Ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc Vina T&T: Hành trình đưa trái cây Việt vươn tầm quốc tế của ông "vua" xuất khẩu trái cây

Minh Hà
Giờ đây, thương hiệu Vina T&T đã đưa được trái cây tươi Việt Nam đi khắp các thị trường từ dễ đến khó tính như Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, EU... ông Nguyễn Đình Tùng tự tin khẳng định thương hiệu của mình sẽ ngày càng vươn cao vươn xa ra thị trường quốc tế. 

Từng trải qua không ít thất bại

Theo Báo điện tử Đầu tư, mới đây thương hiệu Vina T&T đã tham gia Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu năm 2024. Tại hội chợ này, thương hiệu Vina T&T có các gian hàng với đủ các loại hoa quả như sầu riêng, dừa tươi, xoài, vú sữa, bưởi... Tổng giám đốc Vina T&T cho biết, dù diện tích có hạn nhưng công ty ông đã cố gắng để mang gần hết hệ sinh thái của mình đến để giới thiệu tại hội chợ cũng như quảng bá để tìm thêm cơ hội hợp tác.

"Mọi người phong cho tôi danh xưng là ông vua xuất khẩu trái cây. Thế nhưng hành trình này cũng nhiều gian nan lắm. Nhất là khi tôi quyết định lựa chọn Mỹ, một thị trường cực kỳ khó tính để khai thác", ông Tùng chia sẻ.

ong-nguyen-dinh-tung-va-hanh-trinh-dua-trai-cay-viet-vuon-tam-quoc-te-1-1715705168.jpg
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T - ông vua xuất khẩu trái cây Việt

Để có được danh xưng này thì ngay từ năm 2008 khi mà các doanh nghiệp trái cây xuất khẩu Việt Nam đều không dám làm thì ông đã quyết định "tấn công" vào thị trường khó tính như Mỹ.

Ông Tùng kể lại, năm 2008, khi Mỹ mở cửa cho trái cây tươi Việt Nam thì ông đã lựa chọn thanh long làm mặt hàng để xuất khẩu vào đây. Sau khi thu hái thì thăng long được chuyển lên xe rồi chở đến nhà máy để chiếu xạ, rồi lại bốc hàng lên. Công đoạn này tưởng chừng rất bình thường nhưng quá trình hàng lên xuống rồi chạy qua máy chiếu xạ khiến cho thanh long sốc nhiệt, thế là quả bị nhũn ra khiến ông mất trắng.

Có nhiều lần, doanh nghiệp bị chuyên gia FDA hủy lô hàng chôm chôm vì công nhân không kiểm tra cẩn thận trước khi đóng gói, có những khi doanh nghiệp bị hủy cả lô hàng chôm chôm xuất đi Mỹ.

Gần đây ông cũng gặp phải một trận thua khác, phải đổ bỏ 4 container nhãn trị giá 76.000 USD/1 container vì thiếu nhạy cảm về thời tiết. Khi thu hoạch, nhãn của ông gặp sương muối, lúc đóng gói xuất đi không có dấu hiệu gì nhưng lại bị nổi mốc khi sang đến Mỹ.

Đã trải qua nhiều lần thua và mắt trắng như vậy thế nhưng ông Tùng không nản chí. Mỗi lần như vậy ông lại rút ra bài học, hoa quả tươi mau hư hỏng mà đi đường biển thời gian dài sẽ khó kiểm soát được chất lượng dù chi phí rẻ hơn. Điều đó có nghĩa là ông phải tính toán, đầu tư thêm vào khâu kiểm soát, duy trì hàng hóa ở mức tốt nhất trước lúc xuất khẩu.

Vina T&T cũng là đơn vị đầu tiên xuất khẩu lô dừa tươi Việt Nam sang Mỹ, năm 2019 đã nhận được đơn hàng 100.000 trái/tuần, đánh bật đối thủ Thái Lan đã nhiều năm đứng đầu trong phân khúc xuất khẩu dừa tươi tại Mỹ.

Dù nhiều lần thua đến mất trắng, ông cũng từng có ý định muốn chuyển hướng kinh doanh, thế nhưng ông đã vực dậy vì có một người vợ gốc miền Tây.

Trước đây, ông Tùng từng làm ngành công an rồi sau đó khởi nghiệp trong lĩnh vực vận chuyển. Vợ ông là bà Thảo, vốn sinh ra ở miền Tây. Hai chữ T&T trong tên gọi công ty Vina T&T được ghép từ chữ cái đầu tên của hai người.

"Động lực khiến cho tôi tiếp tục sống chết với trái cây chính là vợ tôi. Cô ấy là người miền Tây, nơi có vựa trái cây lớn nhất cả nước. Phải chứng kiến cảnh nông dân trồng ra những loại trái cây tươi ngon phải bán với giá rẻ thậm chí đổ bỏ, đầu ra bấp bênh đã thôi thúc tôi tìm đến cách xuất khẩu", ông Tùng chia sẻ.

Hơn nữa, do không thể đảm bảo đủ điều kiện nên nhiều lần hàng hỏng khi bị xuất sang Mỹ khiến ông gồng lỗ đến năm 2012 gần như là không nổi. Ông đã nhiều lần tính chuyển bỏ nghề, thế nhưng ngay trong lúc đó thì một đối tác bên Mỹ đã liên hệ với ông và đánh giá Việt Nam là đất nước có nhiều loại trái cây nhiệt đới ngon hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Khi nghe được những lời đó, tinh thần của ông Tùng đã phấn chấn hẳn lên. Ông khẳng định rằng, trái cây Việt Nam có đủ tầm để vươn ra thế giới thậm chí ngay tại thị trường khó tính như Mỹ. Lúc đó, ông đã tự đặt ra cho mình câu hỏi "Làm thế nào để bảo quản cái ngon của trái cây Việt sang tới Mỹ cũng như các nước khác". Để trả lời cho câu hỏi đó, ông đã đầu tư máy móc, nhân lực, vật lực để làm mọi thứ từ đầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn mà nước bạn mong muốn.

Nhờ có sự kiên trì đó mà giờ đây Vina T&T đã trở thành đơn vị dẫn đầu trong việc xuất khẩu trái cây sang Mỹ (có khoảng 15 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trái cây tươi vào Mỹ thì Vina T&T chiếm 50%). Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn đứng đầu trong việc xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam vào các thị trường lớn trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, Úc..

"Dù tình hình có nhiều biến động nhưng đơn hàng của Vina T&T vẫn ổn định cả năm. Sau 4 tháng đầu năm nay thì doanh nghiệp đã tăng trưởng 18% so với cùng kỳ", ông Tùng tiết lộ.

ong-nguyen-dinh-tung-va-hanh-trinh-dua-trai-cay-viet-vuon-tam-quoc-te-2-1715705168.jpg
Vina T&T tham gia sự kiện Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu 2024

Góp phần vào việc định hình lại cách xuất khẩu trái cây

Ông Tùng cho biết, khi tham gia Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu lần 2, bên cạnh việc có thêm các cơ hội hợp tác trong và ngoài nước thì đây cũng chính là dịp để gặp mặt với các đối tác cung ứng là người nông dân, các HTX để tìm kiếm thêm nguồn cung và mở rộng vùng nguyên liệu.

Ông kỳ vọng rằng mình có thể "xây dựng một thương hiệu Vina T&T xuất khẩu nông sản chuyên nghiệp tầm cỡ thế giới chứ không chỉ ở trong khu vực".

Theo ông Tùng, tính đến thời điểm này thì Vina T&T là doanh nghiệp nông nghiệp đầu tiên sử dụng 100% năng lượng tái tạo dù hiện nay chưa ai bắt buộc.

Giờ đây, các thị trường mà Vina T&T đang khai thác đều liên tục nâng cao tiêu chuẩn chính vì thế theo ông việc chuyển đổi kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn sẽ trở thành xu thế tất yếu. Đối với các vùng trồng liên kết với bà con nông dân, ông cũng khuyến khích họ sử dụng một lượng phân thuốc vừa đủ để có thể giảm phát thải ra môi trường. Ngoài ra, cần tiến hành thay đổi theo xu hướng xanh bên cạnh các tiêu chuẩn bắt buộc như VietGAP, Global GAP, HACCP...

Ông cho biết, dù chưa có đối tác nào chính thức đặt vấn đề nhưng họ đã đưa ra những gợi ý để mình tự chuẩn bị trước khi mà tình hình thế giới đang thay đổi, các nước nhập khẩu sẽ dần yêu cầu các chứng chỉ xanh hoặc những chứng chỉ liên quan đến bảo vệ môi trường.

Để đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn cho hàng hóa xuất khẩu, Vina T&T đã thuê chuyên gia người Mỹ của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) làm nhiệm vụ kiểm tra ngay tại doanh nghiệp trước khi thông quan.

CEO Vina T&T chia sẻ, dù khi đầu tư chuyển đổi sang 100% năng lượng sạch thì chi phí vận hành sẽ tăng lên đồng nghĩ với việc chi phí giá thành sẽ tăng. Khi đó, Vina T&T sẽ khó cạnh tranh hơn với các doanh nghiệp thông thường khác. Thế nhưng, nếu nhìn về đường dài thì doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi và trở thành đơn vị tiên phong đủ tiêu chuẩn để có thể cung cấp hàng vào các thị trường khó tính.

ong-nguyen-dinh-tung-va-hanh-trinh-dua-trai-cay-viet-vuon-tam-quoc-te-3-1715705168.jpg
Vina T&T chú trọng đầu tư vào các vùng trồng nguyên liệu đạt chuẩn chất lượng xuất khẩu (Ảnh: Gia Hân)

Ông cũng nhấn mạnh, trên con đường vươn mình ra thế giới, thì việc kết nối chặt chẽ với bà con nông dân để đảm bảo nguồn cung cũng là điều quan trọng nhất.

Trong nhiều năm qua, Vina T&T đã xây dựng liên kết với các bà con ở vùng nguyên liệu ở các tỉnh ĐBSCL. Bên cạnh chất lượng sản phẩm thì doanh nghiệp cũng đầu tư rất nhiều và bài bản vào hình ảnh thương hiệu, con người. Vina T&T sẽ trở thành đối tác tin cây đối với bà con nông dân, giúp hỗ trợ vốn, kỹ thuật.... Minh chứng thành công chính là Vú Sữa Kế Sách Sóc Trăng, Thanh Long Chợ Gạo, Nhãn nông trường sông Hậu... đây đều là những đối tác lâu lăm và có được nguồn thu nhập ổn định nhờ được Vina T&T bao tiêu đầu ra.

Ông Nguyễn Đình Tùng cho biết, để có được sản phẩm chất lượng tốt nhất thì cần phải hỗ trợ đầy đủ kinh nghiệm, kỹ thuật, nhờ đó mà bà con sẽ bán được hàng với giá thành tốt. Khi đó, doanh nghiệp cũng có lợi, đây chín là mối quan hệ win-win, cùng nhau hợp tác phát triển để đưa nông sản Việt vươn tầm ra thế giới.

CEO Vina T&T cho biết, trong thời gian tới, để định vị được thương hiệu Vina T&T trên thị trường thế giới thì ông sẽ đưa trái cây Việt Nam đi chinh phục thêm các thị trường "ngách" như Trung Đông, châu Phi, Ấn Độ...

Theo Báo đầu tư