“Brazil sẽ là quốc gia cuối cùng chuyển đổi sang xe điện. Đó là vì ethanol”
“Brazil sẽ là quốc gia cuối cùng chuyển đổi sang xe điện. Đó là vì ethanol” là nhận định của Eder Vieito, nhà phân tích hàng hóa cấp cao tại Green Pool Commodity Specialists. Nhìn nhận lại thì trong suốt hai thập kỷ qua, Brazil đã thành công giới hạn lượng khí thải nhờ sử dụng những chiếc xe đặc biệt chạy bằng hỗn hợp xăng và ethanol. Tuy nhiên, khi chính phủ các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới chủ đích chấm dứt việc bán ô tô động cơ đốt trong, Brazil không thể tránh khỏi việc thay đổi tư duy để theo cùng với xu hướng này.
Hiện nay, những mẫu xe phổ biến nhất tại Brazil có thể hoạt động hoàn toàn bằng nhiên liệu sinh học từ mía, mang lại lợi ích về môi trường so với động cơ xăng thuần túy. Dự định giảm sự phụ thuộc vào loại nhiên liệu ưa thích này, Bộ trưởng Phát triển Công nghiệp Uallace Moreira Lima đã tiết lộ kế hoạch của Brazil trong tháng tới.
Theo Bloomberg, thị trường ô tô tại Brazil đang hoàn toàn bị ô tô sử dụng nhiên liệu linh hoạt chiếm đóng, với tỷ lệ lên đến 84,5% tổng doanh số bán xe trong tháng 6, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Brazil Anfavea. Trong khi đó, ô tô điện vẫn chỉ chiếm chưa đến 0,5% thị trường. Tuy nhiên, so với các quốc gia khác, Brazil đang chịu sự chênh lệch rõ rệt, bởi gần 25% doanh số bán xe chở khách tại Trung Quốc trong năm nay dự kiến là xe điện, và Mỹ cũng dự kiến chiếm gần 8% doanh số bán hàng trong năm 2023.
Dự kiến đến năm 2030, Brazil ước tính xe điện chạy pin sẽ chỉ chiếm khoảng 7% lượng ô tô bán ra, thấp hơn nhiều so với mức trung bình thế giới dự kiến là 37%.
Sự chuyển dịch này đang đặt ra nhiều thách thức đối với Brazil, vì ethanol đã tạo ra sự thúc đẩy kinh tế lớn lao tại quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới - nơi nông nghiệp hiện chiếm khoảng 25% GDP. Chính phủ đang cố gắng hỗ trợ và cân bằng cả hai ngành công nghiệp bằng cách duy trì các ưu đãi đối với ethanol và lôi kéo các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc xây nhà máy mới với mục tiêu bán hàng hấp dẫn: gần mỏ kim loại và thị trường Mỹ Latinh tiếp cận dễ dàng.
Brazil và thách thức chuyển đổi xe điện, đối mặt với nguy cơ bị cô lập với thế giới công nghệ
Theo các chuyên gia, việc chậm trễ trong việc chuyển đổi sang công nghệ xe điện có thể khiến Brazil gặp khó khăn trong việc bắt kịp xu hướng phát triển nhanh chóng của xe điện trên toàn cầu. Quá trình chuyển đổi đòi hỏi thời gian, và nếu không kịp thời, quốc gia này có thể rơi vào hệ thống lỗi thời, bị chậm nhịp.
Tương tự như nhiều nền kinh tế mới nổi khác, khi chuỗi cung ứng địa phương chủ yếu tập trung vào các phương tiện giá phải chăng, xe điện vẫn là sự lựa chọn xa xỉ đối với nhiều hộ gia đình Brazil. Giá xe điện rẻ nhất trên thị trường hiện vượt quá 140.000 reais Brazil (29.000 USD), gấp đôi giá trung bình một chiếc xe dùng nhiên liệu linh hoạt.
“Brazil cần vượt qua vùng an toàn nếu không muốn bị cô lập với thế giới còn lại”, nhà nghiên cứu Lourenço Faria từ Đại học Copenhagen nhấn mạnh. Theo Bloomberg, những chiếc xe chạy bằng ethanol đầu tiên xuất hiện trên đường phố Brazil vào năm 1979 khi Fiat, thương hiệu hiện thuộc sở hữu của Stellantis NV, giới thiệu mẫu xe chạy bằng nhiên liệu sinh học. Đây là sáng kiến giúp Brazil tự bảo vệ khỏi tình trạng thiếu xăng dầu suốt nhiều thập kỷ.
Ngoài ra, việc thúc đẩy sản xuất ô tô chạy bằng ethanol cũng tạo ra nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp đường mía, một ngành đã ăn sâu vào nền kinh tế Brazil. Năm nay, giá trị sản lượng đường mía và các sản phẩm liên quan được dự kiến lên tới 105,6 tỷ reais Brazil (tương đương 22 tỷ USD).
Theo các chuyên gia, việc sử dụng nhiên liệu linh hoạt trong ô tô của Brazil là câu chuyện thành công hiếm hoi. Sự phụ thuộc vào ethanol đã góp phần giảm thiểu lượng khí thải carbon dioxide (CO2) gây ra bởi ô tô. Ví dụ, một chiếc ô tô linh hoạt của Brazil sản xuất vào năm 2020 chỉ thải ra 16,7 tấn CO2 trong suốt vòng đời, trong khi một chiếc ô tô động cơ đốt trong thường thải ra khoảng 40-50 tấn CO2.
Nhờ sử dụng nhiên liệu sinh học trong phương tiện vận chuyển hạng nhẹ, Brazil đã tránh được lượng khí thải tương đương 35 triệu tấn CO2 vào năm trước (theo tổ chức tư vấn Getulio Vargas Foundation. Con số này tương đương việc đóng cửa 9 nhà máy than trong vòng 1 năm, dựa trên dữ liệu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ)
Mặc dù các mẫu xe linh hoạt thực hiện tốt hơn so với ô tô động cơ đốt trong, cần nhấn mạnh rằng chúng vẫn không thể hoàn toàn sạch như các xe điện pin. Trong suốt vòng đời, một chiếc ô tô điện hoàn toàn ở Brazil chỉ tạo ra khoảng một nửa lượng khí thải carbon so với một chiếc ô tô linh hoạt.
“Xe điện là tương lai, nhưng điều đó mất rất nhiều thời gian. Trong khi chờ đợi, chúng tôi vẫn đặt niềm tin vào ethanol”
Hiện tại, hầu hết các nhà sản xuất ô tô tại Brazil vẫn kiên định với cam kết đối với ethanol, tuy nhiên trong tương lai, mẫu xe hybrid kết hợp giữa động cơ linh hoạt và pin được xem là lựa chọn lý tưởng. Paula Kovarsky, giám đốc chiến lược của công ty chế biến mía đường lớn nhất Brazil Raizen, cho biết: "Không phủ nhận xe điện, nhưng ethanol vẫn đóng vai trò rất quan trọng với Brazil trong 10 đến 15 năm tới."
Hiện tại, Toyota đã bắt đầu bán các phiên bản hybrid linh hoạt chạy bằng xăng, ethanol hoặc điện. Các nhà sản xuất ô tô lớn khác cũng đang hướng tới việc phát triển công nghệ flex-hybrid vào cuối năm nay, như Stellantis - hãng xe có doanh thu tại Brazil chiếm gần 30%, BYD của Trung Quốc và Great Wall Motor.
Brazil có tiềm năng khai thác nhiều kim loại quý để sản xuất pin, bao gồm đồng và niken. Nước này cũng sở hữu trữ lượng lithium dồi dào, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất xe điện tại địa phương.
Ciro Possobom, người đứng đầu VW tại Brazil, lưu ý: "Xe điện là tương lai, nhưng điều đó mất rất nhiều thời gian. Trong khi chờ đợi, chúng tôi vẫn đặt niềm tin vào ethanol." Brazil có tiềm năng trở thành thị trường điện lớn thứ ba toàn cầu. "Tại sao chúng ta lại chấp nhận trì hoãn tiến độ đó?" - Fabio Rua, phó chủ tịch của GM Nam Mỹ nhấn mạnh.
Hiện tại, ethanol vẫn rất phổ biến - đối với cả người tiêu dùng và các nhà hoạch định chính sách. Do đó, từ nay cho đến khi Brazil hướng tầm nhìn ra ngoài ethanol, quốc gia này vẫn đối mặt với nguy cơ tụt hậu trong chuỗi cung ứng ô tô toàn cầu.