Nữ thạc sĩ tốt nghiệp nước ngoài, về quê nuôi ngỗng thu hơn 69 tỷ/năm

Hoài Nguyễn
Nữ sinh An Kỳ quê ở thành phố Vũ Cương, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) từng theo học thạc sĩ ngành tài chính tại Australia. Sau khi tốt nghiệp, cha mẹ cô kỳ vọng con gái sẽ tìm được một công việc văn phòng ổn định với mức lương cao giống như nhiều người trẻ khác. Thế nhưng, cô gái trẻ không muốn sống theo khuôn mẫu quen thuộc, theo China.org.

Từ du học sinh tài chính đến nông dân nuôi ngỗng

Nhận thấy sự phát triển bùng nổ của thị trường nông nghiệp chất lượng cao tại Trung Quốc, An Kỳ quyết định trở về quê hương để khởi nghiệp. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, cô nhận thấy giống ngỗng đồng đặc sản địa phương Vũ Cương tuy có giá trị cao nhưng lại chưa được phát triển nuôi theo quy mô lớn. Điều này là do sản lượng trứng của giống ngỗng này thấp, chỉ khoảng 30 quả/năm - thấp hơn nhiều so với các giống ngỗng khác có thể đạt 50-100 quả.

An Kỳ tin rằng nếu tìm ra cách tối ưu hóa mô hình chăn nuôi, cô không chỉ có thể khai thác triệt để tiềm năng của giống ngỗng này mà còn tạo ra giá trị kinh tế to lớn cho quê hương.

aa1vdfgj-1733285459.jpg

Mô hình nuôi ngỗng tại quê nhà của An Kỳ đem lại doanh thu hơn 20 triệu nhân dân tệ/năm (hơn 69,8 tỷ đồng)

Năm 2019, An Kỳ chính thức bắt tay vào việc nuôi ngỗng tại quê nhà. Cô khởi đầu với khoản đầu tư 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,4 tỷ đồng) từ cha mình. Cha cô sở hữu một nhà máy thức ăn chăn nuôi.

Không chỉ nuôi theo phương pháp truyền thống, An Kỳ mạnh dạn đề xuất mô hình "nuôi toàn mùa" tức là điều chỉnh thời gian và điều kiện môi trường để ngỗng có thể đẻ trứng quanh năm.

Tuy nhiên, thử nghiệm ban đầu không suôn sẻ. Với 200 con ngỗng mái, trang trại chỉ thu được hơn 40 quả trứng sau nhiều tháng. Không nản lòng, An Kỳ mời chuyên gia về hướng dẫn. Sau khi điều chỉnh, cô đã xây dựng 6 trang trại nuôi ngỗng theo tiêu chuẩn cao.

Đến cuối năm 2020, An Kỳ thu hoạch được hơn 30.000 quả trứng từ 1.200 con ngỗng. Cô còn đầu tư máy ấp trứng để cung cấp ngỗng giống ra thị trường, mang về doanh thu hơn 1 triệu nhân dân tệ mỗi năm. Đồng thời, cô gái cũng hợp tác với một nhà máy chế biến để phát triển sản phẩm ngỗng quay và phân phối ra khắp cả nước.

Hiện tại, doanh thu hàng năm từ các sản phẩm ngỗng và trứng của doanh nghiệp An Kỳ đã vượt mức 20 triệu nhân dân tệ/năm (hơn 69,8 tỷ đồng).

Giúp 700 hộ thoát nghèo

Trước đó, tờ YCWB News đưa tin, nữ sinh 26 tuổi Vương Miểu ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) tốt nghiệp Đại học Alberta (Canada) và sau đó hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Đại học Thành phố Hồng Kông.

Sau khi tốt nghiệp, cô từ bỏ cơ hội làm việc ở thành phố, quyết tâm trở về quê hương, làm nông nghiệp và nuôi ngỗng.

Lựa chọn này khiến nhiều người bất ngờ, thậm chí hoài nghi. Tuy nhiên, Vương Miểu đã chứng minh rằng giá trị thật sự không nằm ở danh tiếng của môi trường làm việc mà ở khả năng cống hiến hết mình và tạo ra giá trị bền vững.

Áp dụng kiến thức tài chính và quản lý học được từ nước ngoài, cô không chỉ nâng cao hiệu quả chăn nuôi mà còn thúc đẩy kinh tế địa phương.

aa1vdpcz-1733285456.png

Vương Miểu khởi nghiệp tạo việc làm cho hơn 1.000 phụ nữ ở lại nông thôn.

Để quảng bá sản phẩm quê nhà, cô thường tận dụng khả năng tiếng Anh của mình, tổ chức các buổi livestream bán sản phẩm nông nghiệp ngay tại đồng ruộng.

Đến nay, sự nỗ lực của Vương Miểu và đội ngũ đã giúp hơn 700 hộ dân ở quê hương thoát nghèo, tạo việc làm cho hơn 1.000 phụ nữ ở lại nông thôn, với doanh thu hàng năm tương đương gần 70 tỷ đồng.

Thành công của An Kỳ và Vương Miểu cho thấy nông thôn không chỉ là nơi trở về mà là vùng đất giàu tiềm năng cho nhiều người trẻ tại quốc gia tỷ dân. Với niềm tin và sự sáng tạo, những điều phi thường có thể được tạo ra trên chính mảnh đất quê hương, tạo sinh kế bền vững cho người dân quê.