Giám đốc Hợp tác xã Dược liệu Đông Sơn, anh Nguyễn Văn Dư: Phát triển kinh tế địa phương hiệu quả nhờ sản xuất tinh dầu tràm

Minh Hà
Hợp tác xã Dược liệu Đông Sơn được thành lập 2019 bởi những thành viên trồng cây tràm Úc để chiết xuất tinh dầu. Đến nay, Hợp tác xã Dược liệu Đông Sơn (thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) đã có được hướng phát triển kinh tế một cách hiệu quả nhờ tinh dầu tràm.

Tam Điệp là địa phương có đặc điểm địa hình phức tạp, bao gồm các vùng đồi núi nằm xen kẽ với đồng bằng. Nơi đây được đánh giá phù hợp cho việc trồng các loại cây dược liệu với chất lượng cao, có thể chiết xuất ra được loại tinh dầu có hàm lượng tốt.

Hiểu rõ những đặc điểm thổ nhưỡng này của địa phương, do đó, anh Nguyễn Văn Dư (xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp) đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Dược liệu Đông Sơn với 18 thành viên liên kết. Hợp tác xã có khoảng 6ha diện tích đất trồng tràm tại các xã Đông Sơn, Yên Bình (Tam Điệp) và Yên Thắng (Yên Mô).

htx-duoc-lieu-dong-son-phat-trien-kinh-te-nho-tinh-dau-tram-1-1716222187.jpg
Khu vực trồng tràm của Hợp tác xã Dược liệu Đông Sơn. Ảnh: Hoàng Hiệp

Anh Nguyễn Văn Dư, Giám đốc Hợp tác xã Dược liệu Đông Sơn cho biết, qua tìm hiểu thực tế về lợi ích của cây tràm mang lại, được biết đây là loại dược liệu quý, dễ sử dụng mà mang lại hiệu quả cao. Năm 2016, các thành viên trong Hợp tác xã đã đưa vào trồng thử nghiệm 5 sào thôn 3, xã Đông Sơn dưới sự hỗ trợ của Viện Cải thiện giống và phát triển lâm sản về nguồn giống tràm Úc. Ngoài hỗ trợ giống, Viện còn hỗ trợ bà con nông dân canh tác tràm theo chuẩn quốc tế.

Sau 14 tháng trồng tràm thì Hợp tác xã các thu được những mẻ tinh dầu tràm trồng trên đất Tam Điệp đầu tiên. Trừ hết đi các chi phí thì có thể thu lãi 2.150.000 đồng/sào. Theo hướng dẫn trồng và chăm sóc thì cứ mỗi năm sẽ cắt một đợt tràm, nhờ đó mà sản lượng tràm tăng lên vì cây ngày càng lớn, khối lượng cành lá cũng tăng theo. Anh Dư cho biết, thật may mắn vì cây tràm đã thích nghi với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại vùng đất này.

Nhớ lại thời điểm tháng 10/2018, khi đó có một trận mưa lớn khiến cho toàn bộ cánh đồng bãi tại thôn 3 bị ngập nước, cây đào phai mà người dân trồng ở vùng đất trũng bị chết rất nhiều. Trong khi đó, những cây tràm trồng ở vùng trũng thấp này mà ngập từ 1-1,2m mà vẫn xanh tốt, tiếp tục đâm chồi nảy lộc. Chính vì thế, người dân đã quyết định đưa cây tràm xuống trồng ở vùng trũng thấp.

Anh Nguyễn Văn Dư là người con sinh ra và lớn lên ở quê hương Tam Điệp, anh biết rõ vùng đất này chiêm trũng, sình lầy, trồng lúa không có hiệu quả. Chính vì thế, anh đã liên kết với Hợp tác xã nông nghiệp Yên Bình đã chuyển đổi 2ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng giống tràm năm gân.

htx-duoc-lieu-dong-son-phat-trien-kinh-te-nho-tinh-dau-tram-3-1716222335.jpg
Anh Nguyễn Văn Dư (đứng ngoài cùng bên trái) Giám đốc Hợp tác xã Dược liệu Đông Sơn đang giới thiệu về sản phẩm tinh dầu tràm

Sau 6 năm trồng và chăm sóc thì cây tràm nơi này sinh trưởng và phát triển ổn định, trung bình mỗi sào có thu nhập bình quân từ 2,2-2,5 triệu đồng/năm, giá trị cao gấp 2-2,5 lần so với khi trồng lúa. Giờ đây, Hợp tác xã đã trồng đến 6ha bao gồm tràm trà và tràm năm gân trên địa bàn các xã Đông Sơn, Yên Bình (thành phố Tam Điệp) và xã Yên Thắng (Yên Mô).

Bên cạnh hiệu quả từ thu hoạch lá cây tràm thì bên dưới tán cây cũng có nhiều tiềm năng chưa được người dân khai thác triệt để, chính vì thế Hợp tác xã đã hỗ trợ bà con nông dân các con giống cho bà con nuôi thả như cua, ốc, chạch và một số thủy sản trong ruộng tràm, thông qua đó giúp bà con thành viên Hợp tác xã có thêm nguồn thu nhập.

Năm 2023, các thành viên trong Hợp tác xã đã thả những mẻ cua đồng ở dưới những tán tràm. Một thành viên trong Hợp tác xã cho biết gia đình anh bắt đầu trồng trà từ năm 2017. Trước đây, gia đình đã trồng lúa trên 1,5ha đất nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Sau khi chuyển đổi sang trồng tràm thì hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều, trồng cây không phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết mà quá trình chăm sóc cũng không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Ngoài việc nghiên cứu, đổi mới công nghệ, giờ đây Hợp tác xã Dược liệu Đông Sơn đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm đa dạng như các loại tinh dầu tràm, dầu gội, dầu xả thảo mộc, sữa rửa mặt tràm trà, xà bông tắm tràm trà, cao xoa làm từ tràm... Các loại sản phẩm của Hợp tác xã có mẫu mã và chất lượng hiện đại đều được dán tem QR.

htx-duoc-lieu-dong-son-phat-trien-kinh-te-nho-tinh-dau-tram-2-1716222187.jpg
Các nhân công đang sản xuất tinh dầu tràm tại HTX dược liệu Đông Sơn. Ảnh Hoàng Hiệp

Trong các sản phẩm của Hợp tác xã đã có sản phẩm tinh dầu tràm trà được công nhận là sản phẩm nông thôn tiêu biểu năm 2020. Năm 2020, sản phẩm tinh dầu trà được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Để có được thành quả như này hôm nay, ngoài việc đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định thì Hợp tác xã còn đầu tư vào hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại, xây dựng nhà xưởng, xây dựng khu chế biến tinh dầu. Các sản phẩm của Hợp tác xã được bán ở nhiều nơi, hiện đã có mặt tại Hà Nội và TP.HCM.

Quá trình thu hoạch ban đầu cho năng suất cao, mỗi ha thu được khoảng hơn 80 triệu đồng/năm, sau khi trừ đi các chi phí thì có thể thu về hơn 45 triệu đồng. Hợp tác xã đã góp phần tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động thường xuyên và 20 lao động mùa vụ với mức thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài những thành quả mà Hợp tác xã đã đạt được, Giám đốc Nguyễn Văn Dư chia sẻ, hiện nay Hợp tác xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc đào tạo nguồn nhân lực, tham gia các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, Hợp tác xã còn mong muốn nhận được nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư thêm trang, thiết bị hiện đại, các thiết bị, công nghệ chuyên sâu để sản xuất mỹ phẩm, rượu, để có thêm nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo Báo Ninh Bình