TS. Vũ Quang Giảng – Nhà khoa học của nhà nông luôn đau đáu với nông nghiệp, nông dân, nông thôn cùng những vấn đề bà con nông dân gặp phải trong sản xuất. Những nghiên cứu khoa học của TS. Vũ Quang Giảng về mảng đề tài này được triển khai vào thực tiễn, đã thực sự cùng nông dân xây đắp những mùa vàng bội thu, đóng góp không nhỏ cho nền nông nghiệp của địa phương.
Nhiều nông dân ở xã Nà Bó và xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chia sẻ, khi ứng dụng quy trình trồng thanh long ruột đỏ theo đề tài khoa học của TS. Vũ Quang Giảng, thanh long dễ trồng, dễ chăm sóc cho quả nhiều lứa chất lượng hơn, từ đó tăng hiệu quả kinh tế. Nhiều gia đình đã thu hoạch được 20 tấn thanh long trên 2.000m2 diện tích.
Với năng suất và chất lượng đảm bảo, được áp dụng trồng theo quy trình VietGAP cho vị thơm, ngọt sắc khác biệt, thanh long ruột đỏ của tỉnh Sơn La hiện đã xuất khẩu chính ngạch vào thị trường các nước Tây Âu, UAE, Nga và mới đây nhất, thanh long ruột đỏ của hợp tác xã nông nghiệp Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, Thuận Châu được xuất khẩu sang thị trường Italy. Điều này càng khẳng định tính thực tiễn và hiệu quả của đề tài cấp tỉnh: “Trồng thử nghiệm và chọn giống Thanh Long phù hợp với điều kiện tự nhiên canh tác tại tỉnh Sơn La” do TS. Vũ Quang Giảng thực hiện.
TS. Vũ Quang Giảng chia sẻ, từ 5.000m2 đầu tiên đề tài triển khai trồng thử nghiệm từ năm 2010-2012 tại hộ gia đình ông Nguyễn Quang Vinh, tiểu khu 7, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, sau đó triển khai thành dự án nhỏ có sự hỗ trợ của Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Sơn La và Viện rau quả Trung ương thành công, đến nay đề tài đã chuyển giao kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ cho nông dân tại các huyện Mai Sơn và Thuận Châu, với diện tích đạt trên 350 ha.
“Giá trị sản phẩm của cây thanh long ruột đỏ trên 1ha rất cao. Cùng với việc áp dụng công nghệ để tạo thanh long ra quả trái vụ, chất lượng của thanh long Sơn La có thể cạnh tranh với thanh long các nơi khác”, TS. Vũ Quang Giảng khẳng định.
Gia đình anh Nguyễn Xuân Cường, ở thôn 7, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn sau khi mạnh dạn chuyển đổi gần 2.500m2 cây trồng kém hiệu quả sang trồng thanh long ruột đỏ, mỗi năm có thu bình quân 20 tấn quả cho biết, gia đình hiện vẫn đang có một số diện tích đất trồng cây ăn quả. Trong vòng 1-2 năm nữa nếu thấy không có hiệu quả kinh tế sẽ chuyển đổi dần sang trồng cây thanh long ruột đỏ.
Ông Nguyễn Quang Vinh hiện đã là Giám đốc HTX Ngọc Hoàng-Mai Sơn có trên 200 hộ thành viên HTX và các hộ liên kết trồng thanh long, với diện tích xấp xỉ 300 ha. Theo ông Vinh, thanh long là cây có giá trị kinh tế cao, năng suất trung bình 40 tấn/ha, cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng/1ha. 2 loại giống thanh long ruột đỏ là Long Định và Đài Loan đề tài lựa chọn rất phù hợp với điều kiện canh tác ở tỉnh Sơn La.
“Thanh long không mất mùa bao giờ lại là một trong những cây chống biến đổi khí hậu tốt, năng suất cao. Nếu so sánh cùng canh tác trên đất Sơn La chưa có cây nào thắng nổi cây thanh long”, ông Vinh quả quyết.
TS. Vũ Quang Giảng được biết đến là nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng, đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là Nhà khoa học của nhà nông. 32 năm công tác tại Trường Đại học Tây Bắc, TS. Vũ Quang Giảng đã có 21 bài báo, ấn phẩm đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và hội thảo quốc tế, tham gia thực hiện 16 đề tài, dự án các cấp. Anh là chủ nhiệm của 13 đề tài (2 đề tài cấp Bộ, 5 đề tài cấp tỉnh, 2 đề tài nhánh cấp Nhà nước và 4 đề tài cấp cơ sở).
Nhiều năm công tác tại cơ sở, nhất là trong thời gian làm việc tại công ty Cà phê - Cây ăn quả tỉnh Sơn La, được tiếp xúc trực tiếp với bà con nông dân Sơn La, anh Giảng luôn thấu hiểu và cảm thông với nỗi vất vả và khát khao vươn lên thoát nghèo của bà con. Khi về công tác tại Trường Đại học Tây Bắc, anh càng có thêm điều kiện vừa giảng dạy, vừa mày mò nghiên cứu, phân tích, nhìn nhận những tiềm năng về điều kiện tự nhiên (khí hậu, đất đai) cho việc phát triển nông nghiệp, với mong muốn có thể giúp ích cho bà con.
“Chúng tôi luôn luôn quan tâm và đồng hành cùng bà con, cùng hỗ trợ cho bà con về kỹ thuật trồng cây, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh. Với nhiều nghiên cứu và thực nghiệm từ đó nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng”, TS. Giảng cho biết.
Cùng với đề tài “Trồng thử nghiệm và chọn giống Thanh Long phù hợp với điều kiện tự nhiên canh tác tại tỉnh Sơn La”, một số đề tài điển hình do TS. Vũ Quang Giảng triển khai thành công, có thể kể đến như các đề tài: “Nghiên cứu biện pháp phòng trừ sâu đục quả xoài tỉnh Sơn La” đã xác định 17 loài sâu, 7 bệnh gây hại trên cây xoài, hướng tới phòng trừ 3 loài sâu hại.
Hay như đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu biện pháp phòng trừ tổng hợp mọt đục quả hại cà phê tại Sơn La” đã xây dựng quy trình phòng trừ mọt đục quả cà phê và chuyển giao cho nông dân vùng trồng cà phê, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng cà phê xuất khẩu trong tỉnh Sơn La. Đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu côn trùng gây hại chủ yếu trên một số cây trồng chính của tỉnh Sơn La” đã xây dựng bộ Attlat Côn trùng, làm tài liệu giảng dạy và nghiên cứu cho sinh viên nông nghiệp trong các trường Đại học và Cao đẳng tại Sơn La.
Theo TS. Đỗ Hồng Đức, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc, trong hoạt động giảng dạy, đào tạo, TS. Vũ Quang Giảng cùng với các giảng viên của Khoa Nông-Lâm thường xuyên gắn các nghiên cứu vào bài giảng và thực nghiệm, khuyến khích sinh viên nghiên cứu, áp dụng khoa học vào học tập lý thuyết cũng như thực hành trên thực tiễn. Hàng năm, Khoa có 5 - 7 đề tài cấp cơ sở của giảng viên và 10 - 15 đề tài cấp cơ sở của sinh viên thực hiện. Nhiều đề tài đoạt giải thưởng cao trong các cuộc thi quốc gia.
“Những đề tài của thầy Giảng gắn liền với thực tiễn sản xuất ở địa phương, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, giảm thiểu thiệt hại trong quá trình sản xuất của bà con. Thầy cũng là một trong những tấm gương, những đầu tầu dẫn dắt các giảng viên khác và sinh viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học”, Phó Hiệu trưởng Đỗ Hồng Đức cho biết.
Ước mơ cháy bỏng của TS. Vũ Quang Giảng là sẽ có thêm nhiều nghiên cứu, ứng dụng thiết thực với đời sống, góp phần cùng nông dân xây đắp những mùa vàng bội thu.