#17 làng nghề mây tre đan truyền thống NỔI TIẾNG Việt Nam

Ha Trang
Việt Nam nổi tiếng với các sản phẩm thủ công mây tre đan với kiểu dáng đẹp mắt, chất lượng cao được bạn bè quốc tế rất yêu thích. Các sản phẩm mây tre đan giờ đây không chỉ giới hạn trong các sản phẩm thường ngày như rổ, rá...mà còn áp dụng vào trang trí nội thất đem đến vẻ đẹp sang trọng cho không gian sống của bạn. Dưới đây là 17 làng nghề mây tre đan truyền thống nổi tiếng khắp ba miền. Tìm hiểu xem đó là những làng nghề nào nhé!

Làng nghề mây tre đan Phú Vinh (Hà Nội)

  • Địa điểm: Xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Làng nghề có lịch sử hơn 400 năm, nổi tiếng với các sản phẩm mây tre đan tinh xảo, đa dạng từ các vật dụng hàng ngày đến các sản phẩm nghệ thuật. Nghề mây tre đan tại Phú Vinh được truyền từ đời này sang đời khác, trở thành nét văn hóa đặc trưng của địa phương. Các nghệ nhân sử dụng kỹ thuật đan lát truyền thống kết hợp với những cải tiến hiện đại để tạo ra những sản phẩm đa dạng và chất lượng.

phu-vinh-1720067447.jpg
Các sản phẩm mây tre đan Phú Vinh rất đẹp mắt và có chất lượng cao

Làng nghề mây tre đan Phú Vinh đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của xã Phú Nghĩa và huyện Chương Mỹ, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Làng nghề cũng góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Làng nghề ở Thạch Thất (Hà Nội)

  • Địa điểm: Huyện Thạch Thất, Hà Nội.

Thạch Thất có đến 3 làng nghề mây tre đan có từ xa xưa là làng nghề Thái Hòa; làng nghề Phú Hòa; làng nghề mây tre đan Bình Xá. Các làng nghề này phát triển mạnh nhất vào những năm đầu của thập niên 90. Các sản phẩm chủ yếu là vật dụng hàng ngày như quạt lá đề, mành tre, ấm ủ, rổ rá…

Hiện nay chỉ còn khoảng 70 hộ gia đình vẫn giữ nghề truyền thống tuy nhiên đây không còn là nghề chính mà chỉ làm theo đơn đặt hàng nhỏ lẻ. Hiện nay các nghề khác như sản xuất đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ thay thế cho nghề mây tre đan truyền thống.

Mây tre đan Ninh Sở

  • Địa điểm: Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội

Mây tre đan Ninh Sở là làng nghề truyền thống về nghề mây tre đan lâu đời cách trung tâm thủ đô khoảng 15km về phía Nam. Nghề mây tre đan của làng xuất hiện từ thế kỷ 18 thời vua Lê Cảnh Hưng. Các sản phẩm được làm từ nguồn nguyên liệu sẵn có từ mây, nứa, giang, lùng. Đây đều là những loại cây thuộc họ tre, dẻo, dễ uốn, nắn và tạo hình.

ninh-so-1720067907.jpg
Thợ thủ công của làng nghề Ninh Sở

Nhờ kỹ thuật đan truyền thống và cách xử lý nguyên liệu do ông cha truyền lại mà các sản phẩm được tạo ra vừa đẹp và có độ bền cao. Ngày nay để phục vụ thị trường xuất khẩu nên các sản phẩm được làm ra ngày càng đẹp hơn và chất lượng tốt hơn.

Làng nghề Ngọc Động (Hà Nam)

  • Địa điểm: Xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Làng Ngọc Động đã nổi tiếng từ lâu với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây và giang. Các sản phẩm của làng không chỉ dùng để trang trí nội thất mà còn mang giá trị mỹ nghệ cao. (Bộ salon mây tại nhà sàn Bác Hồ chính là quà tặng từ dân làng Ngọc Động.)

Người dân nơi đây sử dụng nguyên liệu từ mây, giang, song để sản xuất hàng ngàn loại sản phẩm mây xiên đa dạng như bát, đĩa, vali, thùng tròn, thùng bầu dục, khay vuông, khay chữ nhật có cửa, âu trầu, lọ hoa, lọ lục bình... Các sản phẩm này không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn rất được ưa chuộng bởi khách nước ngoài nhờ vào độ bền chắc, đẹp và thân thiện với môi trường.

Làng nghề mây tre đan 200 năm tuổi: Chính Mỹ

  • Địa điểm: Chính Mỹ, Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Làng nghề mây tre đan Chính Mỹ tại xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, là một làng nghề truyền thống có tuổi đời gần 200 năm. Năm 2007, làng nghề này được UBND thành phố Hải Phòng công nhận là làng nghề truyền thống.

thuy-nguyen-hai-phong-1720076779.jpg
Làng nghề mây tre đan Chính Mỹ

Điểm đặc biệt ở làng nghề Chính Mỹ là mỗi thôn chuyên sản xuất một loại sản phẩm riêng biệt. Thôn 7, 8, 9, 10, và 11 chuyên đan thúng, trong khi thôn 3, 4, và 5 lại tập trung vào các sản phẩm như giần, sàng, nong, nia. Quá trình sản xuất ở đây được chia thành nhiều công đoạn chuyên sâu, với các hộ gia đình đảm nhiệm các khâu khác nhau như vót nan, đan, và vào cạp.

Sản phẩm của làng nghề Chính Mỹ bao gồm các vật dụng sử dụng hàng ngày như thúng, nong nia, giần sàng, rổ, rá, sọt đựng hàng, và thuyền nan dùng để đánh bắt cá ở ao, đầm, chủ yếu tiêu thụ trong nước. Ngoài ra, làng nghề còn sản xuất các sản phẩm mỹ nghệ để xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản như giỏ, hộp đựng trái cây, bình hoa, đĩa, và các đồ thủ công mỹ nghệ khác.

Làng nghề mây tre đan 600 năm tuổi:Bao La (Thừa Thiên Huế)

  • Địa điểm: Xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nghề mây tre đan của làng Bao La có hơn 600 năm tuổi được hình thành và phát triển để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân địa phương. Làng nghề nổi tiếng với các sản phẩm mây tre đan truyền thống như rổ, rá, thúng, nia.

Hiện nay làng nghề còn tập trung sản xuất nhiều sản phẩm mang giá trị nghệ thuật cao và ứng dụng làm đồ nội thất như chụp đèn, gương, bàn ghế, giường tủ. Sản phẩm của làng Bao La không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước châu Âu.

Làng nghề Tăng Tiến (Bắc Giang)

  • Địa điểm: Thôn Phúc Tằng, xã Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Làng nghề mây tre đan Tăng Tiến thuộc thôn Phúc Tằng nằm kề bên Quốc lộ 1A, cách thành phố Bắc Giang 7km về hướng Tây, tiếp giáp với tỉnh Bắc Ninh. Làng nghề mây tre đan Tăng Tiến Bắc Giang có lịch sử lâu đời lên đến 300 năm. Làng theo nghề mây tre đan từ thời Hậu Lê và theo hình thức cha truyền con nối trong gia đình.

tang-tien-1720076965.jpg
 

Các sản phẩm của làng nghề nổi tiếng bởi độ tỷ mỷ, đẹp mắt và bền bỉ. Với bí quyết làng nghề kết hợp cùng công nghệ hiện đại, các nghệ nhân đã tạo ra những sản phẩm mây tre đan có màu sắc phong phú và khả năng chống mối mọt, giúp sản phẩm bền đẹp theo thời gian. Các sản phẩm đặc trưng của làng nghề như mành trải bàn ăn, đệm, gối, túi xách, mành tre cửa, ấm tích, bàn ghế... đã được xuất khẩu và rất được ưa chuộng tại các thị trường Nga, EU, và Mỹ.

Làng nghề đan giỏ cọng dừa Hưng Phong – Giồng Trôm

  • Địa điểm: Hưng Phong, Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Hưng Phong (Cồn Ốc) nằm trên một cồn nổi, tách biệt với đất liền, vì vậy bạn có thể đến làng nghề này bằng đường thủy hoặc đường bộ. Nếu chọn đường thủy, bạn sẽ khởi hành từ bến sông Bến Tre và xuôi theo dòng Hàm Luông trong khoảng 45 phút. Nếu chọn đường bộ, bạn sẽ đi qua cầu Bến Tre 2, tiếp tục theo Tỉnh lộ 887. Tại ngã ba Phước - Long, rẽ phải và đi thẳng khoảng 6km đến bến phà Hưng Phong, sau đó qua phà để đến xã Hưng Phong.

beens-tre-1720068190.jpg
Làng nghề đan giỏ cọng dừa Hưng Phong

Mặc dù nghề đan giỏ cọng dừa ở Hưng Phong chỉ mới hình thành hơn 16 năm, nhưng đã phát triển mạnh mẽ nhờ quy mô sản xuất từ các hộ gia đình trong khu vực. Làng nghề này ngày càng đa dạng về mẫu mã và được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt, vào dịp cuối năm, nhu cầu làm giỏ quà tặng Tết tăng cao, giúp sản phẩm tiêu thụ mạnh mẽ.

Làng nghề mây tre đan Triệu Xá xã Triệu Đề tỉnh Vĩnh Phúc

  • Địa điểm: xã Triệu Xá, Triệu Đề, Lập Thạch, Vĩnh Phúc

Nghề mây tre đan ở Triệu Xá bắt nguồn từ thời nhà Nguyễn, chuyên sản xuất các đồ dùng sinh hoạt và công cụ nông nghiệp như thúng, mủng, rổ, rá, dần, sàng, và gầu tát nước, cũng như một số vật dụng để đánh bắt thủy sản.

Từ xa xưa, một số người trong làng đã học nghề mây tre đan tại các làng nghề của tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội) và Hưng Yên, sau đó trở về địa phương để phát triển nghề này và truyền dạy cho cộng đồng. Ban đầu, các sản phẩm chủ yếu phục vụ cho cuộc sống hàng ngày và lao động sản xuất, nhưng sau đó đã được nâng cấp thành các sản phẩm mỹ nghệ cao cấp.

Nghề mây tre đan ở Triệu Xá không chỉ giữ gìn truyền thống văn hóa mà còn tạo ra cơ hội việc làm cho người dân, đặc biệt là trong những thời điểm nông nhàn.

Làng nghề mây tre đan truyền thống ở Bản Nà Tấu, tỉnh Điện Biên

  • Địa điểm: Nà Tấu, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên

Nghề mây tre đan đã hình thành từ lâu đời và được cộng đồng người Thái ở Nà Tấu trân trọng, nâng niu truyền từ đời này sang đời khác. Trước đây, người Thái bản Nà Tấu 1 thường làm các đồ dùng từ mây, tre để phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, nhiều gia đình trong bản đã tập hợp thành nhóm cùng nhau làm các sản phẩm từ mây, tre đan để bán ra thị trường, nhờ đó các gia đình có thêm nguồn thu nhập đáng kể.

na-tau-1720076730.jpg
Đan ghế

Hiện tại, bản Nà Tấu 1 có 78 gia đình, trong đó có 18 gia đình với 24 lao động thường xuyên làm các sản phẩm từ mây, tre đan. Những sản phẩm nổi bật của nghề như bàn ghế mây, lếp hái rau và đựng đồ trang sức, cóm khẩu, bung gánh thóc, sàng gạo, mẹt… được bán đi nhiều nơi. Nhờ nghề mây tre đan, người dân bản Nà Tấu, Điện Biên đã có cơ hội thoát nghèo, cải thiện đời sống.

Thăm làng nghề mây tre đan xóm Bui - Lạc Sơn, Hòa Bình

  • Địa điểm: xóm Bui, xã Nhân Nghĩa, Lạc Sơn, Hòa Bình

Nghề mây tre đan ở xóm Bui, Lạc Sơn, Hòa Bình đã có từ lâu đời. Nghề được truyền lại chủ yếu theo đời ông cha - con cháu. Các sản phẩm đan lát chủ yếu phục vụ sinh hoạt trong gia đình, buôn bán nhỏ lẻ như giỏ, lẵng, cơi trầu,...Có một khoảng thời gian nghề mây tre đan ở đây bị mai một. Tuy nhiên đến nay nhờ sự thay đổi trong phương thức sản xuất và cập nhật thêm mẫu mã, quy mô và tìm đường ra cho các sản phẩm mà nghề mây tre đan xóm Bui đã phát triển mạnh mẽ hơn trước.

lang-nghe-lac-son-1720068021.jpg
Các sản phẩm của làng nghề mây tre đan Lạc Sơn

Nghề mây tre đan xóm Bui được chính thức công nhận làng nghề từ 2017. Làng nghề cung cấp hàng loạt các sản phẩm với mẫu mã đẹp và đa dạng cho thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu như lẵng hoa, đèn treo, hộp đựng bánh kẹo. Hiện nay những người thợ thủ công đã liên kết với nhau để thành lập nên HTX Mây tre đan truyền thống xóm Bui.

Làng nghề mây tre đan Hoằng Thịnh

  • Địa điểm: xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Làng nghề mây tre đan hàng trăm năm tuổi tại xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, có lịch sử lâu đời. Theo các cụ cao niên, nghề này đã xuất hiện từ thời nhà Nguyễn, vào khoảng cuối thế kỷ XIX. Trong những năm bao cấp, phần lớn sản phẩm đan lát của xã được xuất khẩu sang thị trường Đông Âu.

hoang-thinh-1720076815.jpg
Nghề mây tre đan tại Hoằng Thịnh

Để tạo ra những sản phẩm chất lượng, người làm nghề phải cẩn thận từ khâu chọn lựa nguyên liệu đến kỹ thuật chế biến. Kỹ thuật của nghề mây tre đan ở đây thể hiện ngay từ khâu phơi sấy, chẻ mây. Người thợ làm phải căn làm sao cho khi sấy mây phải có màu vàng đẹp, sấy nhiều khói quá thì sợi mây đỏ, ít khói quá cũng bị đỏ. Ngoài ra phơi mây còn phải căn nắng, nắng quá thì mây mất vẻ tươi, phơi gặp trời mưa thì mây mất vẻ bóng đẹp…Chẻ mây cũng cần có tay nghề cao và sự khéo léo để sợi mây đan không bị dày quá, không mỏng quá làm mất vẻ đồng đều của sản phẩm. Chính nhờ sự tỉ mẩn trong từng khâu sản xuất mà các sản phẩm đầu ra của làng nghề đều có màu sắc đẹp, đều, bền và lạ mắt.

Đáp ứng nhu cầu của thị trường mà các mặt hàng của làng nghề ngày càng đa dạng và phong phú. Song hành sản xuất các mặt hàng truyền thống thì các nghệ nhân làng nghề Hoằng Thịnh đi sâu nghiên cứu tạo ra các sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu của đối tượng khách hàng. Các đồ vật trang trí nội thất, tranh phong cảnh, hoành phi, rèm cửa, chao đèn với màu sắc tự nhiên và thân thiện với môi trường.

Làng nghề Liên Khê (Hưng Yên)

  • Địa điểm: Liên Khê, Khoái Châu, Hưng Yên

Nghề đan lát ở xã Liên Khê, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, đã được hình thành từ những năm 90 của thế kỷ XX. Ban đầu, chỉ có một vài hộ gia đình, chủ yếu ở thôn Kênh Hạ, tham gia sản xuất các mặt hàng phục vụ sinh hoạt. Tuy nhiên, đến nay, nghề thủ công này đã phát triển rộng ra toàn xã và trở thành công việc thường nhật của người dân nơi đây. Nguyên liệu chính được sử dụng là song và mây. Để tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, người thợ thủ công phải trải qua nhiều công đoạn. Trước tiên, sản phẩm được làm theo mẫu, sau đó tập trung tại hợp tác xã để thực hiện các bước nhúng keo định hình, phơi khô và sơn màu theo yêu cầu của khách hàng.

lien-khe-1720076866.png
Làng nghề mây tre đan Liên Khê

Ngoài việc giữ gìn và phát triển nghề truyền thống, người dân Liên Khê còn không ngừng cải tiến kỹ thuật và mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Các sản phẩm đan lát của Liên Khê không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ và khuyến khích việc mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu để sản phẩm đan lát Liên Khê ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường. Nghề đan lát không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Làng nghề Vân Sơn tỉnh Quảng Bình

  • Địa điểm: xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình

Hoạt động từ lâu đời tại xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, làng nghề mây tre đan Vân Sơn nổi tiếng với những sản phẩm mây tre đan tinh xảo. Nhờ vị trí địa lý trên miền núi cao Minh Hóa, người dân dễ dàng tìm được nguồn nguyên liệu chất lượng tốt và giá rẻ như mây, tre, nứa, lồ ô,... từ trong rừng. Sau khi thu hoạch, nguyên liệu được phơi khô và xử lý kỹ lưỡng trước khi bắt đầu quá trình đan lát. Những người thợ thủ công có tay nghề cao tại đây sử dụng các kỹ thuật đan truyền thống để tạo ra các sản phẩm có hình dáng và hoa văn tinh xảo.

van-son-lang-nghe-1720076988.jpg
Mây tre đan của làng nghề Vân Sơn

Ngoài việc tạo ra các sản phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày, làng nghề Vân Sơn còn sản xuất nhiều mặt hàng trang trí nội thất, mang tính nghệ thuật cao, được ưa chuộng trên thị trường. Các sản phẩm như rổ, rá, thúng, mẹt, lẵng hoa, và đồ trang trí từ mây tre đan không chỉ phản ánh sự khéo léo và tài hoa của người thợ mà còn mang đậm nét văn hóa đặc trưng của địa phương. Chính quyền địa phương luôn hỗ trợ và khuyến khích phát triển làng nghề, giúp người dân nâng cao tay nghề, cải tiến mẫu mã, và mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, làng nghề mây tre đan Vân Sơn không chỉ góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân mà còn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất Quảng Bình

Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành

  • Địa điểm: xã Phúc Thành, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình

Mây tre đan thủ công vốn là nghề truyền thống tại xã Phúc Thành, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Các sản phẩm mây tre đan ở đây chủ yếu là nông cụ và đồ gia dụng như gầu tát nước, thúng, rổ, rá, nong, nia, được làm từ tre, nứa già, và mây chuyển từ các vùng khác về. Mặc dù cách đan nhìn có vẻ đơn giản, nhưng để tạo ra một sản phẩm mây tre đan đẹp, người thợ phải rất cẩn thận và tỉ mỉ trong từng công đoạn.

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, sự xuất hiện của các sản phẩm công nghiệp từ nhựa với giá rẻ và tiện lợi đã khiến sản phẩm mây tre đan trở nên khó tiêu thụ hơn, dẫn đến việc nghề đan dần bị mai một. Tuy nhiên, nhờ tình yêu nghề sâu sắc của những người thợ và giá trị bền vững của các sản phẩm thủ công từ chất liệu tự nhiên, nhiều hộ gia đình ở Phúc Thành vẫn kiên trì giữ gìn và phát triển nghề truyền thống này. Những người thợ thủ công ở đây không chỉ giữ nghề vì lòng yêu nghề mà còn vì niềm tự hào với những giá trị văn hóa mà nghề đan lát mang lại. Chính sự kiên trì và tận tụy đó đã giúp nghề mây tre đan ở Phúc Thành vẫn tồn tại và phát triển, đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Làng nghề mây tre đan Bản Điềm 

  • Địa điểm: Bản Diềm xã Châu Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An)

Sản phẩm của làng nghề từ cây tre, cây mét. Các sản phẩm có hoa văn, họa tiết của các mặt hàng thổ cẩm của người Thái được ứng dụng. Màu sắc được nhuộm màu tự nhiên nổi bật và bắt mắt, không hề có hoá chất khiến khách hàng và du khách rất thích. Mẫu mã đa dạng từ khay hoa quả, mâm cơm, bàn trà…với đủ hình dạng, hoa văn lần lượt ra đời.

ban-diem-1720068075.jpg
Những người phụ nữ Thái là nhân công chính của nghề truyền thống mây tre đan Bản Điềm

Làng nghề đan lát Thái Mỹ ở Củ Chi

  • Địa điểm: xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, Tp.HCM

Làng nghề đan đát Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM, là một trong năm làng nghề được thành phố bảo tồn và phát triển trong giai đoạn 2022 - 2025. Nghề đan đát cũng đã được đưa vào danh sách các ngành nghề nông thôn và ngành nghề truyền thống cần được bảo tồn và phát triển của TP.HCM.

Làng nghề đan đát Thái Mỹ nổi tiếng với các sản phẩm đặc trưng như nia, tràng, thúng, rổ, rá… Những sản phẩm này được bán đi nhiều địa phương, chủ yếu là khu vực miền Tây. Hiện nay, làng nghề có một cơ sở đan đát xuất khẩu sản phẩm đơn giản ra nước ngoài, cùng với 7 tổ hợp tác và 195 hộ gia đình tham gia sản xuất. Trong số đó, 32 hộ là thành viên của 7 tổ hợp tác. Tổng số lao động tham gia sản xuất thường xuyên tại làng nghề Thái Mỹ là trên 390 người, với thu nhập bình quân đạt 4 triệu đồng/người/tháng.

Trên đây là 17 làng nghề mây tre đan truyền thống nổi tiếng ở Việt Nam. Có cơ hội bạn hãy đến thăm các làng nghề này để biết thêm về nghề thủ công truyền thống của nước ta và chia sẻ nó với bạn bè quốc tế nhé!