Khởi nghiệp làm trang trại nuôi chồn hương, chàng nông dân 9x Phan Hữu Sơn có thu nhập 300-400 triệu đồng/năm

Minh Hà
Anh Phan Hữu Sơn (sinh năm 1992, thôn Khe 5, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), sau một thời gian đi làm thuê bên ngoài anh đã quyết định về quê đầu tư gần 1 tỷ đồng để khởi nghiệp với trang trại nuôi chồn hương. Mỗi năm trang trại giúp anh thu nhập từ 300-400 triệu đồng.

Sau khi tốt nghiệp THPT vào năm 2010, anh Phan Hữu Sơn đã quyết định ra Hà Nội kiếm việc làm, anh đã xin vào làm việc trong một xưởng sản xuất nhôm kính.

Trong thời gian đi làm thêm, anh ấp ủ trong lòng ước mơ trở về quê làm giàu bằng mô hình trang trại chăn nuôi. Để có thể thực hiện hóa được giấc mơ này, anh biết mình cần phải có một chút vốn để khởi nghiệp nên trong khi đi làm anh đã rất chăm chỉ, tích góp từng chút một.

anh-phan-huu-son-khoi-nghiep-nuoi-chon-huong-thanh-cong-1-1714754283.jpg
Anh Phan Hữu Sơn khởi nghiệp nuôi chồn hương thành công

Năm 2021, anh đã quyết định nghỉ việc ở thành phố và trở về quê để khởi nghiệp với số tiền bao năm đi làm đã tiết kiệm được.

Sau khi xin được giấy phép từ các cơ quan có thẩm quyền, anh Sơn đã đầu tư 400 triệu đồng cải tạo lại khu vườn rộng 50m2 của gia đình để nuôi 5 cặp chồn hương.

"Để có được trang trại chăn nuôi chồn hương ban đầu này, tôi đã nhận được sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè. Mọi người thấy tôi nghiêm túc và có ý chỉ khởi nghiệp nên đã động viên và hỗ trợ cho vay thêm", anh Sơn chia sẻ.

Khi mới bắt tay vào khởi nghiệp, cũng giống như mọi người, thời gian đầu thiếu kinh nghiệm nuôi chồn hương khiến anh không ít lần "sống dở chết dở" bởi chồn gặp nhiều bệnh liên quan đến đường ruột. Bên cạnh đó, loài vật này khá nhát nên chỉ cần có mùi lạ hay thiếu sữa sẽ khiến chúng trở nên hoảng loạn và có thể cắn lẫn nhau.

anh-phan-huu-son-khoi-nghiep-nuoi-chon-huong-thanh-cong-2-1714754283.jpg
Chồn hương mang lại giá trị kinh tế cao

Thế nhưng, anh Sơn quyết không từ bỏ mà vẫn kiên trì chăm sóc, học hỏi để nuôi chồn hương khỏe mạnh, không những thế chúng còn phát triển nhanh. Theo anh Sơn, trong quá trình nuôi chồn hương thì việc quan trọng nhất chính là phải đảm bảo chuồng trại sạch sẽ và nguồn thức ăn phải luôn đầy đủ.

Loài chồn hương này mê ăn chuối, cá và trứng. Để có thể cung cấp nguồn thức ăn đảm bảo cho chồn hương mà gia đình anh đã tự sản xuất các loại thức ăn. Điều này vừa giúp đảm bảo được chất lượng mà còn giảm kinh phí. Trong vườn nhà anh Sơn còn trồng thêm 300 gốc chuối để cung cấp đủ thức ăn cho chồn hương.

anh-phan-huu-son-khoi-nghiep-nuoi-chon-huong-thanh-cong-3-1714754283.jpg
Anh Sơn trồng chuối để cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho chồn hương

"Đối với chồn hương đang trong quá trình sinh sản thì chúng kiêng mùi lạ. Chính vì thế, tôi thường ở trang trại một mình để cho ăn và kiểm tra chúng. Ngoài ra, loài này lại là giống ngủ ban ngày và hoạt động vào ban đêm. Chính vì thế, ban ngày tôi thường dành thời gian để vào rừng tìm tổ ong lấy mật còn buổi tối thì chăm sóc chồn", anh Sơn cho biết.

Từ khi nắm chắc kỹ thuật nuôi chồn đến nay anh Sơn đã quyết định mở rộng diện tích trang trại từ 50m2 lên gần 100m2, chia thành 2 khu bao gồm nơi sinh sản và nơi nuôi con giống chồn. Anh đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất trang trại.

Giờ đây, mỗi năm anh Sơn có thể cung cấp ra thị trường hơn 30 cặp chồn giống và 30 con chồn thịt. Mỗi cặp chồn giống có giá từ 7-16 triệu đồng, khi trừ hết mọi chi phí đi thì mỗi năm anh Sơn có thể thu lãi khoảng 300-400 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1, ông Hoàng Văn Thư cho biết, trang trại nuôi chồn hương của anh Phan Hữu Sơn mang lại nguồn thu nhập ổn định, đây cũng chính là hướng phát triển kinh tế mới tại địa phương. Tấm gương vươn lên khởi nghiệp làm giàu ngay tại quê nhà của anh Sơn nên được người trẻ ở địa phương biết đến và học theo.

Theo Dân trí