Khắc phục tình trạng rừng ngập mặn, sinh viên miền Tây tạo "áo giáp", giúp hạt giống phát triển tốt

Hoài Nguyễn
Để khắc phục tình trạng rừng ngập mặn bị thu hẹp, Thạch Hoàng Anh (21 tuổi, ở Trà Vinh) đã tạo ra "áo giáp" giúp hạt giống tránh bị sóng cuốn, động vật phá hại và cấp dinh dưỡng cho cây nảy mầm, bám rễ, từ đó phát triển tốt

Em Thạch Hoàng Anh hiện là sinh viên chuyên ngành Tài chính ngân hàng, Trường Đại học Cần Thơ. Chàng sinh viên dân tộc Khmer sinh ra và lớn lên tại vùng quê huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.

Hoàng Anh kể, ngay từ khi còn học ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS - THPT huyện Tiểu Cần, em đã nung nấu ý tưởng tìm kiếm giải pháp bảo vệ môi trường.

327b574c-1445-4efb-885c-7969cd3b8b41-1733205956.jpeg
Hình ảnh: Hoàng Anh triển khai thực nghiệm dự án tại vùng rừng ngập mặn.

Đọc sách báo và xem những chương trình phản ánh thực trạng ô nhiễm môi trường trên tivi, Hoàng Anh rất trăn trở về thực trạng diện tích rừng ngập mặn ở nước ta đang ngày càng bị thu hẹp. Những suy tư đó khiến Hoàng Anh nảy ra ý tưởng tạo một lớp “áo giáp” bảo vệ hạt giống phát triển tốt, tránh sâu bệnh gây hại, hướng đến bảo tồn và phát triển rừng.

"Nhìn bờ sông và rừng ngập mặn ở gần nhà bị sóng đánh sạt lở, hạt giống không bám rễ được để nảy mầm nên em đã quyết nghĩ cách để khắc phục vấn đề, ngăn biển ngày càng tiến sâu. Em đã thử nhiều phương án trước khi có được sản phẩm cuối cùng với tên gọi áo giáp hạt giống" - Hoàng Anh chia sẻ.

Theo em Hoàng Anh, tạo ra lớp “áo giáp” hạt giống nhằm cung cấp đầy đủ các dưỡng chất, đảm bảo điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt nhất cho cây giống. Sản phẩm phải có kích thước nhỏ gọn, dễ dàng vận chuyển và ít tốn công chăm sóc. Đặc biệt sản phẩm cũng phải ở mức chi phí thấp, có thể tận dụng nguyên liệu có sẵn tại địa phương.

ban-sao-z603554781788943b86ff59dee4a00def84b25228a65c8-edited-1731667878011-1-1733206015.png

Hoàng Anh mô tả đề tài tại cuộc thi Sáng kiến Mekong năm 2024.

Qua tích cực tìm tòi, tham khảo kiến thức từ nhiều nguồn, Hoàng Anh đã lựa chọn xử lý bã cà phê, rơm rạ, nấm trichoderma ủ làm thành phân hữu cơ sinh học, kết hợp keo sinh học từ đó tạo ra lớp “áo giáp” cho hạt giống. Áo giáp có 3 lớp, vừa đảm bảo dinh dưỡng cho hạt, vừa đảm bảo độ kết dính để chống rửa trôi, vừa ngăn cản động vật ăn hạt giống.

"Em chọn bã cà phê làm giá thể, vì phế phẩm này sau khi khử acid sẽ an toàn cho hạt, đủ dinh dưỡng cho cây phát triển trong giai đoạn đầu, đặc biệt mùi cà phê sẽ xua đuổi động vật phá hại cây con." - Hoàng Anh nói.

Đến năm 2021, Hoàng Anh đã hợp tác cùng doanh nghiệp và chính quyền địa phương triển khai thực nghiệm dự án “Áo giáp hạt giống” tại vùng rừng ngập mặn cù lao Long Trị (TP Trà Vinh), xã Mỹ Long Nam (huyện Cầu Ngang, Trà Vinh). Thời điểm này sản phẩm được đưa vào thí điểm ươm hạt giống cây gõ nước. Đây là loại cây có nguy cơ tuyệt chủng thuộc danh mục nhóm nguy cấp trong Sách đỏ.

06b00dff-efe7-4b98-b7ef-51025d207354-1733205952.jpeg

Sản phẩm “Áo giáp hạt giống” ứng dụng trong việc ươm cây trồng rừng.

Đặc biệt, Dự án "áo giáp hạt giống" của Hoàng Anh đã nhận được gói hỗ trợ chi phí 120 triệu đồng từ một tổ chức quốc tế, có 2 doanh nghiệp đang quan tâm đến sản phẩm.

Qua thử nghiệm, trên 80% hạt giống được bọc giáp nảy mầm, phát triển tốt. Trong khi đó diện tích trồng cây ươm bầu đối sánh chỉ sống được 65%. Phát triển rừng bằng phương pháp mới còn tiết kiệm được công chăm sóc, bảo vệ.

Sản phẩm đã giành giải Nhì trong cuộc thi Sáng tạo Khoa học - Kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh Trà Vinh trong năm 2022.