Anh Lương Văn Tuyên, Giám đốc HTX Thảo Mộc Việt: Khởi nghiệp làm trà thảo mộc từ bài thuốc truyền thống của người Tày, người Dao

Minh Hà
Anh Lương Văn Tuyên, xã Tân Thành (huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) từng làm quản lý kinh doanh tại một doanh nghiệp với mức thu nhập vài chục triệu đồng/tháng. Thế nhưng, anh lại quyết định trở về quê để thành lập HTX Thảo Mộc Việt để phát triển trà thảo mộc, thông qua đó giúp giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nông cao thu nhập cho các hộ liên kết trong vùng. 

Anh Tuyên chia sẻ, năm 2019, trước khi thành lập HTX trà thảo mộc thì anh đã cùng với các hộ dân cùng nhau trồng và chăm sóc cây cam sành, sau đó đăng ký thành lập HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh cam sành theo hướng hữu cơ.

Trung bình mỗi tháng bán cả nghìn hộp trà

Lúc đó, một số diện tích cam bị cằn cỗi cần thay thế, đồng thời anh cũng nhận thấy địa phương có tiềm năng về nguồn nguyên liệu là các dược liệu quý. Chính vì thế, anh và các thành viên trong xã đã thống nhất cùng nhau phát triển lĩnh vực trà thảo mộc đồng thời xin đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh. Sau đó, HTX ban đầu đã được đổi tên thành HTX Thảo mộc Việt.

anh-luong-van-tuyen-giam-doc-htx-thao-moc-viet-1-1716726667.png
Anh Lương Văn Tuyên - Giám đốc HTX Thảo mộc Việt

Anh Tuyên chia sẻ, ngoài thời gian làm công tác ở xã thì anh còn từng làm quản lý kinh doanh cho một số công ty, có mức thu nhập vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, anh đã quyết định từ bỏ để về quê phát triển trà thảo dược để có thể phát huy được thế mạnh của địa phương như cà gai leo, đinh lăng, xạ đen, giảo cổ lam, cỏ ngọt... Trong khi đó, lâu nay người dân nơi đây vẫn chưa tận dụng và khai thác hết giá trị của các cây này, giá bán ra thị trường rất rẻ, khiến cho bà con có nguồn thu nhập thấp, đời sống còn nhiều khó khăn.

Xuất phát từ mong muốn đó, anh đã cùng với các thành viên trong HTX nghiên cứu các sản phẩm để có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có, đồng thời tạo được công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương. Giờ đây, HTX đang phối hợp để liên kết, tiêu thụ các cây dược liệu được trồng bởi các xã viên và các bà con địa phương, với vùng trồng nguyên liệu lên đến 5ha.

Sau một khoảng thời gian nghiên cứu và thử nghiệm thì giờ đây HTX đã có sản phẩm trà túi lọc các loại bán ra ngoài thị trường. Trong quý I/2023, mỗi tháng trung bình HTX có thể bán ra khoảng 2.000 hộp trà các loại.

Anh Tuyên cho biết, mỗi sản phẩm của HTX đều là một bài thuốc và có câu chuyện riêng. Đó đều là những bài thuốc truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Dao, như Tâm An Trà giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ, trà cà gai leo giúp giải độc... Nhờ chất lượng sản phẩm cùng vùng trồng nguyên liệu theo hướng hữu cơ, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn (GAP) nên các sản phẩm của HTX Thảo mộc Việt có giá bán cao hơn so với những sản phẩm tương tự trên thị trường khoảng 10% mà vẫn được khách hàng đón nhận.

Giám đốc HTX tiết lộ, trong thời gian tới sẽ cho ra mắt thêm nhiều sản phẩm trà thảo dược khác như trà hoa quả hòa tan, trà hòa tan đồng thời tiếp tục mở rộng thị trường ra nhiều tỉnh, thành phố khác.

HTX giúp xóa đói giảm nghèo cho bà con

HTX Thảo mộc Việt đang tạo công ăn, việc làm ổn định cho 5 công nhân địa phương với mức thù lao là 200 nghìn đồng/người/ngày, thời gian làm khoảng 20 ngày/tháng và khoảng 20 lao động thời vụ. Ngay từ khi thành lập, HTX đã hướng đến việc thuê công nhân địa phương, những hộ có hoàn cảnh khó khăn trong xã.

anh-luong-van-tuyen-giam-doc-htx-thao-moc-viet-2-1716726667.png
HTX Thảo mộc Việt tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều bà con địa phương

Ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, HTX Thảo mộc Việt đã góp phần nâng tầm giá trị cho các loại thảo dược địa phương đồng thời giúp tạo công ăn việc làm cho bà con nơi dây. Điểm mạnh của HTX là sản xuất ra loại trà cam thảo mộc dạng túi lọc giúp cho cam nơi đây luôn có sự ổn định về giá, tránh được tình trạng "được mùa mất giá", góp phần giảm áp lực lên việc tiêu thụ, bảo quản cam tươi khi đến chính vụ.

Theo ông Hưng, HTX Thảo mộc Việt là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực sản xuất, chế biến sản phẩm từ thảo dược, đi đầu trong quá trình chuyển đổi số, chính sự nhạy bén của HTX mà các sản phẩm đã có được chỗ đứng trên thị trường

"Với tình yêu quê hương, dám nghĩ, dám làm, khát vọng làm giàu, giúp nâng cao giá trị cho cây dược liệu, việc làm của anh Tuyên bước đầu đã có kết quả, giúp giải quyết việc làm, giúp xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho bản thân và địa phương", ông Hưng nhận xét.

Anh Lương Văn Tuyên đã được Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đoàn kết giúp nhau cùng làm giàu, giảm nghèo bền vững năm 2022.

Năm 2021, doanh số các sản phẩm từ cam sành của HTX đạt gần 2 tỷ đồng, sản phẩm chè xanh đạt 1,2 tỷ đồng, các sản phẩm làm từ trà thảo mộc đạt trên 500 triệu đồng.

Ngoài ra, HTX còn có mục tiêu rõ ràng về các sản phẩm của mình. Đối với những vùng nguyên liệu được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, nếu bà con hợp tác, liên kết thì phải đảm bảo tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học trong toàn bộ quá trình chăm sóc, để Thảo mộc Việt có thể làm ra những sản phẩm đảm bảo giá trị và tính an toàn tốt nhất, giúp thương hiệu đứng vững trên thị trường.

Song HTX Thảo mộc Việt cũng mong nhận được sự hỗ trợ về nguồn lực của các cơ quan chức năng để có thể đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, nâng cao kỹ năng quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của HTX.

Nhận thức sâu sắc về việc tham gia vào các phong trào thi đua, các cuộc vận động tại địa phương là việc thường xuyên và quan trọng, do đó ông Tuyên đã thường xuyên cùng với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tích cực phổ biến, tuyên truyền cho bà con dân nhân nói chung và bà con đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.

Theo VnBusiness, Vietnamnet