Anh Hứa Trần Phong khởi nghiệp làm đồ thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng từ bẹ chuối, mỗi tháng thu lãi hơn 500 triệu đồng

Minh Hà
Anh Hứa Trần Phong (ngụ tại TP.Sóc Trăng, tỉnh sóc Trăng) đã nghiên cứu dùng bẹ chuối để làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mỗi năm thu lãi về tay hơn 500 triệu đồng.

Trước khi bắt tay khởi nghiệp với các sản phẩm thủ công từ bẹ chuối thì anh Hứa Trần Phong đã có một thời gian dài làm việc trong bệnh viện. Sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ sinh học vào năm 2015, anh Hứa Trần Phong đã đến làm việc tại một bệnh viện tư nhân ở TP.Cần Thơ.

Tại đó, anh có một công việc ổn định với mức lương cao, thế nhưng anh vẫn luôn có ước mơ khởi nghiệp tại quê nhà. Chính vì vậy, vào năm 2018, anh đã quyết định xin nghỉ việc và trở về Sóc Trăng để khởi nghiệp với cây lục bình. Sau gần 2 năm khởi nghiệp với cây lục bình thì anh nhận ra sản phẩm từ loại cây này đang dần bị bão hòa, do đó anh chuyển sang làm các sản phẩm từ bẹ chuối.

anh-hua-tran-phong-khoi-nghiep-thanh-cong-nho-be-chuoi-1-1715865872.jpg
Anh Hứa Trần Phong khởi nghiệp thành công nhờ bẹ chuối khô

Anh Phong cho biết, người nông dân miền Tây trồng lúa rất nhiều, thế nhưng phần lớn người ta chỉ thu hoạch buồng chuối. Sau khi nghiên cứu, anh nhận thấy bẹ chuối sau khi phơi khô sẽ rất dai, có thể tạo ra các sản phẩm mỹ nghệ, gia dụng bền, đẹp mà độc đáo. Chính vì thế, anh đã quyết định lựa chọn bẹ chuối làm nguyên liệu thay thế cho lục bình.

Lúc đầu, anh mua bẹ chuối từ huyện U Minh Thượng (Kiên Giang). Sau đó, anh đã khuyến khích bà con nông dân trong vùng trồng chuối để có thể tự chủ được nguồn nguyên liệu đồng thời có thể giúp bà con tăng thu nhập từ cây chuối.

Đến năm 2020, anh Phong đã nghiên cứu làm ra máy se bẹ chuối khô thành sợi. Anh dành gần 1 năm để nghiên cứu, lắp ráp thì anh đã sáng chế thành công chiếc máy sản xuất bẹ chuối khô với công suất khoảng 15kg dây thành phẩm mỗi ngày. Nhờ chiếc máy này mà anh có thêm tự tin để làm ra nhiều sản phẩm thủ công, đồ gia dụng từ bẹ chuối.

"Nếu thợ làm thủ công thì mỗi ngày tối đa chỉ làm ra được khoảng 2-3kg dây thành phẩm, còn nếu sử dụng chiếc máy mà tôi sáng chế thì có thể làm được 15kg dây thành phẩm/ngày. Nhờ đó mà giúp tăng năng suất và giảm giá thành, giúp tăng tính cạnh tranh với nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên thị trường. Ở Việt Nam đã có máy se dây lác rồi còn máy se dây chuối như của anh thì chưa", anh Phong chia sẻ.

Với mong muốn tạo ra nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường mà anh đã mạnh dạn đầu tư, thành lập công ty và giới thiệu các mặt hàng của mình đến với các đại lý. Đến tháng 3/2021, đã có một công ty tại Hà Nội đề nghị hợp tác xuất khẩu một số sản phẩm của anh ra nước ngoài.

anh-hua-tran-phong-khoi-nghiep-thanh-cong-nho-be-chuoi-2-1715865872.jpg
Từ bẹ chuối khô anh Phong làm ra nhiều sản phẩm mỹ nghệ, đồ gia dụng

Anh Phong cho biết, để có thể làm ra được các sản phẩm gia dụng, mỹ nghệ từ vật liệu là bẹ chuối khô cần phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là phải xử lý nguyên liệu thô rồi sau đó chọn kỹ và phơi khô để đạt độ ẩm dưới 10%, dây chuối có độ dài nhưng không bị xỉn màu, có thể đưa vào máy se thành cuộn hoặc đan thành thành phẩm theo yêu cầu của khách hàng; sau đó sẽ tiến hành các công đoạn làm đẹp cho sản phẩm như xử lý keo, sấy khô rồi gắn team.

Hiện nay công ty của anh Phong đã tạo công ăn việc làm với mức thu nhập ổn định từ 150.000-180.000 đồng/người/ngày cho khoảng 30 nhân công. Cơ sở của anh sản xuất ra khoảng 500 sản phẩm làm từ bẹ chuối khô, xơ dừa, giấy... trong đó, khoảng 400 sản phẩm mỹ nghệ được làm từ bẹ chuối khô như nón, chậu, thảm, giỏ quà, đèn trang trí... Mỗi sản phẩm thường có giá bán từ 15.000-500.000.

Bên cạnh bán ra khoảng 4.000 sản phẩm/tháng cho thị trường trong nước thì anh Phong còn xuất khẩu các sản phẩm của mình sang Trung Quốc, Mỹ, New Zealand... Sau khi trừ đi các chi phí, mỗi năm anh thu lãi được khoảng 500 triệu đồng.

Theo Thanh niên