HTX sản xuất và chế biến măng sạch Xuân Nha: Liên kết trồng tre bát độ sản xuất măng sạch, tạo thu nhập cho hàng trăm hộ dân

Minh Hà
Từ lâu các sản phẩm măng khô, măng chua đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng nhưng để nâng cao giá trị, khiến cây măng trở thành nông sản đem lại nhiều thu nhập, giúp đem lại việc làm cho các thành viên trong HTX Sản xuất và chế biến măng sạch Xuân Nha thì cần phải đổi mới cách làm và triển khai với quyết tâm cao hơn. 

Hiện nay, HTX Sản xuất và chế biến măng sạch Xuân Nha đã hình thành được vùng trồng măng hàng hóa, có được quy trình chế biến sâu hơn, xây dựng được thương hiệu sản phẩm riêng để có được những sản phẩm chất lượng cao đưa vào chuỗi các nhà hàng, siêu thị và xuất khẩu ra nước ngoài.

HTX Sản xuất và chế biến măng sạch Xuân Nha được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 5/2020. HTX đã được Dự án GREAT (Dự án thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch) hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, liên kết và chuyển giao công nghệ, giúp HTX tiêu thụ được sản phẩm.

htx-san-xuat-va-che-bien-mang-sach-xuan-nha-1719137600.jpg
HTX Sản xuất và chế biến măng sạch Xuân Nha giúp hàng trăm hộ dân địa phương làm kinh tế

Dự án cũng đã hỗ trợ HTX hơn 600 triệu đồng để xây dựng nhà sấy năng lượng mặt trời với diện tích 100m2, xây dựng các nhà xưởng, trang thiết bị như máy đóng chai, máy tính, thùng đựng măng, bàn inox để chế biến măng.

Hiện HTX Xuân Nha có hơn 12 thành viên hoạt động sản xuất và cung cấp các sản phẩm từ măng như măng hốc sợi khô, măng hốc bẹ khô, măng hốc muối chua, măng bát độ. Các sản phẩm của HTX đều xây dựng được thương hiệu riêng, được nhiều người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.

Giám đốc HTX, chị Lò Thị Nguyễn chia sẻ, HTX đã liên kết tiêu thụ, thu mua măng mà 300 hộ dân thu được ngoài tự nhiên. VIệc khai thác măng ngoài tự nhiên đều được sự cho phép và giám sát của Kiểm lâm địa phương.

NGoài ra, HTX cũng thu mua 60 tấn măng của 4 tổ hợp tác xã trên địa bàn, giá cho mỗi cân măng khoảng 3.500-4.000 đồng/ Sau khi thu hái măng tươi về người dân sẽ phân loại, luộc, ép nước, tước sợi rồi đóng gói. Sau đó sản phẩm được bán cho Công ty Cổ phần Yên THành (Yên Bái) được 7 tấn sản phẩm, sau đó được xuất khẩu sang Đài Loan.

Ngoài ra, HTX còn sản xuất nhiều sản phẩm từ măng như măng hốc sợi khô, măng hấp bẹ khô, măng chua, măng nứa khô để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Để sấy khô sản phẩm HTX sử dụng hệ thống nhà sấy bằng năng lượng mặt trời. Nhà sấy sử dụng nhiệt độ mặt trời bao gồm: Hệ thống mái mica tích tụ nhiệt theo hình vòm trên sàn xi măng, trong xưởng sấy còn có hệ thống quạt hút ẩm, cửa ra vào đều được lắp hệ thống lưới chống côn trùng.

So với các phương pháp sấy thông thường thì sấy bằng năng lượng mặt trời giúp đảm bảo an toàn sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường hơn so với việc sấy bằng than đốt hoặc than củi. Ưu điểm khi sử dụng phương pháp sấy bằng năng lượng trời thường cho thành phẩm có màu sắc bắt mắt, giúp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp lưu giữ được hương vị tự nhiên cho măng. Sản phẩm măng sấy của HTX Sản xuất và chế biến măng sạch Xuân Nha đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Mục tiêu trong thời gian tới của HTX là mở rộng mục tiêu sản xuất, vận động các thành viên và các tổ hợp tác xã liên kết, chuyển đổi 130ha đất trồng lúa, ngô, sắn sang trồng măng bát độ để phục vụ cho thị trường xuất khẩu.

Trong đó, toàn bộ 75 ha măng được trồng vào năm 2020 là do Công ty Cổ phần Yên Thành cung cấp giống, các hộ trồng măng trong năm đầu tiên đã được Dự án GREAT hỗ trợ 75% tiền giống, còn các hộ đối ứng được hỗ trợ 25%.

Đến năm 2021, sau khi được chuyển giao khoa học kỹ thuật thì HTX đã tự sản xuất được 3 vạn gốc cây giống để trồng mới thêm gần 60ha măng, doanh thu bán cây giống của HTX đạt hơn 400 triệu đồng, doanh thu khai thác măng rừng cũng đạt gần 200 triệu đồng.

Bà Lò Thị Hà, Tổ hợp tác bản Tưn, đã liên kết với hợp tác xã để sản xuất và được bao tiêu sản phẩm chia sẻ, măng bát độ là loại măng dễ trồng, ít hoặc không cần sử dụng các loại phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật, không tốn công chăm sóc và thu hoạch. Sau 3 năm trồng thì bắt đầu thu hoạch, thời gian thu hoạch có thể kéo dài đến chục năm. Người nông dân nếu lựa chọn trồng măng thì chỉ cần vốn đầu tư ban đầu mà không cần tốn thêm tiền phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật, đầu ra cũng không cần phải lo lắng. Chính vì thế các thành viên của Tổ hợp tác bản Tưn đã đăng ký và quyết định chuyển đổi gần 40ha trồng măng bát độ để phục vụ sản xuất măng khô xuất khẩu.

Giám đốc HTX, chị Lò Thị Nguyễn chia sẻ, năm 2022 diện tích măng do các thành viên trong hợp tác xã trồng đã bắt đầu được thu hoạch. Nhờ vào việc tích cực chuyển đổi trong khoa học kỹ thuật mà việc trồng, sơ chế măng trở nên đơn giản hơn. HTX vẫn tiếp tục nghiên cứu và phát triển ngày càng đa dạng các sản phẩm từ măng, giúp tiêu thụ và tạo việc làm cho bà con nông dân, giúp người dân nhất là phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây có thêm thu nhập.

Khi mới bắt đầu thành lập HTX và xây dựng thương hiệu măng sạch địa phương thì HTX Sản xuất và chế biến măng sạch Xuân Nha đã gặp phải không ít khó khăn cả về thị trường tiêu thụ và nguồn nhân lực. Tuy nhiên, các sản phẩm măng của HTX Xuân Nha lại có hương vị khác biệt, đặc biệt là sản phẩm măng hốc muối chua của HTX có hương vị khác biệt với nguồn nguyên liệu dồi dào sẵn có. HTX cũng dành nhiều tâm huyết của mình cho sản phẩm măng hốc muối chua để tham dự OCOP, đây cũng chính là cơ hội để các sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến hơn nữa, giúp thương hiệu ngày càng phát triển, được nhiều tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến hơn nữa.

htx-san-xuat-va-che-bien-mang-sach-xuan-nha-1-1719137749.jpg
Sản phẩm măng hốc muối chua Xuân Nha được nhiều người tiêu dùng yêu thích lựa chọn

Theo Báo Sơn La