Hướng đi mới cho trái thanh long ruột đỏ với sản phẩm mỳ hồng độc lạ

Minh Hà
Chị Trần Thị Thúy, Giám đốc HTX sản xuất thương mại và dịch vụ nông lâm thủy sản Lộc Thúy Quỳnh hay còn gọi là Lộc Thúy Quỳnh Farm ( nằm tại xã Nhạo Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) đã mạnh dạn tìm ra hướng đi mới cho thanh long ruột đỏ với sản phẩm mỳ độc đáo và khác biệt, giúp cứu lấy nền kinh tế của gia đình cũng như bà con địa phương, không những thế còn thành công đưa nông sản Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Chị Thúy sinh ra và lớn nên ở nông thôn nhưng chưa bao giờ chị thích công việc nhà nông chân lấm tay bùn. Với mong muốn thoát khỏi cảnh làm nông chị đã quyết định đi theo nghề may. Thế nhưng, "trốn" được 20 năm thì biến cố gia đình ập đến khiến chị phải "buộc chặt" cuộc đời mình với những cánh đồng trồng màu rộng hàng chục ha.

Từ biến cố để tìm hướng đi mới

Chị Thúy chia sẻ về hành trình dài đã qua và câu chuyện khi chồng chị mắc phải căn bệnh suy thận từ năm 2013, phải chạy máy lọc thận đến tận năm 2022 mới có thận để thay thế.

Trước đó, trong thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, hầu hết thanh long trên địa bàn xã Nhạo Sơn đều rơi vào tình trạng không tiêu thụ được, nằm lăn lóc ngoài ruộng. Chị Thúy tận mắt chứng kiến cảnh đó nên đã vô cùng trăn trở phải làm sao để có thể tiêu thụ hết thanh long cho bà con. Lúc đó chị đã nghĩ đến việc thử kết hợp gạo với thanh long.

Nghĩ là làm, trong quãng thời gian ở nhà chăm sóc chồng, chị Thủy đã thử nghiệm làm mỳ thanh long thủ công. Chị xay quả thanh long ra rồi lọc lấy nước, sau đó giã gạo hòa với nước thanh long và ráo thành bột, tiếp đó là cán mỏng, cắt sợi rồi phơi khô... Những mẻ mỳ thử nghiệm của chị rất thành công, mỳ có màu hồng cực kỳ độc đáo, mới lạ. Sau một thời gian dài sử dụng loại mì này, kết hợp với một số thực phẩm khác thì tình trạng sức khỏe của chồng chị đã có phần cải thiện, dễ tiêu hóa mà còn giúp đỡ được một số công việc trong gia đình.

loc-thuy-quynh-farm-1-1724868263.jpg
Hiện HTX đang có 15ha trồng thanh long ruột đỏ

"Trải qua những tháng ngày vật lộn với bệnh tật và sự hướng dẫn ăn kiêng của các bác sĩ, tôi đã quyết định nghiên cứu và phát triển loại mỳ kết hợp hài hòa giữa gạo và thanh long, cung cấp đầy đủ vitamin và dưỡng chất. Sau những nỗ lực, tôi đã thành công trong việc sản xuất loại mỳ đầu tiên có màu hồng tự nhiên, có độ dai và hương vị đậm đà. Khi chồng tôi thử và thấy hiệu quả tốt, sức khỏe của chồng cũng dần ổn định và hồi phục, cả tôi cũng cảm thấy mạnh khỏe hơn", chị Thúy tiết lộ.

Giống như bao gia đình khác ở xã, gia đình chị đã chuyển đổi 6 sào đất đồi sang trồng giống thanh long ruột đỏ vào năm 2015. Nhờ sự chăm chỉ cộng thêm việc áp dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ vào trồng trong mà vườn thanh long đậu nhiều quả, thế nhưng thị trường tiêu thụ lại khá bấp bênh.

Chính vì thế mà chị Thúy luôn nung nấu ước mơ mở rộng quy mô sản xuất để làm ra nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ nông nghiệp tốt cho sức khỏe như thanh long đỏ, măng tây... Đặc biệt khi thấy bà con nông dân thường rơi vào tình trạng được mùa mất giá, chị lại càng trăn trở hơn về bài toán tìm lối đi cho nông sản địa phương.

Thời điểm đó, đã có nhiều người động viên, khích lệ chị nhân rộng mô hình phát triển kinh tế của mình. Năm 2018, chị đã liên kết với một số hộ dân tại huyện Sông Lô, cùng nhau thành lập HTX Lộc Thúy Quỳnh chuyên trồng các loại rau và hoa quả sạch. Các sản phẩm do HTX sản xuất như măng tây, dưa chuột, thanh long ruột đỏ... đều là sản phẩm an toàn nên có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định.

Việc được cấp giấy chứng nhận VietGAP vào năm 2019 đã tạo cho HTX một bước ngoặt, giúp HTX vươn lên khẳng định thương hiệu cho sản phẩm của mình. HTX luôn có các quy trình, hoạt động bài bản nên vườn thanh long ruột đỏ của các thành viên trong HTX luôn cho năng suất cao và chất lượng tốt.

HIện tại, HTX Lộc Thúy Quỳnh đang có gần 15ha trồng thanh long ruột đỏ. Bên cạnh đó, các xã viên còn trồng nhiều loại hoa màu khác như măng tây và dưa chuột an toàn, mang đến cho bà con nông dân nguồn thu nhập lớn hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. 100% thanh long ruột đỏ của bà con xã viên sẽ được HTX thu mua hết với giá ổn định và luôn cao hơn giá trị trường của các thương lái 10-20%.

Hoạt động ý nghĩa có nhiều giá trị nhân văn

Sau khi chồng chị Thúy điều trị khỏi bệnh thì câu chuyện về gia đình chị đã được rất nhiều người lan truyền. Có nhiều người tò mò một lần muốn mua thử sản phẩm của mỳ thanh long của HTX . Lãnh đạo HTX đã tận dụng điều này đồng thời không ngừng học hỏi thêm về quy trình sản xuất, đầu tư trang thiết bị hiện đại và nghiên cứu tìm ra công thức chế biến tối ưu hơn nữa.

Giờ đây, mỳ thanh long đã được sản xuất bằng máy tự động, áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến, sấy khô trên dây chuyền khép kín. Nguyên liệu để làm mỳ bao gồm gạo thơm kết hợp với nước ép thanh long ruột đỏ hoàn toàn tự nhiên, đảm bảo an toàn cho sức khỏe, mang đến sản phẩm vừa có giá trị kinh tế vừa tăng thêm lựa chọn cho người tiêu dùng. Trung bình, mỗi ngày HTX có thể sản xuất được khoảng 2 tấn mỳ.

loc-thuy-quynh-farm-2-1724776886.png
Sản phẩm mỳ thanh long ruột đó được sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn

Thanh long ruột đỏ của HTX luôn có được chất lượng tốt trong nhiều năm liền, các sản phẩm của HTX nhất là thanh long ruột đỏ đã được lựa chọn để tham gia vào nhiều sự kiện, hội chợ, chương trình quảng bá sản phẩm an toàn ở trong và ngoài tỉnh. Thông qua đó mà HTX có thêm cơ hội ký được nhiều đơn hàng bao tiêu sản phẩm với số lượng lớn. Ước tính, mỗi năm HTX có thể xuất 700 tấn sản phẩm ra thị trường, doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng.

Nhờ các hội chợ mà HTX đã có thêm cơ hội để tiếp xúc, giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng, mở rộng mạng lưới kinh doanh. Đây chính là thành quả đến từ sự kiên trì và nỗ lực của các thành viên HTX.

Giờ đây, sản phẩm thanh long ruột đỏ của HTX đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước thông qua các kênh phân phối hiện đại như Siêu thị Co.opmart Vĩnh Phúc, Việt Trì..., có trong các cửa hàng hoa quả sạch ở Hà Nội và một số sàn thương mại điện tử quen thuộc khác.

Khát vọng đưa sản phẩm độc đáo vươn xa

Đối với chị Thúy, chị luôn tâm niệm rằng việc cung cấp sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng chính là phương châm hoạt động của HTX. Nhờ đó mà HTX vinh dự đạt danh hiệu "Thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ nổi tiếng Quốc gia", đồng thời đã có doanh nghiệp đến từ Cộng hòa Séc đặt hàng ký kết tiêu thụ sản phẩm mỳ thanh long. Năm 2023 một niềm vui lớn đã đến chính là HTX được Tổng hội NN&PTNT Việt Nam tặng chứng nhận "Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam".

loc-thuy-quynh-farm-3-1724776889.png
Theo ước tính, mỗi năm HTX xuất bán ra trường gần 700 tấn sản phẩm, doanh thu hơn 10 tỷ đồng

Ngoài thị trường trong nước thì Lộc Thúy Quỳnh Farm còn tích cực quảng bá các sản phẩm để mặt hàng mỳ thanh long có cơ hội xuất ngoại. Để tạo cho khách hàng sự ấn tượng ở hội chợ, chị Thúy thường mặc những bộ váy/quần áo có màu hồng sặc sỡ giống quả thanh long để thu hút sự chú ý của mọi người. Chị cũng luôn thân thiện, nhiệt tình, hiếu khách, sẵn sàng nấu mỳ thanh long cho khách hàng thưởng thức. Không sai khi nói, đằng sau mỗi sợi mỳ hồng chính là "câu chuyện cổ tích" của người phụ nữ này.

Việc xuất khẩu được sản phẩm ra thị trường quốc tế chính là bước tiến lớn dành cho HTX. Để đạt được điều này thì sản phẩm của HTX phải đáp ứng được những yêu cầu khắt khe từ chất lượng sản phẩm đến bao bì và quy trình sản xuất. Tuy nhiên, HTX luôn có tinh thần cầu thị, ham học hỏi và không ngừng cải tiến, đã vượt qua mọi thử thách để đưa sản phẩm chất lượng của mình vươn ra thế giới.

HTX luôn phấn đấu đa dạng các sản phẩm của mình trong đó có quả thanh long, giúp gia tăng về giá trị, đồng thời giúp người dân gắn bó với nghề nông cải thiện được kinh tế. Hiện tại, HTX đã đầu tư thêm nhiều máy móc để sản xuất và đưa ra thị trường các sản phẩm mới lạ như thanh long sấy lạnh, rượu vang thanh long, sữa chua thanh long, nước ép thanh long, trà ho thanh long, bột tía tô, bột rau má...

Khi được hỏi về định hướng của HTX trong thời gian tới, Giám đốc Trần Thị Thúy chia sẻ: "Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục đầu tư để hoàn thiện dây chuyền chế biến đa dạng hóa các sản phẩm từ quả thanh long nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, giảm áp lực khâu tiêu thụ quả tươi và hướng đến xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Hàn, Nhật, Đài Loan, Pháp... thực hiện quy trình sản xuất an toàn hiệu quả đảm bảo yêu cầu xuất khẩu cây tầm bóp sang Nhật Bản; tích cực đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm dựa trên lợi thế đến từ các hiệp định thương mại của Việt Nam với các nước Nhật Bản, Anh, Liên minh châu Âu…”

Theo VnBusiness