Tiền Giang: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Hoài Nguyễn
Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp Tiền Giang đã chú trọng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết phát triển chuỗi giá trị, hệ sinh thái, gắn với ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), kỹ thuật cao trong sản xuất và chế biến.

Ứng dụng KHCN, công nghệ cao vào trong sản xuất là một nhu cầu cần thiết nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện với môi trường. Đồng thời, xây dựng, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng KHCN, công nghệ cao, vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh theo chuỗi giá trị, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực, tiềm năng của tỉnh.

7c4bde8722c8cb9692d9-1732675980.jpg

Nông dân huyện Gò Công Tây áp dụng kỹ thuật trồng rau trong nhà màng.

NHIỀU NGHIÊN CỨU HỮU ÍCH

Trong thời gian qua, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh Tiền Giang đã tập trung nghiên cứu nhằm tăng cường đưa KHCN vào ngành Nông nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Tiến sĩ Lê Thị Kim Loan, Trường Đại học Tiền Giang cho biết, để nâng cao chất lượng nông sản, Khoa Nông nghiệp và Công nghệ thực phẩm của trường đã tập trung nghiên cứu trên đối tượng cây lúa, sầu riêng, mít, rau và hoa. Các nghiên cứu đã được nhà trường phối hợp triển khai và mang lại kết quả cao như: Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Xây dựng các mô hình vườn sầu riêng áp dụng kỹ thuật tiên tiến phục hồi sau hạn, mặn và thích ứng với xâm nhập mặn ở 2 xã Tam Bình và Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Tiền Giang còn thực hiện một số đề tài nghiên cứu khác như: Điều tra hiện trạng canh tác và thử nghiệm các biện pháp hạn chế bệnh xơ đen trên mít Changai; Đánh giá đặc điểm sinh trưởng, phát triển và chất lượng của 6 giống dưa lưới (Thái, TL3, ML38, M66, ML238 và Tú Thanh) trồng trong nhà màng tại trại thực nghiệm của Trường Đại học Tiền Giang; Khảo sát sự sinh trưởng và năng suất rau cải bẹ dún, cải bẹ ngọt, cải bẹ xanh và cải ngồng trồng trong điều kiện khí canh.

c0047cc8808769d93096-1732675972.jpg

Áp dụng kỹ thuật tưới nước phun mưa tiết kiệm nước trong trồng rau.

Các nghiên cứu trên đều cho kết quả khả quan, từ đó Trường Đại học Tiền Giang mong muốn giới thiệu, chuyển giao khoa học - kỹ thuật từ các kết quả nghiên cứu được để ứng dụng rộng rãi vào sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, giảm phát thải; đồng thời, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất để góp phần phát triển ngành Nông nghiệp tỉnh nhà.

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, trong thời gian qua, vấn đề thất thoát sau thu hoạch nông sản (chiếm từ 10% - 20%) vẫn chưa được khắc phục triệt để. Nguyên nhân chủ yếu là do ở khâu thu hoạch và xử lý, bảo quản sau thu hoạch chưa đảm bảo. Cụ thể có một số nguyên nhân gây thất thoát sản lượng sau thu hoạch trên trái cây như: Công nghệ sau thu hoạch chưa được áp dụng đồng bộ và phát triển; người trồng và thu mua, thương lái quản lý sau thu hoạch còn kém; nguồn nguyên liệu không ổn định, chất lượng không đồng đều, liên kết trong sản xuất kém… Đồng thời, còn có một số tác nhân gây thất thoát sau thu hoạch trái cây như các tổn thương nhiệt, lạnh, do nồng độ oxy thấp, hư hỏng do Ethylene, Cacbonic...

Chính vì vậy, việc ứng dụng KHCN, tiến bộ khoa học - kỹ thuật không chỉ trong công tác sản xuất nông nghiệp để đảm bảo về năng suất, chất lượng, mà việc nghiên cứu, đưa KHCN vào sau thu hoạch sản phẩm nông nghiệp hiện nay đã và đang rất được quan tâm nhằm giúp giảm thiểu tổn thất, tăng thời gian bảo quản, đảm bảo sản phẩm vẫn an toàn và tươi ngon.

Để đảm bảo chất lượng nông sản sau thu hoạch, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Viện Cây ăn quả miền Nam chia sẻ kết quả nghiên cứu: Trái cây thu hoạch phải đạt độ chín tối ưu cho thương mại, giảm tối thiểu tổn thương cơ học, làm mát sơ bộ ngay sau khi thu hoạch và duy trì chế độ mát trong suốt chuỗi cung cấp. Bên cạnh đó, phải bảo quản lạnh sản phẩm ở nhiệt độ tối ưu nhằm hạn chế việc mất hơi nước của sản phẩm và hạn chế nấm bệnh; đồng thời, điều chỉnh phù hợp thành phần không khí xung quanh sản phẩm, điều chỉnh mức khí Ethylene phù hợp xung quanh các sản phẩm.

Chia sẻ kết quả nghiên cứu KHCN vào sau thu hoạch đối với trái mít Thái siêu sớm ở Tiền Giang, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bạch Long Giang, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết: Trong thời gian qua, nhà trường đã nghiên cứu tác động của nhiệt độ và thời gian sấy đối với những thay đổi đặc trưng của mít trong quá trình sấy thăng hoa. Nghiên cứu này đã thành công trong việc phát triển quy trình công nghệ để sản xuất mít sấy thăng hoa từ mít Thái ở Tiền Giang, góp phần giải quyết vấn đề dư thừa nguồn cung mít hiện nay.

Nghiên cứu cũng đã xây dựng quy trình xử lý vỏ và xơ mít kết hợp với các nguyên liệu nông nghiệp của địa phương thành giá thể hữu cơ để trồng rau cải xanh. Nghiên cứu cho thấy, chất xơ dừa và tro trấu có thể phối trộn với xơ và vỏ mít để sản xuất giá thể hữu cơ để tận dụng dinh dưỡng và tài nguyên, mang đến hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

ĐƯA KHCN VÀO THỰC TIỄN

Thạc sĩ Nguyễn Minh Nhựt Quang, Phó Trưởng Phòng Quản lý khoa học - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang đề nghị: Để triển khai hiệu quả việc đưa KHCN vào thực tiễn sản xuất của ngành Nông nghiệp cần có sự quan tâm phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Từ kết quả của khâu xây dựng đề xuất, xác định nhiệm vụ KHCN, tuyển chọn tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ, đến kiểm tra, đánh giá, tổ chức nghiệm thu và đưa vào ứng dụng nhằm phục vụ thiết thực, hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

7e9cc0503c1fd5418c0e-1732675980.jpg

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trịnh Công Minh phát biểu tại Hội thảo khoa học .

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trịnh Công Minh, để những kết quả nghiên cứu khoa học sớm đi vào thực tiễn, thúc đẩy tiến tới nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, trong thời gian tới cần tăng cường công tác tuyên truyền; tập trung đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học trong chọn tạo, cải tiến giống cây trồng…; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KHCN; nâng cao trình độ sản xuất, áp dụng tiến bộ KHCN cho nông dân; kết hợp tổ chức tập huấn và xây dựng các mô hình trình diễn nhằm chuyển giao KHCN, từng bước nâng cao trình độ của người dân.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng KHCN như ứng dụng giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, kháng bệnh; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, dự báo thiên tai, đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa trong quá trình bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức xã hội và quảng bá thành tựu KHCN như: Phát hành các sách, tài liệu, ấn phẩm (bản giấy và điện tử) về các quy trình, công nghệ đã chuyển giao. Thực hiện các hoạt động truyền thông (truyền hình, truyền thanh, phóng sự...) phổ biến kiến thức khoa học - kỹ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng tỉnh, huyện, xã. Cần tăng cường tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề và hội thảo khoa học nhằm giới thiệu, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, trao đổi kiến thức, ứng dụng, áp dụng các kết quả nghiên cứu, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trong phát triển nền nông nghiệp của tỉnh.