9x Bùi Minh Thắng khởi nghiệp thành công với mô hình trồng nấm ngay trong thành phố, thu nhập khoảng 300 triệu đồng/tháng

Minh Hà
Khi mới quyết định khởi nghiệp với mô hình trồng nấm, anh Bùi Minh Thắng đã gặp phải không ít khó khăn, thế nhưng với quyết tâm và sự nỗ lực thì anh Thắng đã thành công trong việc trồng nấm với thu nhập khoảng 300 triệu đồng/tháng.

Vay vốn để khởi nghiệp trồng nấm

Cơ sở trồng nấm của anh Minh Thắng nằm tại ấp 5, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM. Vào năm 2017, anh Thắng đã quyết tâm khởi nghiệp khi vay vốn 700 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Thanh niên TP.HCM. Khi đó, anh cũng quyết định gom hết tất cả sổ đất, nhà ở để đi vay thêm tiền. Khi trong tay có tiền thì anh đã quyết định tăng diện tích ruộng từ 700m2 lên 2.000m2, sau đó đầu tư vào mua máy móc, trang thiết bị để có thể cải thiện quy trình trồng nấm.

bui-minh-thang-thanh-cong-nho-khoi-nghiep-trong-nam-1714321555.jpg
Trang trại nấm của anh Bùi Minh Thắng thường xuyên có các học sinh, sinh viên về tham quan và học hỏi

Anh Thắng nhận thấy việc mua lại meo giống trồng nấm từ đơn vị khác thường chứa nhiều rủi do, dễ gây bệnh, không phù hợp với điều kiện trang trại trồng nấm, dẫn đến năng suất trồng nấm không cao. Chính vì thế, anh đã tự mình đi khảo sát thực tế ở nhiều trại nấm để tìm hiểu và nghiên cứu cách nuôi cấy meo giống.

Thế nhưng thành công cũng chưa đến ngay, mẻ nấm đầu tiên với hơn 5.000 phôi đã bị hỏng. Khi đó, anh gần như sụp đổ bởi biết bao công sức, tiền bạc đã dồn hết vào đây. Nhờ sự động viên của gia đình, anh đã tiếp tục nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân thất bại và tiếp tục theo đuổi giấc mơ phát triển nghề trồng nấm. Cuối cùng, những phôi nấm tiếp theo của dây chuyền làm nấm đã cho ra những sản phẩm nấm chất lượng với sản lượng ngày càng gia tăng.

"Sống khỏe" nhờ nghề trồng nấm

Anh Thắng chia sẻ, mỗi giống nấm đều có kỹ thuật trồng riêng, chăm sóc bằng phương pháp khác nhau. Để có được sản lượng nấm cao cần phải có cách ủ nguyên liệu tiêu chuẩn, nguyên liệu phải được lựa chọn kỹ càng. Bên cạnh đó, khi trồng nấm anh cũng luôn sử dụng nguồn nước tưới sạch, vệ sinh nhà xưởng trồng nấm định kỳ.

Anh Thắng cho biết, từ khi bắt đầu trồng nấm, anh đã gặp nhiều thất bại nhưng là một người có tinh thần học hỏi, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nên giờ đây anh đã "sống khỏe" nhờ nghề trồng nấm. Bên cạnh đó, anh còn giúp cho 6 lao động địa phương có được công việc ổn định. Từ đầu năm 2017 đến nay, nhờ cách làm bài bản, đầu tư khoa học công nghệ mà mô hình trồng nấm của anh đã ngày càng ổn định giúp anh có thu nhập khoảng 300 triệu đồng mỗi/tháng.

Trang trại nấm của anh Thắng ngày càng phát triển, giờ đây đã lên đến quy mô 6.000m2. Trong đó 3.000m2 trồng nấm bào ngư, mỗi ngày bán ra khoảng 100kg với giá bán 40.000 đồng/kg. Phần diện tích còn lại thì anh dùng để làm kho sản xuất phôi nấm. Cơ sở của anh hiện đang có khoảng 10 loại giống nấm. Mỗi ngày trang trại nấm cho ra lò 3.000 túi phôi, mỗi tháng xuất ra thị trường 70.000-80.000 túi phôi, thời điểm cao nhất có thể bán 100.000-120.000 túi phôi, giá bán khoảng 5.000 đồng/túi phôi.

Đưa nấm ra giúp người dân trên đảo

Trang trại trồng nấm của anh Thắng thường xuyên có các đoàn học sinh, sinh viên đến tham quan và trải nghiệm chương trình "Một ngày làm nông dân". Đến với với trang trại nấm của anh Thắng, họ sẽ được thực tập tìm hiểu quy trình làm nấm một cách kỹ càng. Bên cạnh đó, anh còn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn thể, các phong trào của địa phương. Hiện anh Thắng đang giữ chức Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Hòa Phú, H. Củ Chi.

Năm 2018, anh Thắng đã tham gia vào chuyến đi thăm đảo Thổ Châu, Kiên Giang cùng với lãnh đạo TP.HCM. Khi đó, anh đã tận mắt nhìn thấy sự thiếu thốn, khó khăn trong việc trồng rau xanh trên đảo. Anh đã đề xuất ý tưởng trồng nấm trên đảo để có thể giúp người dân, chiến sĩ cải thiện được bữa ăn. Sau chuyến đi đó, anh đã kế hợp với Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ Trẻ (Thành đoàn TP.HCM) để có thể thực hiện được ý tưởng đưa nấm ra đảo đó.

Sau đó, những phôi nấm đầu tiên đã được gửi ra đảo Thổ Châu. Anh còn tự quay rồi gửi video hướng dẫn cách trồng, chăm sóc nấm cho người dân và chiến sĩ trên đảo. Những phôi nấm mà anh gửi ra đảo đã sinh trưởng tốt và liên tục cung cấp nấm cho bà con, chiến sĩ trong xã đảo.

Hoạt động đó gặt hái được thành công do đó anh đã thực hiện thêm ở xã đảo Thạnh An, H. Cần Cần, TP.HCM. Năm 2023, khi đoàn công tác của TP.HCM đi thăm quần đảo Trường Sa, anh Thắng đã gửi theo những phôi nấm để tặng cho người dân, chiến sĩ trên đảo.

Bí thư Huyện đoàn Củ Chi, TP.HCM, anh Trần Tấn Thành nhận xét: "Anh Bùi Minh Thắng là thanh niên làm kinh tế tiêu biểu của địa phương. Anh Thắng là người tích cực trong các hoạt động Đoàn-Hội tại địa phương và là thành viên của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Củ Chi. Anh Thắng luôn sẵn sàng trong việc chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm cho các thanh niên có nhu cầu tìm hiểu, học hỏi mô hình. Trang trại nấm của anh Thắng cũng là nơi nhiều bạn trẻ đoàn viên, thanh niên trong và ngoài huyện đến để tham quan, học tập khởi nghiệp".

Nhờ thành công từ mô hình trồng phôi nấm mà anh Thắng đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng như Giải thưởng Lương Định Của của T.Ư Đoàn năm 2017, Top 20 Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2017, 1 trong 10 công dân tiêu biểu của TP.HCM năm 2019.

Theo Thanh niên