HTX Nông nghiệp Hương An: Trồng giống hành đặc sản Hương An, giúp người dân làm giàu trên chính quê hương 

Minh Hà
Mỗi năm với 4-5 vụ trồng hành lá, người dân ở phường Hương An, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã liên kết với HTX Nông nghiệp Hương An bao tiêu đầu ra. Mô hình này giúp cho bà con có được nguồn thu nhập ổn định, giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.

Cứ đến mỗi dịp cận Tết là bà con nông dân của xã Hương An lại tất bật thu hoạch hành lá. Sau đó thì họ lại tiếp tục gieo hạt để nhanh chóng có hành lá cung cấp cho thị trường.

Đầu tư sản xuất hành với quy mô lớn

Theo chia sẻ của người dân trồng hành tại địa phương thì thời điểm thuận lợi nhất để cho hành phát triển là từ tháng 12 đến tháng 2 âm lịch, do đó thời điểm này trong năm các hộ dân đều tích cực mở rộng sản xuất.

Ở Hương An, cây hành phát triển có mùi thơm khác biệt vì phù hợp với chất đất và nguồn nước của địa phương. Chính vì vậy mà hành của Hương An được người tiêu dùng ưa chuộng, sản xuất đến đâu thì đều tiêu thụ hết đến đấy.

htx-nong-nghiep-huong-an-1718896713.jpg
Ruộng trồng hành của HTX Nông nghiệp Hương An

Thế nhưng, các thành viên trong HTX Hương An cho biết, muốn trồng hành với quy mô lớn không phải chuyện dễ nhất là trên những diện tích bỏ hoang hoặc chuyển đổi từ đất trồng lúa. Để tạo điều kiện cho cây hành sinh trưởng và phát triển thì HTX đã kết hợp cùng với địa phương xây dựng hệ thống tưới tiêu, khoan giếng cung cấp nước cho ruộng hành.

Ngoài ra, các thành viên HTX và người dân địa phương cũng áp dụng các kỹ thuật sản xuất an toàn giúp nâng cao chất lượng của cây hành. Theo người trồng hành thì hành lá là loại có ít sâu bệnh nhưng cần chăm sóc thường xuyên và phải luôn giữ đất cho ẩm thì cây mới phát triển tốt nhất. Việc tiêu úng cần được chuẩn bị sẵn sàng, không để xảy ra tình trạng mất trắng sau mưa lũ.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Hương An, ông Hồ Phước Đoàn cho biết, tại địa phương đã có nhiều hộ dân tham gia trồng thành, nhờ đó mà việc tăng diện tích sản xuất, năng suất trở nên thuận lợi hơn, giúp cho HTX có được kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo việc bao tiêu đầu ra, ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp, nhà thu mua. Hiện tại, HTX có gần 200 thành viên.

Hiện tại, tất cả diện tích trồng hành của HTX đều thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, đã được trao giấy chứng nhận bởi Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Trồng hành thu về tiền tỷ mỗi năm

Theo kinh nghiệm của các thành viên trong HTX thì mỗi vụ hành thường kéo dài trung bình 60-65 ngày là có thể tiến hành thu hoạch., từ ngày thứ 80 trở đi là thành kết hoa và nở rộ, đến ngày 100 thì hoa hành rụng dần. Ngoài lấy hoa thì có nhiều hộ gia đình sẽ sử dụng cây con (khoảng 40 ngày) để làm giống trồng vụ tiếp theo. Bà con lựa chọn theo cách này vì người tiêu dùng ưa chuộng giống hành đặc trưng của Hương An, do đó người trồng hành rất quan tâm đến việc giữ giống.

Hiện nay, HTX Hương An có 17ha trồng hành theo tiêu chuẩn VietGAP, ngoài ra, địa phương cũng có khoảng 300 hộ trồng hành theo mô hình hộ gia đình, theo đó tổng diện tích hành của Hương An khoảng 100ha.

Với giá hành trên thị trường khoảng 25-30 nghìn đồng/kg vào những lúc cao điểm giá cao đến 60 nghìn đồng/kg, thì người nông dân sẽ có thu nhập cao hơn so với việc trồng các loại cây khác. Một thống kê đã chỉ ra rằng, mỗi năm cây hành giúp mang về cho người dân Hương An doanh thu hàng tỷ đồng.

Theo chia sẻ bà Phạm Thị Xuân, một hộ trồng hành tại đại phương thì trung bình mỗi luống hành sẽ thu hơn 2 triệu đồng trong, 1 sào lúa thu về cao nhất chỉ khoảng 1,5 triệu đồng.

“Những hộ sản xuất nhỏ lẻ như gia đình chúng tôi thì mỗi năm có thể thu lãi từ 50-60 triệu đồng sau khi từ đi hết các chi phí trồng và chăm sóc. Còn những hộ ở trong HTX thì sản xuất với quy mô lớn hơn thì có thể thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm”, bà Phạm Thị Xuân nói.

Tiến xa hơn cùng cây hành lá Hương An

Ban lãnh đạo thị xã Hương Trà đánh giá mô hình phát triển kinh tế từ hành lá đã từng bước cho thấy sự hiệu quả đối với điều kiện tự nhiên của địa phương cũng như hoạt động sản xuất của bà con nông dân. Chính quyền thị xã cũng sẽ tiếp tục phối hợp với người dân để HTX mở rộng diện tích trồng đồng thời nâng cao cả số lượng và chất lượng các sản phẩm làm từ hành lá.

Ngoài ra, địa phương cũng sẽ đầu tư thêm kinh phí để bà con xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo cho hoạt động sản xuất hành lá ngày càng hiệu quả hơn như giếng tưới, lưới điện, hệ thống rào chắn, đường nội đồng... Hiện nay, mỗi ngày HTX có thể bán ra thị trường khoảng 12-15 tấn hành, đưa đến các chợ đầu mối trên địa bàn cũng như nhiều địa phương lân cận như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng...

Hoạt động sản xuất trồng hành phát triển đã góp phần tích cực vào quá trình xóa đói giảm nghèo của địa phương. Thống kê cho thấy, từ khi sản xuất trồng hành đến này tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn đã giảm từ 7,03% vào năm 2016 xuống còn dưới 2%.

Có nhiều thuận lợi nhưng HTX cũng gặp không ít khó khăn như thiếu nguồn nhân lực, các khâu trồng và chăm sóc còn nhiều bất lợi, người dân trồng hành khó mở rộng được diện tích. Ngoài ra, vẫn chưa có nhiều người dân tham gia vào HTX do đó chưa tạo điều kiện thuận lợi giúp được nhiều người dân nâng cao thu nhập.

Chính vì thế, chính quyền thị xã Hương Trà cần có nhiều chính sách để giúp người dân giải quyết những khó khăn này để góp phần xóa đói giảm nghèo nhờ cây hành.

Theo VnBusiness