Ngược xứ Lạng ngày cuối thu, theo lời giới thiệu của người dân nơi đây, chúng tôi có dịp gặp gỡ anh Nguyễn Trung Sơn (SN 1991, xã Tràng Phái, huyện Văn Quan) - người đồng thành lập Hợp tác xã (HTX) Thuận Phát, chuyên sản xuất các loại nấm ăn, nấm dược liệu - sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh Lạng Sơn.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh khu nhà kính với các khung, giá trồng nấm đang nhú lên mơn mởn, anh Sơn giới thiệu: "Toàn bộ diện tích nhà xưởng hiện tại khoảng 2.500 m2, sản xuất chủ yếu là nấm rơm và nấm bào ngư".
Nói về hành trình khởi nghiệp của mình, thanh niên 9x xứ Lạng cho biết, anh sinh ra và lớn lên tại xã Tràng Phái, huyện Văn Quan. Học hết lớp 9, do gia đình quá khó khăn nên anh đã phải nghỉ học, bươn chải đủ nghề kiếm sống.
"Đi làm thuê bấp bênh, chủ trả được đồng nào hay đồng đó, người ta không trả mình cũng phải chịu. Sau nhiều lần như thế, tôi quyết định về quê. Rất may, trong quá trình đi làm, tôi đã học hỏi được một vài mô hình trồng nấm ở khu vực miền Nam nên quyết định thử sức với mô hình này" - anh Sơn tâm sự.
Nói về lý do chọn sản phẩm nấm rơm - loại nấm ưa nóng để khởi nghiệp trên xứ Lạng - một trong những nơi đầu tiên đón gió mùa ở phía Bắc, thanh niên này cho hay, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có mô hình trồng nấm rơm quy mô mà chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết mùa vụ.
Với số vốn ban đầu 10 triệu đồng cùng với việc vay mượn họ hàng, anh em và ngân hàng, một nhà xưởng khép kín cùng các loại máy móc được dựng lên với tổng vốn đầu tư gần 2 tỉ đồng.
"Nói về khó khăn thì nhiều lắm, loại nấm này chỉ ưa nóng, mà thời tiết miền Bắc lại có 4 mùa. Chính vì thế, 4 tháng đầu, gia đình tôi gần như mất trắng. Sau đó, cả tôi và người cô hiện là giám đốc phải đi học hỏi thêm một số nơi rồi dần dần nắm được kỹ thuật cốt lõi.
Đồng thời, HTX còn chú trọng đến quy trình sản xuất, tuân thủ từng công đoạn, từ nguyên vật liệu, giống, sấy hấp, chăm sóc, thu hái và bảo quản sản phẩm, đặc biệt cần đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm phù hợp thì nấm mới đạt năng suất cao" - anh Sơn nói.
Theo chia sẻ của đại diện HTX Thuận Phát, hiện sản lượng nấm mỗi tháng đạt khoảng 4 tấn. Giá bán buôn khoảng 110.000 - 120.000 nghìn đồng/kg, bán lẻ khoảng 150.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, hợp tác xã này đang tạo công ăn việc làm cho 10 công nhân cố định với mức lương từ 7 - 10 triệu đồng/tháng và khoảng 5 công nhân thời vụ.
Nói về định hướng trong thời gian tới, anh Sơn cho hay, HTX sẽ đầu tư thêm máy móc, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cấp chất lượng của sản phẩm nâng cao hơn nữa để có thể cung ứng đủ sản lượng theo nhu cầu của thị trường.
Trao đổi với PV, ông Triệu Văn Hựu - Chủ tịch UBND xã Tràng Phái, huyện Văn Quan - cho biết, HTX Thuận Phát tính đến thời điểm hiện tại đã và đang hoạt động có hiệu quả, tạo thu nhập ổn định cho các thành viên và nhiều lao động địa phương.
Theo ông Hựu, sản phẩm nấm rơm của HTX được đánh giá sản phẩm OCOP 3 sao, góp phần khẳng định thương hiệu và đưa sản phẩm đến gần hơn tới tay người tiêu dùng.
"Mô hình trồng nấm của HTX Thuận Phát đã đạt giải Nhì cuộc thi "Ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" tỉnh Lạng Sơn năm 2024. UBND xã cũng cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi trong khả năng để HTX mở rộng, phát triển" - ông Hựu nói.
Cũng theo lãnh đạo UBND xã Tràng Phái, đầu năm 2024, mô hình trồng nấm của HTX Thuận Phát cũng nhận được bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn vì đã phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.