Founder Công ty TNHH Xương rồng Việt Nam, anh Trần Bảo Huy: Tạo ra những món thực phẩm tốt cho sức khỏe từ cây xương rồng

Minh Hà
Anh Trần Bảo Huy đã dành 3 năm miệt mài nghiên cứu và thành công chinh phục loài xương rồng tai thỏ, đồng thời trở thành người Việt Nam đầu tiên chế biến sâu xương rồng, tạo ra nhiều loại thực phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Xương rồng là "vàng xanh" trong ngành nông nghiệp

Đối với hầu hết người dân Việt Nam thì xương rồng tai thỏ (xương rồng Nopal) là một loài cây gai góc, chỉ phù hợp để làm cảnh, làm hàng rào. Thế nhưng, đối với nhà sáng lập của Công ty TNHH Xương rồng Việt Nam thì loài cây này chính là "vàng xanh" trong ngành nông nghiệp, xương rồng tai thỏ có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.

founder-tran-bao-huy-cua-cong-ty-xuong-rong-viet-nam-1-1716139082.jpg
Founder Trần Bảo Huy của Công ty TNHH Xương rồng Việt Nam

Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu ăn xương rồng sẽ giúp cơ thể giảm lượng cholesterol, chống lại ung thư, giúp bảo vệ tế bào não, chữa bệnh tiểu đường, giúp tăng cường hệ tiêu hóa, giúp giảm viêm... Chính vì thế, từ lâu các sản phẩm được chế biến từ xương rồng như nước ép, mứt đã xuất hiện trên các siêu thị tại châu Âu và Mỹ La-tinh. Ở nhiều nhà hàng, người ta cũng sử dụng xương rồng để làm salad, rau xanh hay nước ép.

Tại Việt Nam, từ xưa nhiều người dân ở khu vực Quảng Nam, Phú Yên, Ninh Thuận đã sử dụng xương rồng tai thỏ như một món ăn trong bữa cơm gia đình.

"Xương rồng là loại cây khó chế biến bởi đặc tính gai góc. Hơn nữa, phải chế biến xương rồng làm sao cho hợp khẩu vị của người dùng. Đây chính là một bài toán khó", anh Trần Bảo Huy chia sẻ.

Sau hơn 3 năm nghiên cứu, thực hiện hàng trăm thử nghiệm cuối cùng anh Trần Bảo Huy đã ra mắt thị trường thương hiệu Leafking, chuyên về các sản phẩm chế biến sâu từ cây xương rồng. Anh xây dựng nhà xưởng sản xuất rộng 300m2 ở Phú Yên, rồi thu mua xương rồng tai thỏ của 20 hộ gia đình trong vùng để cung cấp nguyên liệu đầu vào cho xưởng sản xuất.

Sau khi thu hoạch thì những bẹ xương rồng non, có nhiều dưỡng chất sẽ được di chuyển đến nhà xưởng để rửa sạch rồi gọt bỏ gai và tiến hành chế biến thành nước uống xương rồng và xương rồng muối chua. Hai dòng sản phẩm này được chế biến chính và không chứa chất bảo quản.

Thời gian gần đây, thương hiệu của anh Huy cũng ra mắt thị trường thêm nhiều dòng sản phẩm mới như trà xương rồng túi lọc, bột xương rồng...

Anh tự tin chia sẻ rằng, dù là một thương hiệu mới nhưng sản phẩm của anh đã bước đầu được khách hàng chấp nhận, có nhiều khách hàng đã quay lại để mua sản phẩm lần thứ 2, thứ 3, thứ 4.

Bị gọi là "khùng" vì khởi nghiệp cùng cây xương rồng

Anh Trần bảo Huy chia sẻ, nhiều lần anh bị người ta gọi là "khùng" vì có ước mơ khởi nghiệp với cây xương rồng. Anh vốn là một kỹ sư cơ khí, không có kiến thức hay hiểu biết gì về nông nghiệp mà lại lựa chọn khởi nghiệp với giống cây hoàn toàn mới. Khi bắt tay vào thực hiện ước mơ của mình, anh đã phải trả giá bằng không ít công sức và tiền bạc.

Năm 2021, anh Huy đã mua 3000 cây xương rồng giống về trồng thử nghiệm ở Đà Lạt. Sau 1 năm, cây thì bị vàng lá, cây thì bị ốc sên ăn, cây thì chết vì không hợp khí hậu.

Thế nhưng, anh không hề nản lòng mà lại tiếp tục công cuộc nghiên cứu cây trồng của mình. Anh quyết định chuyển hoạt động về Bác Ái (Ninh Thuận), đây là khu vực có khí hậu bán sa mạc, đất đai khô cằn, có nhiều sỏi đá, thích hợp trồng xương rồng. Tại đây, loài xương rồng này có được sức sống mãnh liệt, không cần quá nhiều sự chăm sóc đến từ con người.

Khi mọi việc đang diễn ra thuận lợi thì chủ nhà đã yêu cầu anh Huy phải trả lại mặt bằng sản xuất. Chính vì thế, anh lại phải dời cơ sở của mình về Phú Yên. Trong khoảng thời gian này, anh Huy đã nản lòng không ít, thế nhưng, khi nghĩ đến mục tiêu ban đầu của mình thì anh lại có động lực để tiếp tục. Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, anh đã phải mày mò nghiên cứu tài liệu của nước ngoài, nhưng anh vẫn không hề nản chí, quyết tâm tìm đầu ra cho loài nông sản đặc biệt này.

Để mỗi dòng sản phẩm xuất hiện trên thị trường, anh Huy đều mất gần một năm để nghiên cứu công thức sản xuất, tìm hiểu các cách bảo quản mà không cần đến chất phụ gia hóa học. Từ lúc bắt đầu đến giờ, danh sách sản phẩm thử nghiệm của anh lên đến vài chục loại, anh phải tự nghiên cứu từng sản phẩm, xem loại nào sẽ hợp với số đông người tiêu dùng, loại nào thì không hợp.

Sau hơn 3 năm kiên trì với cây xương rồng, nỗ lực mỗi ngày để nghiên cứu sản phẩm, không ngừng tìm cách quảng bá đến cộng đồng. Đến thời điểm này, sản phẩm của thương hiệu Leafking đã được rất nhiều người biết đến. Hàng tháng, công ty thường thu mua vài tạ xương rồng của bà con nông dân với mức giá từ 7 nghìn đến 14 nghìn đồng/kg. Anh Huy cho rằng, mức giá này tương đương với nhiều loại nông sản khác đang có trên thị trường.

Anh Huy chia sẻ rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều địa phương sẽ gặp phải tình trạng thiếu nước tưới tiêu, điều này khiến anh vững tin vào con đường mà mình đang đi.

Mục tiêu trong năm 2024 của anh Huy chính là nâng cao nhận diện thương hiệu, mở rộng kênh phân phối sản phẩm, thêm nhiều đại lý hơn nữa để sản phẩm được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn. Anh Huy chia sẻ, bài toán mà anh cần giải quyết lúc này chính là "làm thị trường", để khách hàng quen thuộc hơn với các sản phẩm làm từ môi trường.

"Mỗi sản phẩm có người sử dụng sẽ giúp người nông dân có thêm thu nhập. Thời gian qua, nhiều anh chị đã đến hỏi xương rồng giống ở bên mình, dù rất ham nhưng tôi đã từ chối vì thấy trên thị trường đang có nhiều nơi cung cấp. Thiết nghĩ, mình đã được đi học, được tiếp cận với nhiều kiến thức của bên ngoài, thay vì cạnh tranh trực tiếp với người nông dân thì cần chọn cách chế biến sâu giúp nâng cao giá trị nông sản", nhà sáng lập 8x khẳng định.

Theo Báo đầu tư