Người trẻ khởi nghiệp từ sản vật quê hương gặt hái thành công nhờ quảng bá rộng rãi trên mạng xã hội 

Minh Hà
Với mong muốn quảng bá nông sản quê hương, đưa các sản phẩm của người dân quê mình đến với nhiều người, các bạn trẻ đã bắt tay vào khởi nghiệp và gặt hái được thành công nhờ kinh doanh trên các trang mạng xã hội. 

Anh Khúc Thành Tú (SN.1999, quê ở Mộc Châu, Sơn La) là một người trẻ luôn có mong muốn đưa các sản phẩm nông sản chất lượng của quê hương đến với những người tiêu dùng ở khắp nơi trên cả nước. Sinh ra và lớn lên ở Mộc Châu, Sơn La, luôn mang trong mình tình yêu với các sản vật quê hương nên anh đã quyết định khởi nghiệp bằng công việc livestream bán những sản phẩm này trên mạng xã hội. Anh đã lập ra kênh Tik Tok “Tú Nông sản” làm nơi giới thiệu sản vật của Mộc Châu.

Thành Tú sinh ra trong một gia đình thuần nông nên anh hiểu được những khó khăn của người nông dân. Người dân địa phương làm ra được các sản phẩm chất lượng nhưng điều kiện buôn bán khó khăn, hàng hóa ế ẩm, được mùa mất giá, mất mùa thì được giá. Vì hiểu được hoàn cảnh đó nên chàng trai trẻ này luôn ấp ủ ước mơ giúp bà con quê nhà có được đầu ra ổn định, giúp nông sản của Mộc Châu được nhiều người biết đến hơn nữa.

“Em thấy rằng, có nhiều món ăn ở Mộc Châu tưởng chừng như rất bình dị nhưng đến các tỉnh thành khác thì lại rất xa lạ, hiếm gặp. Chính vì thế, em đã quyết định đánh liều bắt tay vào khởi nghiệp dù không có một xu nào. Em mong muốn góp sức giúp đưa sản vật quê hương mình đến tay người tiêu dùng ở khắp nơi trên cả nước để mọi người được trải nghiệm nông sản chuẩn Mộc Châu quê mình”, Thành Tú chia sẻ.

nguoi-tre-khoi-nghiep-tu-san-vat-que-huong-1-1696347411.jpg
Thành Tú livestream bán sản phẩm ớt ngọt Palermo của Mộc Châu
nguoi-tre-khoi-nghiep-tu-san-vat-que-huong-2-1696347411.jpg
Tú đã phải thuê thêm nhân công để phụ giúp việc bán hàng

Tuy nhiên, quá trình khởi nghiệp không hề dễ dàng. Lúc chưa có kinh nghiệm kinh doanh, Tú thường xuyên bị thương lái ép giá khi vào cuối vụ, không ít lần phải chịu thua lỗ. Thế nhưng Tú chưa từng bỏ cuộc nhờ có sự ủng hộ, động viên và khen thưởng của khách hàng dành cho sản phẩm của mình. Đây chính là nguồn động lực lớn để Tú tiếp tục vững vàng trên con đường khởi nghiệp của mình. Dù không theo học một lớp đào tạo livestream chuyên nghiệp nào nhưng nhờ các nói chuyện duyên dáng, hiểu được tâm lý của khách hàng mà video về nông sản của Tú trên kênh TikTok “Tú Nông Sản” đã thu hút được một lượng lớn người xem.

Cho đến thời điểm này, kênh của Tú đã bán được rất nhiều sản phẩm của Mộc Châu như măng khô, mận xô, ớt Palermo, lê tai nung…

Đối với tú, sản phẩm mà mình bán ra đều đi kèm với sức khỏe người tiêu dùng. Chính vì thế, mỗi sản phẩm bán trên kênh của mình đều được Tú lựa chọn hết sức kỹ càng. Tú cẩn trọng trong việc chọn nhà vườn, lựa chọn những giống tốt để mang đến cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất. Khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng gặp phải vấn đề gì thì Tú sẵn sàng hoàn tiền lại cho khách hàng cho dù bị lỗ.
Tú nói: “Tiền mất đi thì có thể kiếm lại nhưng sự tin tưởng mà khách hàng dành cho mình khi mất đi rồi sẽ chẳng thể tìm lại…”.

Những thành công của Tú trong quá trình quảng bá các sản phẩm nông nghiệp địa phương thông qua nền tảng mạng xã hội đã trở thành nguồn cảm hứng cho người trẻ có đam mê khởi nghiệp kinh doanh kết hợp với sáng tạo trên các mạng xã hội. Những video chia sẻ về các sản phẩm nông sản của Tú đã giúp cho người nông dân và người tiêu dùng đến gần với nhau hơn.

Cũng là một người đam mê đưa nông sản bản địa ra ngoài thị trường, chị Phạm Thị Phương Mai (SN.1991, huyện Bát Xát, Lào Cai) đã chung tay với bà con Lào Cao nhiều năm, vừa giúp tiêu thụ nông sản vừa giúp người nông dân nơi đây ổn định cuộc sống hơn.

Sau khi nên duyên cùng với một chàng trai người Dao, chị Mai đã đến sống tại huyện Bát Xát, Lào Cai. Tại đây, chị đã có cơ hội gắn bó và tìm hiểu về cuộc sống của người dân nơi này. Sống ở đây, Mai ngày ngày trăn trở xem mình có thể làm gì để giúp bà con địa phương bớt vất vả, làm thế nào để đời sống cải thiện hơn.

“Em nhận thấy bà con trên đây có nhiều nông sản ngon và sạch nhưng quanh năm làm lụng vất vả, làm ra nông sản tốt nhưng không có nơi tiêu thụ mà phải phụ thuộc vào thương lái đến thu mua”, chị kể.

nguoi-tre-khoi-nghiep-tu-san-vat-que-huong-3-1696347412.jpg
 
nguoi-tre-khoi-nghiep-tu-san-vat-que-huong-4-1696347411.jpg
Chị Phương Mai có trong mình một tình yêu đặc biệt với nông sản vùng cao

Sau một thời gian ấp ủ, đến tháng 11/2022, kênh TikTok và Fanpage “Mai Tây Bắc” ra đời và đã nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng mạng.

Đến nay, kênh TikTok của chị đã được 317.000 người theo dõi, Fanpage nhận được hơn 75 nghìn lượt thích. Các kênh của chị Mai không chỉ ấn tượng với những buổi livestream quảng bá nông sản cho người dân địa phương mà còn được mọi người yêu thích nhờ những video chân thực về đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân vùng cao này.

Không dừng lại ở việc quảng bá giúp tiêu thụ sản vật của người dân địa phương mà chị còn thường xuyên hướng dẫn các thanh niên trong vùng cách để bán hàng một cách hiệu quả trên mạng xã hội với mong muốn bất cứ người dân địa phương nào cũng có thể tự mình quảng bá các sản phẩm do chính mình làm ra.

nguoi-tre-khoi-nghiep-tu-san-vat-que-huong-5-1696347411.jpg
Vợ chồng chị Mai Phương thường xuyên livestream bán các sản phẩm nông sản địa phương

Hiện tại, chị đã bắt tay liên kết với các hợp tác xã có sản phẩm OCOP và đưa chúng lên mạng xã hội để góp phần nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm. Trong tương lai gần, cô gái 9x này sẽ tiếp tục mở rộng thị trường, tạo thương hiệu cho nông sản địa phương. Đồng thời, Mai cũng có dự định xây dựng một mô hình nông nghiệp sạch gắn liền với phát triển du lịch địa phương, tiếp tục giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên quê hương mình.

Tổng hợp