Nhập khẩu rác thải vì lý do kinh tế
Liên minh châu Âu (EU) quyết định cấm xuất khẩu rác thải nhựa sang các quốc gia ngoài Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong đó có Malaysia, bắt đầu từ giữa năm 2026. Biện pháp này nhằm ngăn chặn các vật liệu như nhựa hoặc hóa chất được gửi đến các quốc gia không thể xử lý chúng đúng cách.
Bà Jan Dell, một kỹ sư và là người sáng lập nhóm vận động vì môi trường The Last Beach Cleanup cho rằng, lệnh cấm sắp tới của EU là một “sự thừa nhận” rằng xuất khẩu rác thải nhựa là “có hại và phi đạo đức”.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc công bố năm nay, các quốc gia Đông Nam Á nhập khẩu hơn 100 triệu tấn rác thải kim loại, giấy và nhựa mỗi năm, trị giá 47 tỷ euro từ năm 2017 đến năm 2021.
Khi Trung Quốc cấm nhập khẩu hầu hết các loại nhựa và vật liệu khác từ năm 2018, một số quốc gia Đông Nam Á đã chứng kiến lượng nhập khẩu tăng đột biến. Đến năm 2021, Malaysia đã trở thành một trong những quốc gia nhập khẩu rác thải nhựa lớn nhất thế giới.
Theo dữ liệu của Eurostat, năm 2023, lượng rác thải nhựa từ EU nhập khẩu vào nước này đã tăng 35% so với năm 2022. EU đã xuất khẩu 8,5 triệu tấn giấy, nhựa và thủy tinh vào năm 2023, trong đó hơn 1/5 được chuyển đến các bãi rác thải của Malaysia.
Không giống như một số quốc gia láng giềng, Chính phủ Malaysia đã tuyên bố trong nhiều năm rằng họ muốn giảm lượng rác thải nhập khẩu nhưng vẫn chưa chính thức cấm.
“Chính phủ Malaysia vẫn tiếp tục cho phép nhập khẩu rác thải nhựa vì lý do kinh tế và do nhu cầu từ ngành tái chế địa phương. Tuy nhiên, phần lớn nhựa nhập khẩu không thể tái chế hoặc bị ô nhiễm, cuối cùng sẽ được xử lý thông qua bãi chôn lấp hoặc đốt”, bà Hema Sulakshana, một nhà vận động tại tổ chức Greenpeace Malaysia nhận định.
Cần chung tay giải quyết nạn buôn bán rác thải bất hợp pháp.
Trong trường hợp này, các nhà bảo vệ môi trường đang bị chia rẽ về lợi ích của cái gọi là nền kinh tế tuần hoàn, dựa vào việc tái sử dụng vật liệu để thúc đẩy tính bền vững.
Một số người coi tái chế là chìa khóa để giảm thiểu chất thải và tiêu thụ tài nguyên. Sáng kiến Circulate, một tổ chức phi lợi nhuận, ước tính rằng việc thu hồi và tái chế rác thải nhựa đúng cách trên khắp Nam Á và Đông Nam Á có thể ngăn ngừa khoảng 229 triệu tấn khí thải nhà kính vào năm 2030, tương đương với lượng khí thải từ 61 nhà máy điện chạy bằng than.
Tuy nhiên, một số người có quan điểm ngược lại: Tái chế là không đủ, vì nhiều chất thải vẫn nằm trong bãi chôn lấp hoặc bị đốt, dẫn đến ô nhiễm và phát thải khí nhà kính.
Vào năm 2020, ước tính tỷ lệ tái chế của Malaysia chỉ đạt 30%, bằng một nửa so với nước láng giềng Singapore. Cơ sở hạ tầng quản lý chất thải không đầy đủ làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường.
Mặc dù EU đã cam kết cấm xuất khẩu một số loại rác thải vào năm 2026, nhưng điều này không có nghĩa là chấm dứt hoàn toàn việc xuất khẩu nhựa. Nhựa vẫn có thể được xuất khẩu nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định.
Trong khi đó, rác thải không phải nhựa, bao gồm cả hàng dệt may, vẫn có thể được vận chuyển đến các quốc gia không thuộc OECD. Điều này khiến các nhà môi trường lo ngại, vì ngành tái chế hàng dệt may của châu Âu phải đối mặt với những thách thức đáng kể do hàng dệt may đã qua sử dụng đang ở tình trạng cung vượt cầu và nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu giảm.
Ủy ban châu Âu ước tính rằng 15 - 30% các lô hàng rác thải từ EU là bất hợp pháp, vì vậy, việc thực thi luật cần được nghiêm ngặt hơn. EU đã khởi xướng các cuộc đối thoại với Thái Lan, Malaysia và Indonesia để giải quyết nạn buôn bán rác thải bất hợp pháp.
Nhưng việc thực thi các quy định hiện hành nghiêm ngặt hơn cũng cần thiết ở các nước nhập khẩu, đặc biệt là khi các lô hàng rác thải bất hợp pháp có thể gia tăng khi các quy tắc mới của EU có hiệu lực.