Thế giới đang đối mặt với ba cuộc khủng hoảng: biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học. Các nhà đầu tư toàn cầu ngày càng quan tâm đến việc đầu tư vào các tài sản có tác động tích cực đến môi trường, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn tự nguyện và bắt buộc về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2030, với tầm nhìn đến năm 2050, trong bối cảnh quốc tế đang gia tăng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Việt Nam cam kết xây dựng một nền kinh tế xanh, tuần hoàn, đảm bảo an ninh tài nguyên nước, phát triển nông nghiệp bền vững; đồng thời, gia tăng khả năng chống chịu của các hệ sinh thái và xã hội trước những tác động tiêu cực của thiên tai và biến đổi khí hậu.
Nhằm nâng cao nhận thức, khuyến khích, thúc đẩy và tạo sự lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với quy mô trên toàn quốc; Tìm kiếm các ý tưởng, sản phẩm, dự án khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến và các giải pháp đột phá để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; Tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp xanh, kết nối các startup với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư để tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ sự phát triển bền vững của các dự án, Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times phối hợp cùng Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và các cơ quan tổ chức cuộc thi "Startup - Tạo giải pháp cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững".
Đối tượng của cuộc thi bao gồm tất cả các cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên toàn quốc có các ý tưởng, sản phẩm, dự án khởi nghiệp sáng tạo, sáng kiến công nghệ, giải pháp và mô hình kinh doanh nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Các ý tưởng, sản phẩm, dự án khởi nghiệp sáng tạo, sáng kiến công nghệ, giải pháp và mô hình kinh doanh tham dự cuộc thi bao gồm:
- Các giải pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo (như năng lượng mặt trời, gió, sinh khối).
- Sản phẩm hoặc dịch vụ giảm thiểu chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.
- Công nghệ thông minh giúp quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
- Mô hình kinh doanh bền vững hoặc sản phẩm tiêu dùng có tính chất sinh thái (eco-friendly).
- Các giải pháp, mô hình kinh doanh về các lĩnh vực mua bán, trao đổi tín chỉ carbon.
Các mô hình dự thi phải thể hiện được tính mới, tính sáng tạo, tính ứng dụng cao trong thực tiễn và chưa đạt giải thưởng tại bất kỳ cuộc thi nào có quy mô từ cấp tỉnh trở lên từ năm 2015 đến thời điểm dự thi.
Các mô hình dự thi được làm từ các nguyên vật liệu có sẵn trong nước, khuyến khích mô hình có giá thành rẻ, kỹ thuật không quá phức tạp, dễ sử dụng, được tái sử dụng hoặc tái chế từ các phế liệu trong sản xuất, sinh hoạt tại hộ gia đình, trường học, cơ quan, nhà máy...
Ngoài mô hình thực tế gửi dự thi, khuyến khích tác giả thể hiện bằng hình ảnh hoặc xây dựng các video clip để mô tả chi tiết và cụ thể hơn về sản phẩm.
18 sản phẩm/sáng kiến/dự án/giải pháp/mô hình sẽ được vinh danh, trong đó có 01 Giải Nhất; 03 Giải Nhì; 06 Giải Ba; 08 Giải Khuyến khích.
Thời gian nhận hồ sơ dự thi: Từ ngày phát động đến hết ngày 25 tháng 11 năm 2024 (tính theo dấu bưu điện).