Chị Đỗ Thị Nguyên, Giám đốc HTX Chè Phúc Nguyên, Thái Nguyên: Nổi danh với trà thượng hạng Trà Đinh Ngọc 

Minh Hà
Khi đang theo học năm 2 chuyên ngành công nghệ sinh học tại một trường ở TP.HCM, chị Đỗ Thị Nguyên (sinh năm 1995) đã quyết tâm từ bỏ và theo chồng về vùng đất Thái Nguyên để lập nghiệp rồi gắn bó với việc trồng và chế biến chè.

Rời xa chốn thành thị để về quê lập nghiệp

Chị Đỗ Thị Nguyên sinh ra tại Hải Phòng, năm chị 4 tuổi thì bố mẹ đã đưa chị vào TP.HCM sinh sống và học tập tại đây. Chị có đam mê nghiên cứu sinh vật, do đó, sau khi tốt nghiệp THPT thì chị đã lựa chọn theo đuổi ngành Công nghệ sinh học tại trường Đại học Tôn Đức Thắng và mang trong mình hoài bão lớn. Lúc đó, chị chưa từng nghĩ mình sẽ đến sống và lập nghiệp tại một nơi xa xôi như Thái Nguyên.

chi-do-thi-nguyen-giam-doc-htx-che-phuc-nguyen-1-1717012422.jpg
Chị Đỗ Thị Nguyên, Giám đốc HTX Chè Phúc Nguyên

Chị Nguyên chia sẻ, bước ngoặt trong cuộc đời mình chính là năm 2015 khi chị đặt chân đến Thái Nguyên vào năm 2 đại học. Đó là lần đầu tiên chị được thấy những nương chè dài bất tận, những cánh đồng lúa chín vàng thơm ngát, những ngọn núi trùng điệp bao phủ. Tất cả đều hiển hiện ngay trước mắt chị mà không phải qua tivi, máy tính hay báo đài. Tất cả những điều này đã thu hút chị, lúc đó chị đã biết, mình sẽ thuộc về nơi này.

Sau khi trở lại TP.HCM, cô sinh viên trẻ Đỗ Thị Nguyên đã quyết định bỏ học giữa chừng rồi mở cửa hàng để theo đuổi đam mê kinh doanh, buôn bán chè. Thời điểm đó, mọi thứ xung quanh không hề dễ dàng, gia đình, bạn bè và người thân đều phản đối quyết định của chị. Khi đó, chị đã phải tự xoay xở một mình mà không có ai giúp đỡ cả về tài chính và tinh thần.

Lúc bắt tay vào công việc mới, chị chỉ có số vốn vỏn vẹn 20 triệu đồng, đó đều là tiền mà chị đã tiết kiệm được. Khởi nghiệp tại thành phố, do đó tiền thuê nhà để mở cửa hàng khá đắt đỏ mà việc kinh doanh chưa có thị trường khiến chị phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi. Chị mất cả năm trời để tìm kiếm, thế nhưng số lượng kg chè bán ra cực kỳ ít. Đã có những lúc chị cực kỳ chán nản và tuyệt vọng.

Thế nhưng, chị có lòng kiên trì với sự quyết tâm nên đã quyết bám trụ tới cùng. Trong suốt 4 năm, chị phải rong ruổi khắp nơi trên đất Sài Gòn, chị mang những cân chè đi giao bán cho các tạp hóa, có những lúc chị chấp nhận bán lỗ vốn để có được khách hàng thân thuộc. Thế rồi, sau khi dành bao công sức và tâm huyết, dần dần sản phẩm của chị đã được thị trường chấp nhận.

Tuy nhiên, lúc có thị trường rồi thì chị lại gặp khó khăn về vấn đề sản phẩm, vì chất lượng không ổn định do đó khách đã từ chối nhận hàng. Thời điểm đó, khó khăn lại bủa vây khiến chị có suy nghĩ phải tìm hướng đi mới để duy trì đam mê của mình.

Năm 2018, chị Nguyên đã kết hôn và quyết định cùng chồng về Thái Nguyên lập nghiệp. Quyết định này của chị đã khiến gia đình phản đối dữ dội.

Chị Nguyên cho biết, lúc đó, ai cũng kêu chị bị khùng vì đang ở thành phố nhộn nhịp vậy mà quyết định về nơi xa xôi, hẻo lánh như thế. Trong mắt mọi người khi đó, chị như một 'đứa hâm'. Bố chị nói, ngày đó bố mẹ phải rời quê hương để thoát cảnh nghèo, để con cái có cơ hội phát triển ở thành phố vậy mà con cái lại bỏ phố về quê, nơi xa xôi, khó khăn trăm bề. Chị cho biết, bố chị rất thất vọng khiến chịu vừa tủi thân, vừa áp lực.

Mẹ chồng chính là "người thầy" đầu tiên

Khi bắt đầu lại ở một nơi hoàn toàn mới, mọi thứ đều xa lạ đối với chị. Với số vốn nhỏ không khác gì hai bàn tay trắng, chị Nguyên đã bắt đầu khởi nghiệp với cây chè.

Chị Nguyên cho biết, chị bắt đầu học từ những điều nhỏ nhất. Đối với chị, mẹ chính là 'người thầy' đầu tiên. Mẹ đã dạy chị cách ốp chè, vò chè, sao chè cho đến khi có được thành quả cuối cùng. Mọi thứ đối với chị đều không hề dễ dàng. Chị cho biết, đến bây giờ chị vẫn nhớ đến mẻ chè đầu tiên mà mình rang, vừa cháy khét vừa đầy lửa, không thấy mùi chè mà chỉ thấy toàn mùi cháy. Chị đã phải bỏ đi không ít mẻ, cứ rang hỏng rồi lại rang tiếp.

chi-do-thi-nguyen-giam-doc-htx-che-phuc-nguyen-2-1717012422.jpg
Thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn nhưng chị đã thành công học hỏi được cách làm chè

Khó khăn trăm bề khiến chị khóc rất nhiều. Chị gục ngã không ít lần và tưởng chừng sẽ bỏ cuộc. Thế nhưng, nhận được sự động viên của chồng và niềm đam mê luôn có bên trong mình mà chị quyết định tiếp tục học hỏi, tiếp thu dần từng công đoạn để có thể chế biến được chè tốt như hiện nay.

Sau khi làm được sản phẩm như mình mong muốn thì chị lại gặp phải khó khăn. Từ việc tìm đầu ra cho sản phẩm, vùng nguyên liệu không tập trung, bà con xã viên chưa có cách chăm sóc chè theo cùng một quy định, dẫn đến chất lượng sản phẩm làm ra không ổn định.

Chính những trăn trở đó đã khiến cho chị quyết định kết nối với các thành viên trong vùng, những người có cùng chí hướng để thành lập HTX chè Phúc Nguyên tại xã Văn Yên, huyện Đại Từ với 11 thành viên vào năm 2022.

Khi mới thành lập, tổng diện tích của vùng nguyên liệu sản xuất chè của HTX khá nhỏ, chỉ khoảng 5ha. Sau đó, HTX đã mở rộng vùng nguyên liệu của mình, giờ đây đã có 61 hộ xã viên với tổng diện tích vùng nguyên liệu là 14ha, toàn bộ đều được sản xuất theo quy trình VietGAP. Chị Nguyên dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng diện tích vùng nguyên liệu lớn hơn nữa trong tương lai.

Sau khi đảm bảo được vùng nguyên liệu thì chị chuyển sang chú trọng đến quy trình để chế biến sao cho ra được những sản phẩm chè ngon nhất. Chị Nguyên cho biết, nguyên liệu quyết định 50% chất lượng sản phẩm, còn lại đều phụ thuộc vào kỹ thuật chế biến của bà con xã viên. Để có được kết quả tốt nhất thì cần phải có sự tỉ mỉ của người làm chè trong từng công đoạn.

Cụ thể, khi thu hái chè cần phải lựa chọn thời điểm thích hợp. Phải đảm bảo đúng kỹ thuật để giữ được sự nguyên vẹn của búp và lá chè. Khi thu hái chè xong thì chè tươi sẽ được tập kết hết về HTX để chuẩn bị cho các quá trình chế biến tiếp theo.

Ước mơ đưa thương hiệu chè Phúc Nguyên vươn xa

Hiện nay, HTX Chè Phúc Nguyên có tổng cộng 9 sản phẩm với 3 dòng trà cơ bản là dòng trà bình dân có mức giá 200.000-400.000 đồng/kg; dòng trà đặc sản như trà Long Vân, trà Nõn Tôm có giá từ 600.000-800.000 đồng/kg.

Trong đó, có dòng trà Thượng hạng như Trà Đinh Ngọc có giá cao 1.500.000-2.500.000 đồng/kg. Sản phẩm này chủ yếu được khách hàng sử dụng làm quà tặng. Nhờ sự đa dạng về các dòng sản phẩm mà khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn được những sản phẩm phù hợp với điều kiện của mình.

chi-do-thi-nguyen-giam-doc-htx-che-phuc-nguyen-3-1717012422.jpg
Chè Phúc Nguyên có rất nhiều mặt hàng phù hợp với từng phân khúc khách hàng

Năm 2022, HTX Chè Phúc Nguyên đã có nhà phân phối đầu tiên tại TP.HCM, đến năm 2023 thì có thêm nhà phân phối thứ 2 ở Hải Dương. Các nhà phân phối đều có cửa hàng để trưng bày và bán hàng, giúp khách hàng có thể dễ dàng đến và lựa chọn sản phẩm mà mình ưng ý. HTX cũng mở rộng hệ thống đại lý ra khắp các tỉnh như Hải Phòng, Thái Bình, Cần Thơ, Cà Mau...

Ngoài việc bán hàng theo phương thức truyền thống thì HTX còn bán hàng trên các sàn thương mại điện tử để có thể dễ dàng tiếp cận với nhiều khách hàng hơn nữa.

Giờ đây, HTX đang tạo công ăn, việc làm cho 5 lao động địa phương làm việc thường xuyên và 6 lao động bán thời gian tại xưởng sản xuất, thu nhập trung bình vào khoảng 7,5-12 triệu đồng/người/tháng tùy theo tay nghề và thời vụ.

chi-do-thi-nguyen-giam-doc-htx-che-phuc-nguyen-4-1717012422.jpg
HTX Chè Phúc Nguyên còn giúp tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương

Chị Nguyên chia sẻ, chị mong rằng trong thời gian tới sẽ mở rộng quy mô sản xuất với công suất khoảng 1 tấn chè tươi/ngày để có thể bao tiêu toàn bộ sản phẩm của bà con nông dân tại dây.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Văn Yên, ông Vũ Văn Thư khẳng định: Chị Đỗ Thị Nguyên là hội viên nông dân thuộc Chi hội nông dân xóm Dưới 3, chị là một người trẻ có năng lực và trình độ. Từ khi hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến chè, chị nguyên đã tạo ra sức ảnh hưởng và lan tỏa mạnh đến cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn xã Văn Yên.

Ông cũng cho biết thêm, chị Nguyên cũng là người thường xuyên tham gia tích cực vào các công việc của hội, có trách nhiệm, được bán bộ và hội viên nông dân trong xã tin tưởng.

Theo Dân Việt