Khởi nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương
Thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên nằm cách trung tâm của huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) khoảng 40 km. Đây là nơi sinh sống của những hộ gia đình dân tộc Dao đỏ. Nơi đây có những cảnh sắc thiên nhiên đặc trưng của một tỉnh miền núi, kết hợp với những thửa ruộng bậc thang trải dài trên các sườn đồi, do đó đã được công nhận là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
Không chỉ vậy, nơi đây còn là vùng chè shan tuyết cổ thụ Phìn Hồ, cùng với đó là những nét văn hóa của đồng bào dân tộc người Dao đỏ. Chính những cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ tươi đẹp đó chính là điều kiện thuận lợi để người dân thôn Nậm Hồng phát triển du lịch cộng đồng.
Anh Triệu Mềnh Kinh (sinh năm 1987), anh đã có gần 2 năm làm việc trong một số khách sạn và cơ sở du lịch ở Hà Giang. Sau thời gian làm việc tại những cơ sở này, anh Kinh đã nảy ra ý tưởng làm du lịch cộng đồng ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Năm 2015, sau khi trở về quê nhà, anh Kinh đã bàn bạc với vợ con mình và quyết định mua sắm trang thiết bị, sửa sang lại ngôi nhà truyền thống của mình để đáp ứng tiêu chuẩn du lịch cộng đồng để có thể tiếp đón du khách đến đây tham quan.
Homestay của gia đình anh có cách phục vụ chu đáo, thân thiện, mến khách, cảnh sắc hoang sơ nguyên bản vân được giữ nguyên. Nhờ đó mà homestay của anh Kinh đã được nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn. Tuy nhiên, không gian của gia đình anh khá nhỏ, mỗi ngày chỉ có thể tiếp đón tối đa 10 khách, có những khách đã đặt chỗ cả tháng nhưng vẫn không có phòng trống để sắp xếp, đặc biệt là không đủ điều kiện để phục vụ được cả đoàn khách đông.
Chính vì thế, anh Kinh đã quyết định thành lập HTX du lịch cộng đồng Nậm Hồng. Khi mới thành lập HTX có 7 thành viên, mọi người chung tay với nhau phát triển du lịch cộng đồng. Để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, HTX đã xây dựng, thiết kế homestay theo kiểu nhà đất, lợp lá cọ truyền thống của bà con người Dao. Hệ thống homestay của HTX bao gồm khu Hoàng Su Phì Bungalow với 7 phòng khép kín và Dao' homestay.

Là những người dám nghĩ, dám làm, những thành niên của HTX Nam Hồng đã được hỗ trợ 60 triệu đồng để phát triển mô hình của mình. Thông qua dự án này, anh Kinh và các thành viên viên của mình đã được dạy về cách quản lý, điều hành, cách bố trí, sắp xếp không gian cho các homestay, cùng với đó là các kỹ năng nấu ăn, giao tiếp, học tiếng Anh để phục vụ khách nước ngoài.
Năm 2021, HTX du lịch cộng đồng Nậm Hồng đã xây dựng được khu nghỉ dưỡng Hoàng Su Phì Bungalow bao gồm 14 phòng bungalow khép kín, xung quanh là không gian sân vườn rộng lớn, ngoài ra, ở các khu homestay còn có bể bơi vô cực miễn phí. Trong đó, có 8 homestay đã đạt chuẩn cơ sở lưu trú của các thành viên HTX có thể đáp ứng 120-200 khách lưu trú trong một đêm.
Bên cạnh đó, các hoạt động du lịch của HTX đều được tổ chức chuyên nghiệp, từ khâu vận chuyển đưa đón khách hàng bằng xe máy, hoạt động lưu trú, ăn ở, trải nghiệm du lịch, trải nghiệm những nghề truyền thống của địa phương cho đến dẫn tour khám phá Hà Giang.
Ứng dụng công nghệ vào phát triển du lịch cộng đồng
Năm 2019, có khoảng 1.000 du khách đến với Hà Giang, chủ yếu là khách đến từ Châu Âu với nguồn thu nhập gần 500 triệu đồng. Hầu hết các homestay đều có chi phí dịch vụ hợp lý từ 300.000 - 1.200.000/du khách/ngày đêm, trong đó đã bao gồm cả dịch vụ ăn uống, đáp ứng nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, vào năm 2019, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà hoạt động dịch vụ của HTX cũng bị giảm sút.

Gặp khó khăn nhưng các thành viên trong HTX vẫn tiếp tục cùng nhau duy trì hoạt động, tăng cường hoạt động quảng bá trên các phương tiện mạng xã hội như Facebook. Bên cạnh đó, HTX còn xây dựng website, giảm giá nhiều dịch vụ, thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch.
Đặc biệt trong các dịp lễ Tết, nơi đây còn tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, các trò chơi dân gian cho du khách và nhân dân tham dự. Trong đó, có các trò chơi đậm chất của vùng cao Tây Bắc như đánh cù, bịt mắt đánh trống, đẩy gậy nam nữ, qua cầu lắc nhận thưởng, sùi chủi, shai mùi, hái lộc đầu năm... Đặc biệt, người Dao còn có lễ hội nhảy lửa, lễ cấp sắc truyền thống, những lễ hội này cũng thu hút được sự tham gia đông đảo của nhiều người dân và du khách.
Để phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương, anh Triệu Mềnh Kinh còn mở các lớp để chia sẻ kinh nghiệm làm mô hình homestay cho các đoàn viên thanh niên trong vùng.
Sau khi nhận thức của người dân về lĩnh vực kinh doanh khai thác du lịch bền vững được nâng cao thì đã biết cách kết hợp với việc khai thác tài nguyên văn hóa vào phát triển du lịch, góp phần thu hút du khách đến với nơi đây. Mô hình phát triển du lịch cộng đồng không chỉ giúp bà con phát triển kinh tế mà còn giúp quảng bá hình ảnh thiên nhiên, văn hóa của huyện.
Anh Triệu Mềnh Quyền, Bí thư Đoàn xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang nhận xét: "Nhờ có mô hình HTX du lịch cộng đồng của anh Triệu Mềnh Kinh, đến nay hầu hết các đoàn viên, thanh niên trong thôn đã biết thêm một nghề mới để nâng cao thu nhập cho gia đình. Bên cạnh đó, ngoài góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đại phương, HTX là tấm gương để nhiều hộ dân học hỏi làm theo. Ngoài 7 thành viên ban đầu của HTX, đã có thêm nhiều hộ gia đình trong bản làm mô hình du lịch cộng đồng có thu nhập ổn định".
Hiện nay, HTX đang hoạt động theo mô hình chuỗi dịch vụ lưu trú, nuôi trồng và cung cấp thực phẩm cho du khách, hướng dẫn viên du lịch, làm xe ôm, biểu diễn văn nghệ/trình diễn các tiết mục đậm bản sắc văn hóa địa phương. Các hộ tham gia vào HTX đã được phân công rõ ràng nhiệm vụ theo thế mạnh của mình. HTX đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Hà Giang.
Theo Tuổi trẻ