Hành trình khởi nghiệp bền vững của cặp đôi sáng lập An Nông Farm: "Muốn làm nông thì không thể mộng mơ"

Minh Hà
Hành trình khởi nghiệp làm nông nghiệp tử tế của cặp vợ chồng chủ trang trại An Nông Farm

Bán hết nhà cửa để về vườn

Sau gần 8 năm thực hiện quyết định mà mọi người coi là điên rồ ấy thì giờ đây những cánh đồng đắt cằn giờ đã là trang trại xanh mướt với đủ loại rau, củ đạt tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất mà không đủ đáp ứng nhu cầu.

Vợ chồng anh Lê Đình Quả và chị Lê Thị Thanh Thủy quê ở xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Trước khi bỏ phố về quê họ từng là nghiên cứu viên làm việc tại Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ (Tp. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).

hanh-trinh-lam-nong-nghiep-tu-te-2-1722962271.jpg
Vợ chồng nghiên cứu viên đã bỏ phố về quê khởi nghiệp làm nông nghiệp 'tử tế'

Anh quả chia sẻ, khi anh có quyết định này nhiều người đã rất tò mò. Nhưng theo anh mọi chuyện đều có lý do chứ không phải tự nhiên. Sau gần 10 năm làm những việc liên quan đến nghiên cứu, phải đi nhiều nơi, gặp nhiều người, anh và vợ đã phần nào ám ảnh với nền nông nghiệp lạm dụng hóa chất.

Làm việc trong viện nghiên cứu, hai vợ chồng anh đã nhận thức rõ thực trạng sản xuất rau, củ, quả mà dùng nhiều chất kích thích tăng trưởng, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, phân bón hóa học hoặc trồng giống biến đổi gen. Chính những điều này đã khiến cho thực phẩm có nhiều hóa chất, đất đai thì bạc màu và ô nhiễm môi trường.

Chính vì nhận thức được hiện thực đó, vợ chồng anh đã quyết định phải bắt tay vào làm gì đó. Nhưng cần phải làm gì, cần làm như thế nào thì vợ chồng anh phải dành nhiều năm để tìm tòi câu trả lời.

Thế là đến năm 2016 thì vợ chồng anh quyết định đã bán căn nhà ở Quy Nhơn để về quê hương rồi dấn thân vào làm nông nghiệp sạch, bắt đầu bước vào một con đường đầy gian khó.

Sau khi bán nhà, vợ chồng anh gom góp được 600 triệu đồng, khi đó vợ chồng anh chỉ đủ mua được một mảnh đất rộng 3ha. Còn lại mọi chi phí khác đều phải đi vay mượn. Khó khăn về tiền chưa qua thì gặp phải những khó khăn khi sản xuất nông nghiệp.

Muốn làm nông thì không thể mộng mơ

Chị Thủy chia sẻ, lúc mới nhận khu vườn này thì hai vợ chồng chị không biết bắt đầu từ đâu. Rồi sau đó, vợ chồng anh cuốc từng cuốc đất, gieo từng hạt giống. Thế nhưng, thổ nhưỡng không thích hợp, thời tiết địa phương khắc nghiệt khiến cho cây trồng sinh trưởng và phát triển kém.

"Đất toàn sỏi đá, chúng tôi phải cày lên rồi nhặt từng viên một và cải tạo lại. Sau đất đai thì đến thời tiết, khí hậu vô cùng khó chịu. Hơn nữa gió làm nóng khủng khiếp khiến cho các loại rau, củ gần như không sống nổi", chị Thủy kể lại ngày đó.

Vợ chồng chị đã mất 3 năm để giải quyết những vấn đề liên quan đến thổ nhưỡng và khí hậu khắc nghiệt, không thu về được một đồng. Hai người đã cùng nhau xây dựng vành đai chắn gió bằng cách trồng hàng loạt cây lâm sản dài ngày để che chắn gió cho những cây ngắn ngày trong khu đất.

Ngoài ra, anh chị cũng bắt tay vào nghiên cứu loại cây có thể sống được ở môi trường khắc nghiệt này mà không phải phụ thuộc vào hóa chất. Anh Quả chia sẻ "làm nông không có chỗ cho mộng mơ", người làm nông cần phải có sự kiên trì, nếu không có trong mình một quyết tâm lớn thì không thể làm được.

hanh-trinh-lam-nong-nghiep-tu-te-1-1722962271.jpg
Muốn làm nông nghiệp cần phải có kiên trì, quyết tâm chứ không thể mơ mộng

Sau một quãng thời gian không hề ngắn để tìm lời giải cho bài toán khó, giờ đây trên trang trại rộng 3ha của anh chị đã hình thành những khu sản xuất hữu cơ và bắt đầu cho thu hoạch. Thế nhưng, một vấn đề mới chính là phải tìm đầu thị trường cho sản phẩm.

Anh Quả chia sẻ, những ngày đầu có khi anh phải chạy hơn 10 cây số chỉ để giao một bó rau cho khách, giá bán rau cũng không đủ để bù vào tiền xăng chứ nói gì đến tiền công. Thế nhưng, để có được những vị khách "ruột" thì phải đánh đổi.

"Khách đặt hàng nghĩ là họ đã đặt niềm tin vào mình, chính vì vậy dù đơn hàng nhỏ thì chúng tôi vẫn cố gắng giao hàng nhanh nhất với chất lượng cao nhất. Từng bước xây dựng nền móng cho thương hiệu", anh Quả nói.

Chìa khóa mang đến thành công

Vượt qua quãng thời gian khó khăn, nỗ lực không biết mệt mỏi, không ngừng sáng tạo mà giờ đây trang trại An Nông Farm của vợ chồng anh chị đã gặt hái được nhiều thành công. Ngày càng có nhiều đơn đặt hàng đến với trang trại.

Hiện, mỗi tháng An Nông Farm đã bán ra thị trường từ 5 đến 6 tấn nông sản chất lượng cao. 100% nông sản của nông trại được canh tác theo nguyên tắc "5 không": Không thuốc bảo vệ thực vật, không thuốc diệt cỏ, không chất kích thích, không có dư lượng kim loại, không trồng giống biến đổi gen.

Sau 6 năm vợ chồng anh chị vẫn giữ vững nguyên tắc này, hai người cũng dựa theo tự nhiên để gieo trồng, lấy tự nhiên để nuôi tự nhiên mà không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào.

Ông bà chủ nông trại còn đặc biệt ghi chép lại tất cả các khâu trồng, chăm bón cây, các thông số về đất, đặc tính của từng khu vườn nhỏ. Tất cả đều được ghi chép, phân tích rồi đóng thành tệp để lưu trữ.

Dù An Nông Farm nằm ở Quảng Bình là một trong những vùng 'rốn' lũ miền Trung, thế nhưng gặp phải điều kiện thời tiết bất lợi nào thì cây trồng trong trang trại đều cho năng suất cao vượt trội nhờ được chăm bón theo kiến thức nông nghiệp khác biệt.

Ngoài ra, An Nông Farm còn trở thành điểm tham quan của nhiều đoàn khách trong và ngoài địa phương đặc biệt là các đoàn học sinh đến từ các trường học trên địa bàn vì phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Ngoài ra, vợ chồng anh còn định hướng trang trại theo mô hình du lịch sinh thái, thu hút thêm nhiều du khách đến thăm qua, học hỏi.

Theo VnBusiness