Anh Nguyễn Thanh Hoàng rời khỏi quê hương lên phố theo học chuyên ngành kỹ sư điện, sau khi ra trường anh đã được nhận vào làm trong một công ty ở TP.HCM.
Hai năm sau đó, anh đã gắn bó trong môi trường công sở, tuy nhiên đại dịch Covid-19 xảy ra, từ đợt bùng phát đầu tiên anh đã quyết định trở về quê nhà để tránh dịch, sau đó đã rẽ hướng sang nghề nuôi cá cảnh.
Anh Hoàng cho biết, thời điểm cuối năm 2019 anh đã bắt đầu nuôi cá cảnh để giải trí. Khi đó, anh đã nuôi 5 cặp cá trong thùng xốp.
Trong lúc nuôi thì đàn cá của anh sinh sản nhiều, sau đó anh đã đăng bài lên mạng xã hội và được nhiều người liên hệ hỏi mua. Lúc đó, anh Hoàng cũng nhận thấy thị trường cá kiểng có nhiều tiềm năng nên đã quyết định khởi nghiệp từ nghề này.
Thời điểm đó, thị trường ưa chuộng các dòng cá nước ngọt như cá bảy màu, lia thia... Anh đã nuôi chúng trong 30 thùng xốp, cá của anh được thị trường yêu thích do đó anh đã quyết định mở rộng trang trại. Chỉ trong vòng 2 năm, từ trang trại cá nhỏ chưa đến 100m2 mà anh đã nâng cấp thành trang trại rộng 1.500m2 với hơn 100 bể xi măng để nuôi cá.
"Trong 2 năm trở lại đây, thị trường cá cảnh có nguồn gốc nước ngọt đang dần bão hòa nên tôi lấn sang nuôi thêm các sinh vật biển như tôm, cá, san hô... để mở rộng đầu ra sản phẩm. Nhờ vậy mà 2 trại cá nước mặn, nước ngọt giúp tôi kiếm được khoảng 30 triệu đồng/tháng", anh Hoàng tiết lộ.
Anh Hoàng cho biết, đối với mô hình nuôi cá nước mặn thì anh phải dành nhiều công sức để thử nghiệm môi trường nuôi cá từ nguồn nước, nhiệt độ, ánh sáng. Quan trọng nhất là chuẩn bị được nguồn nước sao cho giống nước biển ngoài tự nhiên nhất. Anh đã tham khảo các thông tin, tài liệu trên mạng, trên các hội nhóm nuôi cá... Để có được thành quả như hiện tại anh đã phải nếm trải không ít thất bại.
Anh Hoàng tiết lộ, hiện anh đang nuôi khoảng 30 loại cá nước mặn các loại như cá Hề, Cánh Bướm, cá Bắp Nẻ Xanh... bên cạnh đó anh còn nuôi một số sinh vật biển khác như tôm bác sĩ, bạch tuộc... và nhiều loại san hô, hải quỳ...
"Sinh vật biển đang nuôi trong trang trại hầu hết đều được nhập từ vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa, đều nằm trong nhóm được phép khai thác. Còn nước biển thì tôi mua loại nước biển tự nhiên lấy từ ngoài khơi và còn pha cả nước biển nhân tạo", anh Hoàng nói.
Về chi phí mua cá biển cảnh, anh Hoàng tiết lộ chúng có giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng/loài đối với giống cá trong nước, cá ngoại thì có thể lên đến vài triệu đồng. Tuy nhiên, việc tốn kém nhất khi nuôi cá cảnh biển chính là máy móc và thiết bị để duy trì sự sống cho chúng.
"Một bể cá biển cảnh đơn thuần cần phải có đèn chiếu sáng, máy lạnh, hệ thống lọc nước biển... Người chơi muốn sở hữu và duy trì một bể cá tiêu chuẩn cần phải bỏ ra số tiền khoảng 10 triệu đồng, thậm chí nhiều hơn thế. Chính vì vậy, khách hàng mua cá, san hô không nhiều bằng cá cảnh nước ngọt nhưng hầu hết họ đều là những người có điều kiện", anh Hoàng chia sẻ.
Sau 4 năm khởi nghiệp làm trang trại nuôi cá cảnh, anh Hoàng từ một nhân viên văn phòng có mức lương tháng hơn chục triệu đồng, giờ đây anh đã có mức thu nhập cao gấp 3 lần.
Mỗi tháng, trang trại nuôi cá cảnh của anh Hoàng cung cấp ra thị trường miền Nam khoảng 10.000 con cá cảnh nước ngọt, gần 1.000 con cá biển. Anh cho biết, sắp tới anh sẽ cải tạo các bể xi măng nuôi cá cảnh nước ngọt để mở rộng quy mô, số lượng cho mô hình sinh vật biển.
Là người từng trải qua không ít thất bại, anh Hoàng cho biết đã không ít lần anh muốn bỏ cuộc vì không nuôi được cá biển nhưng cuối cùng anh vẫn không từ bỏ. Nhờ có sự kiên trì bền bỉ mà giờ đây trang trại của anh được nhiều người biết đến và ủng hộ, giúp cho kinh tế của anh ngày càng ổn định hơn.
Theo Dân trí