Thanh niên 9x khởi nghiệp thành công với giống hoa lạ

Hoài Nguyễn
Đỗ Văn Phúc (SN 1991) bất ngờ khám phá niềm yêu thích đặc biệt với hoa cẩm cù. Từ đó, anh đã biến đam mê này thành sự nghiệp, gặt hái thành công và tạo ra nguồn thu nhập ổn định tại Bình Phước.

Đỗ Văn Phúc tham gia chương trình Thực tập sinh ngành xây dựng tại Nhật Bản từ đầu năm 2017 sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Xây dựng số 2. Do sức khỏe yếu, mắt cận và viêm mũi dị ứng, anh buộc phải dừng công việc ngoài trời đầy khắc nghiệt ở Nhật, trở về Bình Phước vào cuối năm 2017, đối mặt với áp lực tài chính và sự thất vọng từ bản thân và gia đình.

Sau đó, Phúc làm công an viên thường trực xã Phước Minh thuộc huyện biên giới Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước). Trong một lần tham gia hoạt động tình nguyện ở địa phương, anh được một người bạn tặng một chậu hoa, mà ban đầu anh nhầm là hoa lan.

Khi chậu hoa nở thành những chùm hình cầu với hoa 5 cánh thơm dịu, Phúc tìm hiểu và nhận ra đó là loài hoa cẩm cù, tên tiếng Anh là Hoya, với mỗi giống mang một tên khoa học riêng.

Từ đó, Phúc bắt đầu hành trình biến hoa cẩm cù từ loài ít người biết đến thành sản phẩm tiềm năng ở Việt Nam. Qua nghiên cứu, anh nhận ra loài hoa này độc đáo với vẻ đẹp hoang dã, hương thơm nhẹ, hình dáng quả cầu lạ mắt và ý nghĩa phong thủy về sự viên mãn, tài lộc. Dù phổ biến ở nhiều nước, hoa cẩm cù vẫn chưa được biết rộng rãi tại Việt Nam.

Trao đổi với những người chơi hoa, Phúc thấy nhu cầu hoa cẩm cù trong nước đang tăng đối với khách hàng cá nhân và cả những nhà đầu tư cần đáp ứng nhu cầu không gian xanh tại đô thị. Loài hoa này phát triển tốt trong môi trường đô thị khói bụi, chật hẹp.

Vườn Quốc gia Bù Gia Mập gần nhà Phúc có hệ sinh thái đa dạng với nhiều giống hoa cẩm cù, tạo điều kiện thuận lợi để anh khởi nghiệp bằng cách sưu tầm giống từ tự nhiên, mua các giống có sẵn trong nước và nhập khẩu thêm từ nước ngoài.

“Vạn sự khởi đầu nan” khi Phúc thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên nhiều cây cẩm cù chết ngay sau khi trồng. Phúc chưa biết các giống quý như Hoya lockii và Hoya crassipetiolata cần kỹ thuật giâm hom hai mắt lá để tăng tỷ lệ sống và chưa am hiểu về chất trồng, cách trồng, nhiệt độ và độ ẩm phù hợp với từng giống hoa.

Không hề chùn bước, Phúc kiên trì học hỏi qua sách vở, internet và tìm đến các “tiền bối” trong nghề để tích lũy kinh nghiệm. Sau nhiều lần thử nghiệm, Phúc đã thành công trong việc nhân giống các loài cẩm cù.

Vườn hoa cẩm cù Phúc (Phuc’s Hoya Garden) tại thôn Bình Lợi, xã Phước Minh hiện là một trong những vườn hoa cẩm cù lớn nhất cả nước. Đây là ngôi nhà của hơn 400 loại cẩm cù; trong đó, các giống quý như Hoya acuminata và Hoya polyneura... là loài bản địa Việt Nam, có giá trị cao trên thị trường quốc tế.

z6014054257560-45873a4e3fdf3f6d6cc847f8ff8bcb5b-1731114377.jpg

Hình ảnh: Anh Phước và hoa.

“Ban đầu, mình chưa chú trọng đến sản xuất hữu cơ. Sau khi được Thạc sĩ Hoàng Sơn Công - Phó Viện Trưởng Viện Khoa học phát triển tài năng Việt Nam, chuyên gia hỗ trợ các cuộc thi Khởi nghiệp thanh niên nông thôn của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh dạy cách sử dụng vi sinh vật bản địa (IMO), mình đã tự sản xuất chế phẩm hữu cơ từ các nguyên liệu sẵn có tại địa phương.”, Phúc bộc bạch.

Phúc tự làm men giống IMO4 khô để cung cấp phân vi sinh cho vườn cẩm cù 0,7 ha. Chỉ cần thêm cám gạo, bột năng vào men nước, phơi khô là có IMO4 khô, sau đó pha nước để dùng. Việc tự sản xuất IMO4, phát triển lên IMO6, IMO8 giúp anh tiết kiệm hàng chục triệu đồng mỗi năm về chi phí phân bón. Phúc còn ủ phân bò bằng vi sinh làm thức ăn cho trùn quế, tạo phân trùn rất thích hợp để bón cây.

Phúc mua chuối không đạt chuẩn xuất khẩu từ các trang trại Bình Phước với giá dưới 1 triệu đồng/tấn, sau đó ủ cùng IMO cao cấp để tạo ra dịch chuối và phân bón từ vỏ chuối.

Dịch chuối, làm từ chuối chín nghiền trộn với sữa chua, đường và men đa chủng theo tỷ lệ thích hợp, là loại phân bón lá giúp cây xanh tốt nhờ chứa nhiều vitamin, khoáng chất và hormone sinh trưởng. Anh pha 1 lít dịch chuối với 700-1.000 lít nước, phun 1-2 lần/tuần để vườn hoa cẩm cù phát triển mạnh.

Không chỉ dùng IMO ủ phụ phẩm cá, trái điều, bã mía để tạo chế phẩm bổ sung dinh dưỡng cho cây, Phúc còn tận dụng mùn cưa, vỏ trấu, xơ dừa và vỏ lạc làm giá thể trồng hoa. Anh thay chậu nhựa bằng ly nhựa đã qua sử dụng, băm nhỏ xốp cắm hoa cũ để trộn vào giá thể và khuyến khích khách hàng trồng hoa hữu cơ tại nhà. Những việc này giúp cẩm cù sinh trưởng tốt, giảm chi phí, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

Nhờ tự thiết kế hệ thống tưới tự động “Vườn mưa dinh dưỡng”, Phúc tiết kiệm 50% lượng nước so với tưới truyền thống và cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây nhờ các chế phẩm sinh học từ bã mía, dịch chuối và phân chim yến theo quy trình khép kín.

Vườn hoa của Phúc hiện có khoảng 130.000 cây giống và 25.000 chậu thành phẩm, phục vụ cả khách sỉ và lẻ trong nước. Những năm gần đây, vườn mang đến cho anh lợi nhuận 250-300 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Với đội ngũ PR, marketing và bán hàng online, anh mở rộng kênh tiêu thụ trên Shopee, Lazada, Tiki, đồng thời quảng bá hoa qua TikTok, Facebook và tại các sự kiện kết nối giao thương trong và ngoài tỉnh. Phúc đang nghiên cứu thị trường quốc tế, đặc biệt là Úc, châu Âu và châu Mỹ, dù xuất khẩu hoa gặp khó khăn về kiểm dịch và chi phí vận chuyển, đồng thời hướng đến hợp tác nghiên cứu chuyên sâu về hoa cẩm cù.

Hiện tại, Phúc thuê 10-15 lao động thời vụ vào mùa cao điểm và 5 lao động cố định, trong đó có một bạn trẻ khuyết tật. Anh đã liên kết với các điểm du lịch địa phương, biến Phuc’s Hoya Garden thành điểm đến hấp dẫn với các hoạt động trải nghiệm như tham quan, chụp ảnh, học chiết cây, trồng và chăm sóc cẩm cù, “biến rác thành tiền” và mua hoa trực tiếp tại vườn.

Theo Thạc sĩ Hoàng Sơn Công, Phúc sẽ sớm đạt nhiều thành công vì Phúc rất bản lĩnh khi khởi nghiệp theo cách riêng, tiên phong trong lĩnh vực hoa sạch, tích cực làm báo cáo viên về tái chế phụ phẩm nhằm bảo tồn giống hoa cẩm cù, bảo vệ môi trường, hỗ trợ sinh kế, hướng đến phát triển bền vững và tạo tác động xã hội tích cực.

Nhà báo, Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Thùy, Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất và phát triển nội dung số (Báo Thanh Niên) cho biết: “Phúc rất cầu tiến, giàu nghị lực vượt khó, luôn tích cực tìm kiếm cơ hội phát triển bản thân và lan tỏa hình ảnh hoa cẩm cù qua những phương cách đặc biệt. Phúc đã chủ động liên lạc với mình, nhờ mình tư vấn và kết nối Phúc với các chuyên gia để hỗ trợ Phúc phát triển mô hình kinh doanh.”

Sau hơn 3 năm nỗ lực, Phúc đã giành giải ba cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Phước lần II; vượt qua 446 dự án để “ẵm” giải ba cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 2023.

Ủy viên BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Chủ nhiệm Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc Đặng Dương Minh Hoàng nhận định:“Phúc rất sáng tạo, ham học hỏi, tìm tòi những điều mới. Anh mong muốn góp phần lan tỏa khát vọng làm giàu chính đáng trong nhiều bạn trẻ.”

z6014054269374-8ddf78226499be827466487ed1df6804-1731114376.jpg

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cùng anh Phúc trong chương trình triển lãm tại Hội nghị Kết nối giao thương và xúc tiến đầu tư giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ năm 2023.

 

Phúc đã rong ruổi nhiều nơi để hướng dẫn người dân làm IMO và nhiệt tình ủng hộ phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”. Anh đã tặng 3.000 cây hoa cho “Gian hàng kết nối những người yêu cây” của Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, hỗ trợ các chương trình đổi rác thải nhựa lấy hoa cẩm cù, tặng hơn 2.000 cây giống cho học sinh, tham gia trồng cây tại các trường học và chia sẻ kinh nghiệm trồng hoa từ vật liệu tái chế, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

z6014054274012-b48358e639fbfa3f3bc19b7feacc4a27-1731114377.jpg

Quy mô vườn lớn.

 

Với Chủ nhiệm CLB Nông dân tỷ phú Bình Phước Nguyễn Viết Vị, anh Đỗ Văn Phúc là một startup cầu tiến, sống tử tế, chan hòa và luôn vì cộng đồng.