Điệp Bùi, Founder kiêm CEO startup học tiếng Anh qua phim ảnh eJOY: Hãy trở thành “lạc đà” chứ đừng mơ là “kỳ lân”

Minh Hà
CEO Điệp Bùi đã tích hợp đặc tính chỉ được uống nước nhỏ giọt của lạc đà trong điều kiện sa mạc khắc nghiệt vào eJOY để giúp cho startup này thu lãi chỉ sau 2 năm thành lập với đội ngũ nhân sự tinh gọn

Sau khi nghỉ việc tại một ngân hàng Đức, chị Bùi Thị Hoàng Điệp (thường gọi là Điệp Bùi) đã cùng với chồng là kỹ sư công nghệ tại VNG bắt tay vào khởi nghiệp với eJOY, đây là công cụ giúp người dùng vừa học tiếng Anh vừa củng cố thêm kiến thức.

diep-bui-founder-kiem-ceo-startup-hoc-tieng-anh-qua-phim-anh-ejoy-1-1698411588.jpg
Đồng sáng lập kiêm CEO eJOY Điệp Bùi

Cá nhân hóa người dùng eJOY thông qua tâm lý học

Để hoàn tất các thủ tục pháp lý cho công ty công nghệ giáo dục eJOY, CEO Điệp Bùi đã phải theo một khóa học để lấy chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Thông qua khóa học này, chị Điệp đã thu về được nhiều giá trị ngoài sức tưởng tượng, nhờ khóa học này chị đã hiểu rõ hơn tâm lý có ảnh hưởng như thế nào đối với quá trình truyền đạt kiến thức.

“Tôi biết được rằng kiến thức về não bộ của con người, tâm lý của người học sẽ bị tác động ra sao thông qua các phương pháp giảng dạy khác nhau. Tôi đang vận dụng các kiến thức mới này để thiết kế ra sản phẩm của eJOY sao cho đây không chỉ là nền tảng giúp truyền tải kiến thức và hỗ trợ cho người học mà còn khơi dậy động lực học trong mỗi người”, CEO eJOY Điệp Bùi chia sẻ.

eJOY được bắt đầu dưới dạng một tiện ích mở rộng của trình duyệt web, tiện ích có thể tích hợp được vào các website video và website Tech giúp cho người dùng có thể dịch từ video và tra từ ngay trên video, giúp tiết kiệm thời gian đồng thời tăng hiệu quả cho người học. eJOY sẽ sử dụng AI để chuyển đổi từ “voice” sang dạng “text” sau đó sẽ giải thích nghĩa của từ cho người dùng. Khi sử dụng eJOY người dùng có thể thêm tự thêm các định nghĩa của riêng mình sau đó lưu vào sổ điện tử chỉ với một vài cú nhấp chuột.

diep-bui-founder-kiem-ceo-startup-hoc-tieng-anh-qua-phim-anh-ejoy-2-1698411588.jpg
eJOY giúp người dùng học tiếng Anh một cách nhanh chóng và hiệu quả nhờ dịch video và tra từ ngay trên video 

Thay vì chỉ học suông thì các từ mới này sẽ được đặt vào đúng ngữ cảnh, người dùng sẽ dễ dàng ghi nhớ và sử dụng được từ mới một cách linh hoạt hơn trong những lần kế tiếp. Tuy nhiên, đây chưa phải là chức năng cuối cùng mà eJOY hướng tới. CEO Điệp Bùi cho biết, nếu eJOY có thể khai thác tối đa tính cá nhân hóa của từng người dùng thì hiệu quả học tập của mỗi người chắc chắn sẽ cao hơn. “Trong eJOY, tính cá nhân hóa của người dùng đã có nhưng chưa được thể hiện rõ rệt”, chị Điệp Bùi chia sẻ.

Nhờ có thêm góc nhìn về tâm lý học giáo dục, chị Điệp Bùi cho biết, eJOY đang xây dựng công cụ giúp cho người học có thêm động lực tự học. Do đó, trong quá trình sử dụng eJOY, startup này sẽ thu thập dữ liệu của người dùng để đưa ra cho mỗi người các bài học phù hợp để tránh cho người dùng nản lòng vì bài học vượt quá năng lực của mình. Đồng thời, thông qua các số liệu để gợi ý cho người dùng nội dung học tập phù hợp theo lộ trình.

eJOY theo đuổi mô hình “con lạc đà”

CEO eJOY Điệp Bùi cho biết, từ năm 2019 đến nay, eJOY đã có 1,5 triệu người dùng với trên 800.000 người dùng thường xuyên hàng tháng trong đó có 20.000 người dùng trả phí. Mô hình này sẽ thu phí theo tháng, quý hoặc năm với mức giá từ 70.000 đồng/tháng đến 1,7 triệu đồng/năm. Theo chị Điệp, đây chính là thành quả bước đầu giúp đội ngũ eJOY có thêm rất nhiều động lực.

Doanh thu của eJOY đạt khoảng 15.000 USD/tháng, trong đó chi phí hoạt động dưới 10%. Hầu hết người dùng của eJOY đều là người dùng “tự nhiên”, startup này không chi tiền để quảng cáo hay khuyến mại để có người dùng. “Thậm chí khi ngắt quảng cáo eJOY vẫn có doanh thu”, CEO Điệp Bùi chia sẻ.

Doanh thu của eJOY hầu hết đến từ các gói tài khoản nâng cấp. Đối với gói miễn phí thì người dùng chỉ có thể sử dụng được tính năng định nghĩa còn các tài khoản nâng cấp (tùy theo mức giá) sẽ được học thông qua video, phim ảnh ở nhiều lĩnh vực đồng thời không giới hạn thời lượng sử dụng.

eJOY đang áp dụng tốt mô hình “Learn to earn”, khuyến khích người dùng tiện ích siêng năng và duy trì thói quen học tập để có điểm tích lũy. Điểm này sẽ được sử dụng khi mua các gói kế tiếp. Trước đó, eJOY cũng thường miễn phí các gói học này cho nhiều học viên gặp hoàn cảnh khó khăn.

Sau Covid, eJOY đã dần chuyển hướng, không chỉ hướng đến tiếng Anh mà eJOY còn chú trọng đến việc bổ sung kiến thức giúp những người đi làm phát triển bản thân, nâng cao kiến thức của mình.

Về mặt cơ cấu sở hữu hiện tại thì eJOY đã được 2 quỹ đầu tư nắm 8,9% cổ phần công ty. Thương vụ với các quỹ đầu tư đã trở thành bước đệm cho eJOY trong hành trình mở rộng mối quan hệ trong hệ sinh thái công nghệ giáo dục cũng như được kỳ vọng sẽ giúp startup này tìm được thêm nhiều cộng sự cùng chí hướng.

CEO Điệp Bùi chia sẻ: “Tôi đồng ý với quan điểm, startup trong lĩnh vực giáo dục đừng mơ trở thành “kỳ lân” mà hãy trở thành “lạc đà”, nghĩa là phải biết cách thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của sa mạc và chỉ uống nước nhỏ giọt và tích lũy”. eJOY đã hoạt động theo mô hình “con lạc đà” và có lãi chỉ sau 2 năm thành lập cùng với đội ngũ gói gọn trong 10 nhân sự.

Từ khi thành lập eJOY đã trở thành cái tên hoạt động rất tích cực trong thị trường khởi nghiệp Việt Nam. Vào năm 2019, eJOY đã đạt Giải ba trong cuộc thi TECHFEST 2019 và đã nhận được hàng trăm ngàn USD ở vòng gọi vốn hạt giống do ThinkZone Ventures dẫn dắt với sự tham gia của BK Fund. Năm 2022, eJOY đã vượt qua được 330 đối thủ trên toàn quốc và giành được ngôi vô địch trong cuộc thi STARTUP Việt Nam năm 2022. Đây là sự kiện thường niên được tổ chức từ năm 2016 nhằm tìm kiếm ra các dự án khởi nghiệp có tiềm năng tại Việt Nam.

diep-bui-founder-kiem-ceo-startup-hoc-tieng-anh-qua-phim-anh-ejoy-3-1698411588.jpg
Founder kiêm CEO eJOY Điệp Bùi trong cuộc thi STARTUP Việt Nam 2022