Nguyễn Thị Bình: Trồng cây, gieo tiền - Hành trình tinh dầu sả bền vững mang về 2 tỷ đồng mỗi năm

Minh Hà
Cách nghĩ và cách làm của bà Nguyễn Thị Bình đã góp phần đưa HTX nông nghiệp bản Dao tiếp cận thêm nhiều hướng đi mới trong hoạt động sản xuất, phát triển mô hình trồng và chế biến tinh dầu sả theo chuỗi giá trị, giúp tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho các thành viên là đồng bào người dân tộc thiểu số. 

HTX Nông nghiệp bản Dao (xã Thống Nhất, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) được thành lập vào năm 2005 với 20 thành viên. Khi mới bắt đầu mỗi thành viên chỉ cần đóng góp 300 nghìn đồng làm vốn. Tham gia vào HTX, các thành viên sẽ được sử dụng nhiều dịch vụ ưu đãi, phù hợp để phát triển sản xuất kinh tế. Đối với những hộ gia đình khó khăn tại nơi đây thì HTX được xem là điểm tựa để họ dựa vào, cùng nhau vươn lên xóa đói, giảm nghèo ngay tại quê hương.

Giải cứu cho cây sả địa phương, cứu nguy cho bà con xã viên

Thời điểm năm 2015, TP Hòa Bình có phong trào trồng sả với khoảng 200ha và xã Thống Nhất là địa phương phát triển việc trồng sả khá mạnh. Khi đó, các thành viên trong HTX đã hưởng ứng phong trào này rủ nhau trồng sả. Theo đó, nếu giá bán đạt 12.000-14.000 đồng/kg không đổi thì sẽ giúp các gia đình ở đây có được thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, cái giá cao chót vót đó chỉ kéo dài được vài năm. Đến 2017-2018 giá sả tụt dốc không phanh chỉ đạt khoảng 2.000 đồng/kg, cũng có lúc không bán được hàng.

Giống như bao người trồng sả khác, các thành viên HTX Nông nghiệp bản Dao vô cùng hoang mang, mất tiền tin vào thị trường, nhiều người muốn bỏ cuộc.

Khi đó Ban quản trị HTX đã phải đau đầu tính toán phương án giải quyết bài toán làm cách nào để tiêu thụ hết hàng ngàn tấn sả này. Lúc đó, bà Nguyễn Thị Bình đã ngày đêm trăn trở, bà đi nhiều nơi để tìm hiểu mô hình phát triển cây sả ở các địa phương khác, tìm hiểu phương thức vận hành của họ.

htx-nong-nghiep-ban-dao-1-1718764001.png
Bà Nguyễn Thị Bình, Giám đốc HTX Nông nghiệp bản Dao

Cuối cùng bà cũng tìm được đường đi cho HTX, chỉ còn một cách duy nhất đó là tìm cách biến sả tươi thành một loại hàng hóa khác thông qua chế biến để có thể bảo quản lâu dài với nhiều công dụng.

Khi đó, bà đã đến thị trấn Xuân Mai (Hà Nội) và huyện Lạc Thủy, Yên Thủy (Hòa Bình) để tìm hiểu hệ thống sản xuất tinh dầu sả của các địa phương này. Tính toán cẩn thận rồi bà Bình quyết định thuê cơ sở chiết xuất tinh dầu để sản xuất tinh dầu sả từ cây sả địa phương. Sau khi trừ đi mọi chi phí thì lợi nhuận không đáng là bao, nhưng thay vào đó thì hàng tồn đọng đều được giải quyết hết, đây cũng coi là một giải pháp tạm thời.

Trong hơn 1 năm trời bà Bình luôn tự mình đi theo xe sả đến nơi chiết suất, bà cũng nhận ra việc này cứ tiếp tục thì sẽ không ổn. Bà cũng nói suy nghĩ này của mình cho Chủ tịch Hội phụ nữ.

Để tìm ra hướng đi bền vững và hiệu quả cho cây sả của địa phương, bà Bình đã thiết kế ý tưởng "trồng và chế biến tinh dầu sả theo chuỗi giá trị nhằm cung cấp các sản phẩm an toàn cho người dùng và thân thiện với môi trường".

Ý tưởng này của bà cũng đoạt giải trong cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo "Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh" và nhận được 150 triệu đồng từ Trung ương hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, được triển khai và chỉ đạo trực tiếp bởi Hội phụ nữ các cấp tỉnh Hòa Bình.

Có được bước đầu thành công thì đến năm 2019-2020 bà Bình đã bắt tay vào xây dựng xưởng chiết xuất tinh dầu sả, đầu tư vào các khâu từ bón phân đến kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, in ấn bao bì sản phẩm...

Khi các thương lái thấy HTX có dây chuyền sản xuất tinh dầu sả thì lập tức tăng giá thu mua nguyên liệu thô, chính vì thế giá sả của các hộ xã viên cũng được tăng lên.

Năm 2020, sản phẩm tinh dầu sả của HTX Nông nghiệp bản Dao đã đạt giải "Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh".

Năm 2021, HTX đã đầu tư thêm vốn để nâng cấp dây chuyền, sản xuất mạnh hơn, cho ra đời những sản phẩm chất lượng hơn. Nhờ đó mà sản phẩm tinh dầu sả của HTX đã được cấp chứng nhận OCOP 3 sao.

Năm 2022, sản phẩm của HTX được tham gia cuộc thi "Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các tỉnh phía Bắc".

Sản phẩm tinh dầu sả của HTX cũng đang được tỉnh tiếp tục xem xét, nâng cấp lên OCOP 4 sao. Nếu tinh dầu sả được cấp chứng nhận OCOP 4 sao thì đây chính là điều kiện cần để HTX có cơ hội xuất khẩu cả củ sả và tinh dầu sả ra nước ngoài.

Trung bình mỗi ngày HTX sản xuất 1,5-1,6 tấn sả nguyên liệu, chiết xuất được khoảng 2,5-3 lít tinh dầu thành phẩm. Với giá bán từ 2,2-2,5 triệu đồng/lít thì mỗi tháng HTX có doanh thu gần 200 triệu đồng.

Việc sản xuất tinh dầu sả đã đóng góp không nhỏ cho việc tận dụng được nguồn củ sả tươi không bán được, lá vỏ và rễ cũng được tận thu để nấu tinh dầu. Sau khi chiết xuất thì bả của sả sẽ được ủ thành phân hữu cơ khoảng ủ rải để chống mối mọt cây trồng. Việc tận dụng phế phẩm của nghề sản xuất tinh dầu cũng giúp HTX tiết kiệm được vài triệu đồng mỗi tháng.

htx-nong-nghiep-ban-dao-4-1718764000.jpg
Các sản phẩm tinh dầu sả của HTX Nông nghiệp bản Dao

Gặt hái thành công nhờ tư duy

Đối với giám đốc HTX, các phương tiện truyền thông mạng xã hội như Zalo, Facebook, TikTok... chẳng thứ thì mà bà không thành thạo. Là người luôn học hỏi, sáng tạo, chăm chỉ cập nhật tin tức khiến bà luôn bắt kịp xu hướng, dẫn dắt HTX ngày càng gặt hái được nhiều thành công.

"Để hỗ trợ được các thành viên làm sản phẩm tốt thì HTX luôn đón nhận sự hỗ trợ từ các sở ngành của tỉnh, thành phố, mở nhiều lớp tập huấn cho bà con. HTX cũng động viên và khuyến khích bà con tiếp cận nhiều kiến thức mới để vận dụng vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để từ đó có được thu nhập ổn định", bà Bình chia sẻ.

htx-nong-nghiep-ban-dao-2-1718764001.png
HTX Nông nghiệp bản Dao đưa sản phẩm của mình tham gia nhiều chương trình để giới thiệu đến nhiều người hơn

Hàng năm, HTX cũng đầu tư cung cấp cho bà con các loại phân bón, cây giống, thuốc bảo vệ thực vật, sau khi thu hoạch thì bà con mới cần phải trả vốn vay về HTX.

Chính vì thế mà các thành viên trong HTX luôn yên tâm lao động và sản xuất, nhờ đó mà nhiều hộ đã thoát nghèo, giúp cuộc sống ổn định hơn. Hơn nữa, nhờ có HTX bao tiêu đầu ra mà người dân không phải lo cảnh bị ép giá. Từ khi tham gia HTX nhiều hộ gia đình đã có cuộc sống tiện nghi, ổn định hơn, có vốn dư dả để tiếp tục mở rộng làm ăn.

HTX Nông nghiệp bản Dao đã bước từng bước vững chắc vào thương trường, ngày càng khẳng định thương hiệu của mình, đưa đến tay khách hàng những sản phẩm chất lượng tốt nhất của mình nói riêng và của Hòa Bình nói chung.

Bà Bình chia sẻ, HTX vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng tinh dầu sả. Đồng thời HTX cũng không ngừng nghiên cứu thị trường, tìm hướng đi tốt hơn để hỗ trợ các thành viên nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến đạt chứng nhận mã vùng trồng trong năm 2024.

Giúp bà con nông dân tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp ngoài cây sả

Bên cạnh việc tiếp tục phát triển mảng sản xuất tinh dầu sả thì HTX còn giúp các xã viên tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp khác điển hình là măng. HTX có 12 ha đất đồi trồng măng để chống xói mòn, mỗi năm sản xuất được 350-400 tấn măng. Hiện tại, 1kg có giá 75.000-80.000 đồng, được HTX bao tiêu, giúp bà con có thu nhập ổn định và ngày càng cải thiện.

Hầu hết các sản phẩm do bà con xã viên sản xuất như măng, rau, tinh dầu, mật ong đều có tem truy xuất nguồn gốc, được phân phối đi nhiều tỉnh miền Bắc. HTX cũng có chủ tưởng mở rộng tiêu thụ cho những mặt hàng nông sản này, hướng đi xa hơn sẽ tiến tới xuất khẩu.

Năm 2020, HTX đã xuất khẩu sản phẩm củ sả khô sang thị trường Nhật Bản, điều này đã giúp khẳng định giá trị của cây sả Hòa Bình. Thời điểm đó, mỗi cân sả xuất khẩu được bán với giá 12.000 đồng/kg cao hơn bán trong nước hay nấu tinh dầu khoảng 4.000 đồng/kg.

htx-nong-nghiep-ban-dao-3-1718764240.jpg
Mỗi ngày HTX chiết xuất được 1,5-1,6 tấn sả nguyên liệu cho ra 2,5-3 lít tinh dầu sả thành phẩm

Ngoài việc hỗ trợ bà con mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có nhiều thế mạnh như sả, măng, mật ong thì HTX còn giúp bà con bao tiêu nhiều sản phẩm khác như các loại mía, sắn, ngô.

Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của Giám đốc HTX, Ban quản trị và các xã viên mà HTX Nông nghiệp bản Dao đạt doanh thu bình quân 1,8-2 tỷ đồng/năm, trừ đi chi phí thì thu lợi khoảng 250-300 triệu đồng, các thành viên có thu nhập đạt 5-7 triệu đồng/tháng, giúp tạo công ăn việc làm cho nhiều bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Theo VnBusiness