Anh Nguyễn Văn Tuyến khởi nghiệp thành công với mo cau tưởng chừng bỏ đi, kiếm được hàng trăm triệu đồng

Minh Hà
Trước đây, mo cau chỉ là vật bị bỏ đi thì giờ đây đã được anh Nguyễn Văn Tuyến sử dụng để làm thành chén, đĩa, còn được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. 

Thời điểm năm 2021, cơ sở sản xuất chén, đĩa từ mo cau của anh Nguyễn Văn Tuyến và những người bạn của mình nằm ở Cụm công nghiệp Đồng Hinh, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi đã phải hoạt động hết công suất. Mục tiêu là phải hoàn thành đơn hàng 50.000 sản phẩm chén, đĩa, khay đựng cơm cho đối tác Hàn Quốc trong vòng 1 tháng.

anh-nguyen-van-tuyen-khoi-nghiep-thanh-cong-voi-mo-cau-bo-di-1-1714312026.jpg
Anh Nguyễn Văn Tuyến khởi nghiệp thành công với mo cau bỏ đi

Anh Tuyến cho biết, việc nhận được nhiều đơn hàng trong đó có đơn hàng từ nước ngoài chứng minh rằng sản phẩm làm từ mo cau rất được ưa chuộng.

Để có được thành công như vậy thì anh Tuyến và những người bạn của mình đã phải nỗ lực rất nhiều. Anh Tuyến là người quê gốc ở tỉnh Phú Yên, một lần đi công tác ngoài Quảng Ngãi anh nhận ra rằng vùng đất này trồng rất nhiều cau. Nhiều cau là thế nhưng người dân chỉ lấy trái cau để bán còn mo cau thì bị bỏ đi, anh thấy như thế là rất lãng phí.

Chính vì thế, vào tháng 9/2019, anh Tuyến và các bạn của mình đã cùng nhau đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất chén, đĩa làm từ mo cau.

"Trước kia mo cau rơi rụng xuống vườn rất lãng phí, giờ đây bà con có thể thu lại và bán cho mình. Mỗi mo cau sẽ được thu mua với giá 1 nghìn đồng, giúp bà con trồng cau có thêm thu nhập", anh Tuyến chia sẻ.

anh-nguyen-van-tuyen-khoi-nghiep-thanh-cong-voi-mo-cau-bo-di-2-1714312026.jpg
Một sản phẩm trong lô hàng 50.000 cái xuất khẩu sang Hàn Quốc

Để sản xuất được chén, đĩa, khay đựng cơm từ mo cau thì cần phải trải qua nhiều quy trình. Anh Huỳnh Lưu Tin, quản lý sản xuất cho biết, mo cau sau khi thu về sẽ được đưa vào máy ép nhiệt độ cao để tạo ra thành phẩm. Khuôn tạo hình sản phẩm thường có nhiệt độ từ 80 đến 120 độ C, mo cau được ép trong 40 giây để tạo hình đồ vật và làm khô.

Năm 2021, cơ sở sản xuất của anh Tuyến có 5 máy ép, mỗi máy có 5 khuôn với công suất tạo ra 200 sản phẩm/máy/ngày. Tuy theo yêu cầu của khách hàng mà cơ sở sẽ chế tạo ra những chiếc khuôn khác nhau. Ví dụ như lô hàng 50.000 chiếc của Hàn Quốc đặt thì phải dập nổi hình thù phía dưới đáy sản phẩm. Mỗi sản phẩm làm từ mo cau có giá 1.000-6.000 đồng.

Anh Tin cho biết, trong quá trình sản xuất cần phải tuân thủ nghiêm túc quy trình, điều chỉnh nhiệt độ và thời gian ép thật chính xác. "Nhiệt độ quá cao hoặc quá lâu sẽ làm cháy sản phẩm. Sau khi ép ra thành phẩm thì cần đưa đi diệt khuẩn bằng máy chiếu tia UV ngay rồi đưa đi đóng gói, gửi mẫu kiểm nghiệm theo quy trình trước khi đưa đi xuất khẩu. Đây chính là sản phẩm bảo vệ môi trường, khá độc đáo nên được thị trường nước ngoài yêu thích", anh Tin nói. Anh cũng cho biết rằng, thời điểm năm 2021 doanh thu của cơ sở đạt trên 100 triệu đồng mỗi tháng và tiếp tục tăng theo các năm.

Bên cạnh giúp người trồng cau có thêm một nguồn thu nhập ổn định thì cơ sở của anh Tuyến còn giúp 6-10 lao động có công ăn, việc làm ổn định với mức thu nhập 5-8 triệu đồng/người/tháng.

anh-nguyen-van-tuyen-khoi-nghiep-thanh-cong-voi-mo-cau-bo-di-3-1714312026.jpg
Cơ sở của anh Tuyến tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều người dân địa phương

Một lao động thường xuyên của cơ sở, chị Phan Thị Kiều cho biết, việc vận hành máy móc khá đơn giản, công việc không vất vả mà thu nhập lại cao. "Thu nhập mỗi người từ 5 đến 10 triệu đồng mỗi tháng. Với mức thu nhập này thì cao hơn nhiều so với người làm nông hoặc một vài ngành nghề khác", chị Kiều nói.

Theo Dân trí