóa và di sản nghệ thuật Việt Nam. Dưới đây là 5 làng nghề khảm trai truyền thống, có những làng nghề khảm trai lâu đời với nghệ thuật chạm khắc tinh xảo.

Làng Chuôn Ngọ: làng nghề khảm trai lâu đời nhất từ thời Lý

  • Địa chỉ: xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội

Theo thần phả đình làng Chuôn Ngọ, nghề khảm trai ở đây đã có từ thời nhà Lý (1010 - 1225). Ông tổ nghề của làng là Trương Công Thành, một người địa phương, đỗ Thái học sinh (tương đương Tiến sĩ) và nguyên là võ tướng của triều đình. Với sự tự học và tài năng của mình, Trương Công Thành đã tạo nên những tác phẩm chạm khảm trai đầu tiên ở làng Chuôn Ngọ và truyền lại kỹ thuật này cho dân làng.

chuon-ngo-1720500221.jpg
Nghệ nhân đang mài trai của làng Chuôn Ngọ

Nét nổi bật của sản phẩm khảm trai Chuôn Ngọ chính là những mảnh trai không vỡ, luôn phẳng và được đục gắn xuống gỗ rất khít. Việc lựa chọn vỏ trai, vỏ ốc hay vỏ hến phù hợp với sản phẩm dự định làm ra cũng là một khâu rất quan trọng. Có nhiều loại vỏ trai, như trai cánh mảnh nhỏ, sẫm màu; trai thịt trắng, vỏ mình dày; và trai Nông Cống (Thanh Hóa) với nhiều vân.

Ốc biển sử dụng trong nghề khảm trai phải là ốc xà cừ, có nhiều ở vùng biển Quy Nhơn, Quảng Nam, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết. Ngoài ra, còn có một loại vỏ trai đặc biệt gọi là Cửu Khổng, vì có 9 lỗ vỏ ở phía mép vỏ, với vân màu sắc phong phú hơn cả cầu vồng. Để làm những sản phẩm mặt nổi như núi non, cánh phượng hay cánh công, cần phải tìm bằng được loại Cửu Khổng. Các bào ngư này được khai thác ở một số đảo miền Bắc nước ta.

a-lang-1-1720500253.jpg
Nhiều gia đình trong làng theo nghề của ông cha

Sản phẩm truyền thống của làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ bao gồm hoành phi, câu đối trong nhà thờ, đình đền, trang trí họa tiết trên sập gụ, tủ chè, hay chế tác ra những bức tranh treo tường phỏng theo tích truyện Tam Quốc với nhân vật chính Lưu - Quan - Trương. Ngoài ra, còn có các bộ tranh "thông, trúc, cúc, mai" và nhiều tác phẩm nghệ thuật khác.

94630c6720db4abeae89667b37c112c2-1720500280.jpg
Một số tác phẩm khảm trai

Làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ không chỉ là nơi bảo tồn và phát triển một nghề thủ công truyền thống, mà còn là biểu tượng của tinh hoa văn hóa và nghệ thuật Việt Nam.

Khảm trai La Xuyên ở Ý Yên, Nam Định

Địa chỉ: thôn La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên)

Nghề khảm trai ở La Xuyên mới chỉ có gần đây khi những thanh niên làng La Xuyên tìm đến làng Chuôn Ngọ (Phú Xuyên, Hà Nội) để học về nghề khảm trai. Cơ duyên bén với nghề khảm trai ở nơi đây từ lúc khi cánh thợ từ các nơi đổ về làm đồ gỗ. Họ tham gia vào công đoạn trong nghề mộc và có khảm. Từ các vật liệu như trai, ốc qua bàn tay của thợ nghề mà những cảnh như hoa lá, chim muông hiện lên vô cùng sống động.

untitled-1-20231214183925-1720500383.jpg
Nguồn ảnh: Báo Nam Định

Các thợ khảm ở La Xuyên nổi tiếng với kỹ thuật khảm trai tinh xảo, chủ yếu tạo ra các sản phẩm truyền thống như hoành phi, câu đối trong nhà thờ, đình, đền, và trang trí họa tiết trên sập gụ, tủ chè. Họ cũng chế tác những bức tranh treo tường phỏng theo tích truyện Tam Quốc, những bộ tứ quý “tùng, trúc, cúc, mai,” phản ánh vẻ đẹp cổ điển và tinh hoa văn hóa Việt.

Học nghề và làm nghề trong thời gian dài đã rèn giũa được tay nghề của những người thợ khảm ở La Xuyên. Chính vì thế mà giờ La Xuyên, Ý Yên đã thành một làng nghề khảm trai có tiếng trong khu vực. Người dân muốn tìm mua các tác phẩm như hoành phi, tranh hoặc khảm các đồ gỗ, nội thất trong nhà không cần đi đâu xa mà chỉ cần đến La Xuyên để tìm thợ hoặc tìm mua đồ khảm có sẵn.

Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của những người đam mê đồ khảm trai, các thợ khảm ở La Xuyên đã không ngừng sáng tạo và phát triển thêm nhiều sản phẩm khảm đa dạng hơn. Ngoài các sản phẩm truyền thống, họ còn tạo ra các bức tranh phong cảnh non nước, khắc họa chân dung, khay đựng ấm trà, đĩa, hộp đựng trà, vỏ điện thoại, bàn cờ, giường và nhiều sản phẩm khác.

Sản phẩm khảm trai của làng nghề La Xuyên ngày càng đa dạng và phong phú về mẫu mã, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thị trường. Trong làng có những cơ sở chạm khảm lớn và uy tín như các gia đình Thành Bắc, Tâm Tâm, Vững Tiệp, và Thuý Hùng. Những cơ sở này không chỉ duy trì và phát triển nghề khảm trai truyền thống mà còn không ngừng đổi mới, góp phần nâng cao giá trị nghệ thuật và kinh tế của sản phẩm khảm trai La Xuyên.

Khảm trai ở Hoài Trung, Tiên Du, Bắc Ninh

Địa chỉ: thôn Hoài Trung, xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh

Nghề khảm trai ở Hoài Trung cũng có nguồn gốc ở làng Chuôn Ngọ, Phú Xuyên, Hà Nội. Làng Hoài Trung có nghệ nhân khảm trai Nguyễn Đình Vinh. Anh là người gốc làng Chuôn Ngọ, Chuyên Mỹ, Phú Xuyên. Nghệ thuật khảm trai in sâu vào tâm hồn anh từ nhỏ qua cuộc sống đời thường. Lớn lên thay vì học đại học, anh quyết tâm theo học nghề truyền thống của ông cha truyền lại. Cùng với niềm đam mê và theo học nghệ nhân khảm trai Trần Bá Dinh - nghệ nhân khảm trai nổi tiếng kỳ cựu trong làng giúp anh có danh tiếng và tài nghệ như bây giờ.

nghe-nhan-nguyen-dinh-vinh-1720500487.jpg
Nghệ nhân khảm trai Nguyễn Đình Vinh

Anh quyết tâm lập nghiệp ở quê ngoại là Hoài Trung , Tiên Du, Bắc Ninh. Sau hai thập kỷ gắn bó với nghề, nhiều tác phẩm của anh nổi danh lan tỏa cả xứ Kinh Bắc, cũng như nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Điển hình như các tác phẩm như “Bác Hồ cười” đạt giải Tinh hoa làng nghề năm 2008; “Tranh gỗ khảm cảnh Bách Điểu” đạt giải Sản phẩm tiêu biểu năm 2010; “Chiếu dời đô” đạt giải thưởng Tác phẩm tiêu biểu; “Khay trà khảm” đạt giải Sản phẩm tiêu biểu năm 2012; “Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập” bằng khảm ốc được xác lập kỷ lục Việt Nam năm 2014…

Hiện nay không chỉ sáng tác các tác phẩm mới mà anh Nguyễn Đình Vinh còn truyền nghề cho nhiều thanh niên ở Hoài Trung, giúp cho nghề khảm trai ngày càng phát triển.

Nghề khảm xà cừ Địa Linh ở Huế

Địa chỉ: xã Hương Vinh, Huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế

Từ xưa đến nay, Thừa Thiên Huế chưa hình thành làng nghề khảm trai, khảm xà cừ như các làng nghề truyền thống ở miền Bắc. Tuy nhiên, nhờ từng là kinh đô của Việt Nam, Huế có cơ hội tiếp nhận những thợ khảm xà cừ giỏi dưới thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn. Những thợ khảm này hoặc được trưng tập hoặc tự chuyển đến sinh sống để hành nghề tại kinh đô. Nhờ đó, người Huế có cơ hội tiếp xúc, học hỏi và được truyền dạy nghề khảm xà cừ từ rất lâu đời. Hiện nay, nghề này vẫn còn truyền nhân tại vùng Địa Linh, Bao Vinh, Nam Phổ.

kham-hue-1720500647.jpg
Khảm xà cừ trên đồ nội thất Huế

Nghề khảm xà cừ đã trở thành nghề truyền thống của người dân làng Địa Linh từ năm 1975. Sau ngày giải phóng, người dân về đây sinh sống, bắt đầu lập làng và nghề khảm xà cừ dần dần xuất hiện. Lúc bấy giờ, nghề khảm xà cừ rất "thịnh" và có thể xem là nghề "hái ra tiền," vì vậy tất cả người dân trong làng đều theo nghề khảm xà cừ. Khảm xà cừ Địa Linh từ đó nổi tiếng, và những người trẻ trong làng đều theo học nghề. Cả gia đình có từ hai đến ba thế hệ theo nghề, và những đứa trẻ mới lớn cũng bắt đầu tập làm khảm xà cừ.

Tuy không hình thành những làng nghề khảm trai lớn mạnh như ở ngoài bắc nhưng nghệ thuật khảm trai ở Huế lại đạt đến đỉnh cao thông qua các tác phẩm, vật dụng, nội thất, nhà cửa của quan lại, quý tộc, hoàng tộc triều Nguyễn còn truyền lại đến ngày ngay. Chính những tác phẩm này là mẫu quý hiếm để nghiên cứu và làm kiểu mẫu cho đời sau.

Khảm xà cừ tủ thờ ở Gò Công Tiền Giang

Địa chỉ: Thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang

Nghề khảm xà cừ ở Gò Công là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đờ trên 100 năm, nổi tiếng với sự tinh xảo và khéo léo. Đây không chỉ là một phương tiện kiếm sống mà còn là một phần quan trọng của di sản văn hóa và nghệ thuật địa phương.

tu-tho-1720500564.png
Khảm xà cừ tủ thờ ở Gò Công

Nghề khảm xà cừ ở Gò Công đã phát triển qua nhiều thế hệ, với những kỹ thuật và bí quyết được truyền lại từ đời này sang đời khác. Thợ khảm xà cừ ở đây không chỉ khéo léo trong việc chọn lựa và chế tác vỏ trai, vỏ ốc mà còn sáng tạo trong việc tạo ra những họa tiết, hoa văn tinh tế và độc đáo. Một sản phẩm tiêu biểu và nổi tiếng khắp vùng là chiếc tủ thờ, được làm từ những loại gỗ quý, rất được người dân ưa chuộng để bày trí trong nhà.

Có hai hình thức khảm chính:

  • Khảm Chìm: Xà cừ được gắn chìm xuống bề mặt gỗ.
  • Khảm Nổi: Xà cừ được tạo hình 3 chiều và gắn nổi trên bề mặt gỗ.

Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công được công nhận vào năm 2003. Hiện nay, làng nghề này có gần 500 cơ sở theo dạng cha truyền con nối, chuyên đóng tủ thờ lớn nhỏ và cung ứng các loại tủ thờ chất lượng cao theo yêu cầu của khách hàng gần xa.

Trang trí tủ thờ ở Gò Công không chỉ dừng lại ở khung cửa tiền mà còn mở rộng đến cả chân quỳ và cánh cửa. Kỹ thuật cẩn, khảm tỉ mỉ, cùng với kỹ thuật chạm, khắc gỗ công phu, đã tạo nên nét tinh tế và độc đáo cho chiếc tủ thờ Gò Công.

Nghề khảm xà cừ ở Gò Công không chỉ thể hiện sự tài hoa và sáng tạo của người thợ mà còn góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa của địa phương.

Trên đây là 5 làng nghề khảm trai thủ công độc đáo ở Việt Nam. Những sản phẩm khảm trai không chỉ mang đến vẻ đẹp độc đáo mà còn thể hiện bàn tay tài năng của các nghệ nhân thủ công mỹ nghệ của Việt Nam.