Anh Nguyễn Văn Hạnh: Từ trái dứa bình dị đến thành công toàn cầu với "tơ sợi dứa"

Minh Hà
Anh Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc HTX Nông sản Hạnh Phúc sinh ra và lớn lên ở vùng quê xứ Nghệ. Trong suốt những năm qua, câu chuyện khởi nghiệp của anh Hạnh trên quê nhà đã được những người nông dân ở Đông Giai (Diễn Châu, Nghệ An) truyền tai nhau. Anh Nguyễn Văn Hạnh là một kỹ sư bỏ phố về rừng theo tiếng gọi của quê hương, đưa trái dứa và những sản phẩm được làm từ lá dứa đi khắp muôn nơi, vươn ra ngoài thế giới. 

Bất ngờ "bẻ lái" bỏ nghề lái tàu về quê khởi nghiệp

Anh Nguyễn Văn Hạnh (sinh năm 1989) trong một gia đình có 5 anh em. Bố anh mất sớm nên từ nhỏ mẹ anh đã phải tần tảo nuôi các con. Nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ và nghị lực vươn lên thoát nghèo mà anh Hạnh đã tốt nghiệp được chuyên ngành điều khiển tàu thủy.

htx-nong-san-hanh-phuc-1-1721349145.jpg
Anh Nguyễn Văn Hạnh (bên trái) đã rẽ hướng từ nghề lái tàu để về quê khởi nghiệp với trái dứa

Sau khi ra trường, anh Hạnhđã theo tàu ra khơi để trải nghiệm và chinh phục nhiều thử thách. Trong khi công việc đang ổn định với đầy đủ các điều kiện vật chất thì anh bất ngờ thay đổi hải trình của mình.

Nhớ lại giây phút quyết định ấy, anh Hạnh cho biết yếu tố đầu tiên khiến anh quyết định bỏ việc về quê lập nghiệp chính là chữ hiếu với người mẹ già. Sau đó là anh muốn thực hiện giấc mơ từ thuở bé của mình.

Anh Hạnh sinh ra và lớn lên tại mảnh đất thuần nông, từ nhỏ anh đã gắn bó với ruộng vườn. Từ lâu anh luôn mơ ước xây dựng được một vùng nông nghiệp sạch, có thể làm giàu trên chính quê hương.

Anh chia sẻ, ngày anh quyết định gác lại tấm bằng kỹ sư tàu biển để về quê lập nghiệp, anh đã gặp vô số áp lực, khi đó ai cũng nghĩ đây là quyết định bồng bột, sướng không chọn mà muốn khổ. Thế nhưng anh Hạnh luôn có tâm niệm, nếu mình có thể lập nghiệp và tạo ra được những giá trí tốt nghiệp ngay trên chính quê hương thì có gì phải ngần ngại.

Từ nhỏ đã quen với chuyện nhà nông nhưng khi thực sự phải bắt tay vào sống cùng cây cỏ thì anh không thể tránh khỏi việc đối diện với vô số khó khăn, nhất là khi anh muốn theo đuổi cách làm nông nghiệp sạch, thuần tự nhiên.

Để có được một công thức thành công cho riêng mình thì anh Hạnh đã bắt tay vào tìm tòi học hỏi từ sách vở, trên mạng, đi khắp nơi để nghiên cứu về thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu, cây trồng hay kỹ thuật canh tác. Sau đó, anh đã quyết định lựa chọn cây dứa, loại cây truyền thống của quê nhà để bắt tay vào con đường khởi nghiệp.

Gặt hái được những "trái ngọt" đầu tiên

Anh Nguyễn Văn Hạnh chia sẻ, để có thể hiện thực hóa được những kiến thức mà mình đã học thì thời gian đầu anh đã đến các hộ trồng dứa tại quê nhà để thuyết phục họ sản xuất theo phương thức sạch như không dùng chất kích thích, không dùng thuốc diệt cỏ, không chín ép, không hóa chất...

Để thay đổi thói quen bón phân sinh học thông thường, anh Hạnh đã tự mày mò để làm ra các loại phân vi sinh bằng cách củ chuối, phân cá, ốc... Trong đó, loại phân cá ủ hoai sẽ cung cấp vitamin cho cây trồng, trong củ chuối thì có chứa kali dễ tổng hợp vừa tốt cho cây dứa mà còn giúp bảo vệ môi trường.

Phải hơn một năm sau khi triển khai thì nỗ lực của anh mới bắt đầu có thành quả. Trên những cánh đồng trồng dứa áp dụng phương thức canh tác '4 không' đã cho trái cho chất lượng vượt trội, vị ngọt tự nhiên.

Sản phẩm làm ra có chất lượng tốt nhưng bài toán mà anh Hạnh cần giải quyết chính là làm thế nào để dứa theo hướng hữu cơ có được sự khác biệt so với dứa thường. Khi đó, anh lại bắt tay vào việc kết nối, tìm kiếm khách hàng và thuyết phục nhiều bạn hàng lớn. Anh cũng không ngại chủ động gửi sản phẩm của mình đến đối tác để có thể chứng minh chất lượng.

Để nâng cao uy tín cho sản phẩm dứa theo hướng hữu cơ của địa phương thì anh đã liên kết với nhiều hộ gia đình tại đây cùng nhau thành lập HTX nông sản Hạnh Phúc. Dần dần, thương hiệu dứa theo hướng hữu cơ Dứa Hạnh Phúc dần trở nên thân quen, được nhiều người quan tâm hơn. Rồi sau đó dứa theo hướng hữu cơ của HTX đã được đưa đi khắp các tỉnh thành trên cả nước, có mặt trong các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, uy tín.

htx-nong-san-hanh-phuc-3-1721349145.jpg
Anh Hạnh đã gặt hái được thành công với thương hiệu Dứa Hạnh Phúc

Không chỉ làm tốt khâu sản xuất mà khâu tìm kiếm thị trường cũng không kém phần sôi nổi, nhờ đó mà HTX luôn hoạt động ổn định, giúp xã viên có được mức thu nhập tốt. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc bán sản phẩm thô thì giá trị của dứa theo hướng hữu cơ sẽ không có thêm bước đột phá, giúp người dân làm giàu. Chính vì thế, anh Hạnh và các thành viên trong HTX đã quyết định tiếp tục nghiên cứu, chế biến các sản phẩm có nguồn gốc từ trái dứa để nâng cao giá trị gia tăng cho dứa địa phương như trà dứa, mứt dứa, dứa sấy dẻo, mật dứa....

Đưa tơ sợi dứa vươn ra biển lớn

Ngoài là giám đốc hợp tác xã Hạnh Phúc với các sản phẩm từ quả dứa, anh Hạnh cũng là cổ đông và là đồng sáng lập công ty ECOSOI. ECOSOI là công ty cổ phần được thành lập từ năm 2021, ECOSOI sản xuất sản phẩm xơ/sợi/vải từ lá dứa một loại phụ phẩm nông nghiệp trước đây đều bị bỏ đi.

Anh Hạnh chia sẻ, ý tưởng của ECOSOI là tạo ra sản phẩm từ lá dứa và các phụ phẩm nông nghiệp khác. Trước đây, lá dứa đều bị bỏ đi sau mỗi mùa vụ với lượng khổng lồ. Thay vì đốt sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường thì ECOSOI biến lá dứa thành tơ sợi sẽ giúp người nông dân có thêm một nguồn thu nhập và việc làm tại chỗ. Thường mỗi quả dứa thu hoạch sẽ bỏ đi 2-3kg lá dứa, nếu muốn có 1kg sợi dứa khô thì cần khoảng 55-60kg lá dứa tươi. Mỗi ha dứa có thể thu hoạch được 40-60 tấn lá dứa. Xơ, sợi từ lá dứa được sử dụng để tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau từ quần áo đến túi xách hay đồ trang trí. Tạo sinh kế cho bà con nông dân, những người yếu thế, làng nghề truyền thống tại nhiều tỉnh ở Việt Nam.

440929422-454091390465106-4698030373516085830-n-1723604950.jpg
Trang phục được làm từ sợi tơ dứa - tiềm năng của ngành may mặc trong tương lai

Sản phẩm xơ dứa Ngay trong năm 2021, tại triển lãm Gwand Sustaunable Festival được tổ chức tại Luzen, Thụy Sĩ vào năm xơ/sợi dứa của Ecosoi đã được rất nhiều người chào đón. Năm 2022 ECOSOI gọi vốn thành công trên shark tank mùa 5 và được cộng đồng nhà đầu tư, khách hàng quan tâm.

Theo lộ trình, năm 2023 ECOSOI tiếp tục gây tiếng vang vì sản xuất vải thành công từ xơ dứa Năm 2024 ECOSOI tiếp tục mở rộng thị trường cho xơ/sợi/vải và đưa vải dứa vào ứng dụng. Hiện nay, xơ, sợi vải dứa của ECOSOI đang được nhiều khách hàng từ Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, … quan tâm. Trong Tương lai, ECOSOI hứa hẹn sẽ giải quyết các vấn đề môi trường không những từ lá dứa mà còn cả các phụ phẩm nông nghiệp khác.

Theo VnBusiness