Thanh niên khởi nghiệp thành công từ lá bồ đề

Hoài Nguyễn
Một trong những phong trào Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đạt nhiều kết quả tích cực trong nhiệm kỳ 2019-2024 là hoạt động thanh niên sáng tạo, khởi nghiệp. Điển hình như thanh niên Đặng Duy Khánh ở thành phố Sóc Trăng đã khởi nghiệp rất thành công với ý tưởng độc đáo, từ những chiếc lá bồ đề, anh đã cho ra đời mô hình các sản phẩm “Móc khóa từ xương lá bồ đề”.

Với mong muốn tạo ra sản phẩm quà lưu niệm mang dấu ấn riêng của vùng đất Sóc Trăng, anh Đặng Duy Khánh, ở thành phố Sóc Trăng đã nảy sinh ý tưởng và quyết định khởi nghiệp mô hình độc đáo từ những chiếc lá bồ đề và cho ra đời mô hình sản phẩm “Móc khóa từ xương lá bồ đề” và “Tranh lá bồ đề”.

Anh Khánh chia sẻ: "Tôi cũng có ý định khởi nghiệp mà chưa biết bắt đầu từ đâu, lập nghiệp như thế nào. Một lần vô tình đi chùa thấy có những chiếc lá bồ đề rụng chỉ còn xương lá, nhìn rất là đẹp, tôi mới nghiên cứu làm như thế nào để làm quà tặng mang ý nghĩa về phật giáo, chính vì thế mà mình đã làm ra sản phẩm này".

z6134594250126-f6a98e760df1990b0b6a01d649615cc9-1734318288.jpg

Anh Đặng Duy Khánh (bên phải) với sản phẩm tranh lá bồ đề được trưng bày tại đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam tỉnh Sóc Trăng.

Ban đầu anh Khánh xây dựng ý tưởng kinh doanh, cơ sở đều sử dụng 100% nguồn nguyên liệu từ thiên nhiên tại địa phương và việc phát huy tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có đã bước đầu giúp cho cơ sở Tranh lá Duy Khánh lần đầu tiên xuất hiện tại thị trường vào năm 2020. Từ đó đến nay, các sản phẩm của cơ sở luôn được khách hàng trong và ngoài nước công nhận.

"Hiện nay khách hàng của tôi khá là rộng, trong nước có và ngoài nước cũng có. Trước đây tôi chỉ tiêu thụ trong tỉnh, số lượng ít, vì mới khởi nghiệp, dần dần ra thì tiêu thụ rộng hơn, ra các tỉnh nhiều hơn và bây giờ đã có một số nước lấy hàng của mình. Tôi không xuất khẩu trực tiếp mà thông qua đơn vị khác" - anh Khánh cho biết.

Bằng sự chủ động sáng tạo, anh Khánh cùng với các bạn trong cơ sở đã nghiên cứu cho ra đời nhiều ý tưởng để cải tiến, sơ chế nguyên liệu từ lá cây để tạo ra nhiều sản phẩm tranh, móc khoá đa dạng đẹp mắt có thể sử dụng làm quà lưu niệm với nhiều mẫu mã mang ý nghĩa biểu tượng đặc trưng của địa phương.

z6134594249876-b7a3f4bcfed335713ea77b7e982c1ebb-1734318261.jpg

Bằng sự chủ động sáng tạo, anh Khánh cùng với các bạn trong cơ sở đã nghiên cứu cho ra đời nhiều ý tưởng.

Theo anh Khánh, trong những năm qua, được sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi của các ngành, các cấp trong việc quản lý và hỗ trợ đăng ký sản phẩm OCOP của cơ sở và đặc biệt là Đoàn thanh niên – Uỷ ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đồng hành, hỗ trợ quảng bá các sản phẩm tranh lá bồ đề thông qua việc giới thiệu tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, các hoạt động trưng bày sản phẩm thanh niên tại các kỳ đại hội, đến nay cơ sở Tranh lá Duy Khánh đã định vị được thương hiệu bằng những sản phẩm phẩm chất lượng cao, độc đáo. Nhờ vậy, đã được đông đảo mọi người tin dùng và ủng hộ. Cụ thể hơn hết là khách hàng đã tiêu thụ hơn 30 ngàn cái móc khoá và trên 50 tranh, ảnh được tiêu thụ trong năm 2024.


Bên cạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh cơ sở còn thường xuyên phối hợp Đoàn thanh niên – Uỷ ban Hội phường 4 (thành phố Sóc Trăng) mở các lớp đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật từ bước sơ chế và tạo hình sản phẩm từ xương lá bồ đề.

Cho đến nay sản phẩm “Móc khoá từ xương lá bồ đề” và “Tranh lá bồ đề” của anh Duy Khánh đã được 10 đại lý sử dụng, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trên cả nước, tạo nguồn doanh thu ổn định, liên kết với nhiều hộ dân trong chuỗi sản xuất để tạo ra nhiều sản phẩm, chuyển giao cây giống và bao tiêu đầu ra cho nhiều đoàn viên, hội viên tại địa phương. Qua đó, đã giới thiệu và giải quyết việc làm cho 6 lao động thường xuyên; 13 lao động mùa vụ với mức thu nhập từ 3,5 - 8 triệu đồng/tháng.

Với những thành tựu đạt được, năm ngoái, anh Đặng Duy Khánh đã vinh dự là một trong 43 thanh niên tiêu biểu nhận được Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVIII do Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng.

z6134594260471-6e587ddf7de648fa61c053ec40f203cf-1734318270.jpg

Một số sản phẩm làm từ lá bồ đề do cơ sở của anh Đặng Duy Khánh sản xuất.


Anh Đặng Duy Khánh chia sẻ, trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục nỗ lực, sáng tạo thực hiện các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lá bồ đề để duy trì và mở rộng quy mô sản xuất từ đó góp phần cổ vũ, động viên, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh.

Theo anh Khánh: "Kế hoạch của tôi là ngoài xương lá bồ đề làm quà lưu niệm cho du khách mỗi khi đến Sóc Trăng thì bên mình cũng đang nghiên cứu một số sản phẩm làm từ lá bồ đề, như xà phòng cũng làm từ bồ đề và một số hoạt chất thiên nhiên tại địa phương. Song song đó tôi còn làm thêm một số mặt hàng khác cũng từ lá".

Trong nhiệm kỳ 2019-2024, các cấp bộ hội LHTN Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức nhiều hoạt động tạo môi trường để thanh niên phát huy tính sáng tạo trong học tập, lao động, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Qua đó, các cấp bộ hội đã tổ chức 150 chương trình giao lưu, tham quan học tập kinh nghiệm, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, hỗ trợ vốn, trên 100 buổi giới thiệu việc làm cho thanh niên và hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, nhân rộng mô hình cho trên 1.300 thanh niên.

Phát biểu tại đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam tỉnh Sóc Trăng lần thứ VII, nhiệm kỳ 2024 – 2029 vừa diễn ra, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Xuân Hiếu cũng nhấn mạnh đến Hội LHTN Việt Nam tỉnh Sóc Trăng tiếp tục nghiên cứu giải pháp hiệu quả trong việc thúc đẩy tâm thế, kỹ năng khởi nghiệp trong thanh niên. Với tầm nhìn đến năm 2030, Sóc Trăng sẽ trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững. Do đó nhiệm vụ thúc đẩy tâm thế và xây dựng kỹ năng, hệ sinh thái khởi nghiệp trong thanh niên tỉnh nhà là việc rất cấp bách, cần thiết.

Anh Hiếu cho biết thêm: "Trên con đường đồng hành cùng các bạn trẻ khởi nghiệp đầy rủi ro, tổ chức Hội cần xác lập vai trò hỗ trợ không nhất thiết chỉ là về vấn đề tài chính, vốn cho các dự án lớn. Điều quan trọng là giải pháp về tâm thế lập nghiệp, khởi nghiệp, sáng tạo cho khối đông thanh niên. Mỗi bạn trẻ cần có tâm thế chấp nhận rủi ro, nhưng tinh thần dám thất bại đó phải trên nền tảng của một hệ sinh thái hỗ trợ để dù có vấp ngã vẫn có thể đứng lên, và quan trọng hơn là làm thế nào để không lặp lại sự thất bại trong một nền kinh tế toàn cầu ngày càng nhiều rủi ro như hiện nay".