Từ nghệ nhân đến doanh nhân: Giám đốc Trương Thị Bạch Thủy với hành trình khởi nghiệp từ nghề đan đát Khmer

Minh Hà
Từ bao lâu nay, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trắng đồng bào Khmer đã có nghề đan đát truyền thống. Trong những năm gần đây, chị Trương Thị Bạch Thủy đã từng bước vực dậy làng nghề, thành lập HTX giúp nâng tầm cây tre, cây trúc, tạo ra những loại sản phẩm đa dạng, có đặc trưng riêng, vừa đáp ứng nhu cầu cho cuộc sống hàng ngày của bà con vừa đáp ứng cho nhu cầu của nhiều nhà hàng, khách sạn.

Bất cứ ai đến với kho sản phẩm của HTX đều choáng ngợp với những gì xuất hiện trước mắt, từ những nguyên liệu cây tre, cây trúc... đến hàng trăm mặt hàng sản phẩm từ hàng tiêu dùng đến quà tặng, đồ trang trí... để đáp ứng cho nhu cầu của thị trường trong nước và cả xuất khẩu.

htx-may-tre-den-thuy-tuyet-1-1722778423.jpg
HTX Mây tre đan Thuỷ Tuyết với nghề đan đát truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer

Giám đốc HTX Mây tre đan Thủy Tuyết, chị Trương Thị Bạch Thủy tâm sự, Phú Tân là nơi có rất đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, bà con từ xưa đã có nghề đan đát, họ rất giỏi nghề. Tuy nhiên, từ trước đến nay bà con có thói quen làm nhỏ lẻ, sản phẩm không có tính sáng tạo, chủ yếu làm để đáp ứng nhu cầu cuộc sống hàng ngày, do đó nghề này vẫn chưa thực sự phát triển. Do đó, chị Thủy đã quyết định thành lập HTX để giúp tạo sự liên kết trong sản xuất, kinh doanh, phát triển dịch vụ đi cùng như dịch vụ du lịch, dịch vụ giữa các hộ xã viên, nhờ đó mà giúp giá trị của làng nghề ngày một tăng cao.

htx-may-tre-den-thuy-tuyet-2-1722778423.jpg
Chị Trương Thị Bách Thủy, Giám đốc HTX Mây tre đan Thủy Tuyết

"Thành lập HTX để cùng chung tay hợp tác, cộng hưởng để đôi bên cùng có lợi. Mình nhận được sự tín nhiệm của bà con nên đã được bầu làm Giám đốc HTX kiêm luôn Hội đồng quản trị. Vì được bà con tin tưởng nên mình cố gắng làm việc để đem đến cho bà con thu nhập, giúp bà con phát triển nghề truyền thống này. Từ khi tham gia HTX thì bà con luôn có trách nhiệm làm thế nào để đạt được năng suất hơn so với phương pháp truyền thống trước đây. Làm theo phương pháp truyền thống thì làm nhiều bán nhiều, làm ít bán ít, nhưng giờ theo phương pháp mới thì bà con phải chịu trách nhiệm với công việc của mình không thể đùn đẩy cho ai. Khi vào HTX thì năng suất, trách nhiệm cần cao hơn, cùng hợp tác làm ăn, cùng nhau phát triển", chị Thủy chia sẻ.

Chị Thủy là người sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống đan đát tại tỉnh Bạc Liêu. Từ năm 17 tuổi chị đã bắt đầu tự thành lập cơ sở sản xuất của riêng mình. Để cơ sở của mình ngày càng phát triển chị Thủy luôn tìm hướng đi mới với nhiều sự sáng tạo đặc biệt.

Chị Thủy chia sẻ, hồi nhỏ vừa đi học chị vừa đi bán sản phẩm đan đát truyền thống do ba mẹ làm ra. Khi trước, gia đình chị thường làm các mặt hàng tiêu dùng truyền thống như thúng, rổ, cần xé... Sau này đi học, chị đã được nhà nước tạo điều kiện cho tham quan, đi khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm. Chị nhận thấy, các tỉnh thành khác cũng có mặt hàng mây tre này nhưng họ đã được học làm để phục vụ du lịch. Khi đó, chị cũng nghĩ đến việc tại sao mình không nâng tầm cho cây tre quê nhà, sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo giống như tỉnh bạn. Thông qua những lần tham quan đó, chị đã nghĩ rằng người ta làm được thì mình cũng làm được. Chính vì vậy, chị đã quyết tâm nâng tầm cây tre lên. HIện tại, đồ dùng được làm từ cơ sở của chị đã được cung cấp cho các nhà hàng, các địa điểm du lịch, từ đó giúp nâng cao giá trị kinh thế, giúp tăng thu nhập cho bà con nông dân quê nhà. Ngoài ra, cơ sở của chị cũng làm những thứ theo yêu cầu của khách chứ không chỉ làm những thứ mà mình đang có.

Bắt đầu từ cơ sở đan đát nhỏ, dần dần chị đã phát triển lên thành doanh nghiệp, giờ đây là HTX. HTX được đặt tại xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo nhiều sự đổi mới cho mẫu mã mà chị Thủy phải nỗ lực sáng tạo rất nhiều. Ngoài ra, chị còn đổi mới quy trình, dạy nghề cho các thành viên. Bên cạnh đó, chị còn dành thời gian để tham gia vào các lớp phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo, tổ hợp tác, HTX cả trong và ngoài tỉnh. Thông qua những hoạt động này mà chị có thêm cơ hội để giao lưu, hợp tác, giới thiệu các sản phẩm mây tre của mình.

htx-may-tre-den-thuy-tuyet-3-1722778423.jpg
HTX Mây tre đan Thủy Tuyết đã từng bước nâng cao giá trị sản phẩm đan đát của mình

Hiện tại, HTX Mây tre đan Thủy Tuyết đang có trên 700 sản phẩm. HTX cung cấp sản phẩm cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Đa phần sản phẩm của HTX là các mặt hàng tiêu dùng như sọt đựng quần áo cho nhà hàng, khách sạn, rổ rá mây tre đen... Ngoài ra, HTX còn làm thêm mảng xây dựng bằng nguyên vật liệu là mây tre như homestay, khu khu dịch, khu nghỉ dưỡng. Đối với các mặt hàng tiêu dùng thì HTX lựa chọn sử dụng loại tre trúc có nguồn gốc từ miền Nam vì chúng mềm; đối với vật liệu xây dựng công trình thì anh tường sử dụng loại tre Bắc vì giống tre cứng hơn.

Giờ đây, nghề đan đát đang ngày càng phát triển, HTX của chị còn hỗ trợ người dân địa phương có việc làm ổn định, không cần chịu cảnh ha hương cầu thực như trước đây, nhờ đó mà cuộc sống của người dân ổn định hơn. Thông qua những lớp học dạy nghề của HTX đã giúp chuyển giao kiến thức cho lớp trẻ, thông qua đó góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. HTX đã giúp hơn 30 xã viên trong HTX cùng với hơn 60 chị em phụ nữ vùng lân cận có được thu nhập bình quân hàng tháng từ 4-5 triệu đồng/người.

Hiện tại, HTX Mây tre Thủy Tuyết cũng đang có kế hoạch kết hợp với Ủy ban nhân dân xã cùng mở các lớp dạy nghề, giúp thanh niên trong độ tuổi lao động có việc làm ổn định. Thời gian vừa qua, HTX cũng đã đào tạo được 10 học viên đều là những em đang trong độ tuổi lao động còn ham chơi, đã tham gia làm việc trong HTX để có việc làm và thêm thu nhập, bà Dương Thị Trang, Bí thư Đảng ủy xã Tân Phú chia sẻ.

Khi chia sẻ về dự án sắp tới của mình, chị Trương Thị Bích Thủy cho biết, chị đang có dự án khôi phục làng nghề và du lịch cộng đồng, vừa góp phần duy trì làng nghề, vừa giúp bà con nông dân có thêm thu nhập.

Theo VOV