Giám đốc HTX Mường Kim, anh Vàng Văn Sưởng: Thành công khi kinh doanh sản phẩm "Tắm - Xông hơi thảo dược Dao đỏ" và tinh dầu gừng tía, thu về tiền tỷ mỗi năm

Minh Hà
Hợp tác xã (HTX) Mường Kim (Xã Mường Vi, huyện Bát Xát) đã tập trung đầu tư xây dựng mô hình trồng cây dược liệu kết hợp với sản xuất tinh dầu, góp phần đưa cây dược liệu của huyện biên giới Bát Xãt trở thành loại hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao. 

Anh Vàng Văn Sưởng người con dân tộc Giáy, sinh ra và lớn lên ở xã Mường Vi, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ra đồng chăm sóc lúa và nên lương trỉa ngô là công việc anh vẫn làm đều đặn hàng ngày. Thế nhưng, anh Sưởng lại có đam mê với mùi hương của những loại cây thảo dược trong rừng. Chính vì thế, khi biết có dự án "Nâng cao năng lực tự chủ về sức mạnh cho đồng bào dân tộc thiểu số" với nội dung "Bảo tồn và phát triển cây thuốc cổ truyền", anh Sưởng đã không ngần ngại tham gia. Khi đó, công việc chính của anh Sưởng là thống kê hiện trạng của toàn bộ loài thảo mộc có trên diện tích rừng của 2 xã Mường Vi và Dền Thàng, huyện Bát Xát.

htx-muong-kim-1-1718239630.jpg
Anh Vàng Văn Sưởng, Giám đốc Hợp tác xã Mường Kim

Vốn có đam mê với cây cỏ nên anh Sưởng làm việc cực kỳ nhiệt huyết. Nhờ tham gia vào dự án này mà anh đã biết thêm về nhiều loài thảo dược quý có trong rừng, anh đã ấp ủ ý tưởng chưng cất tinh dầu của các loại cây đó.

Khi anh bày tỏ ý tưởng khởi nghiệp của mình đã nhận được sự động viên, cổ vũ của người thân và chính quyền địa phương. Anh Sưởng với tinh thần khao khát bảo tồn nguồn cây giống, mong muốn đưa cây dược liệu địa phương trở thành hàng hóa, giúp người dân có thêm thu nhập đã quyết tâm đi đến những vùng trồng dược liệu ở khắp nơi trên cả nước để học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, anh còn nhận được sự hỗ trợ đắc lực về mặt chuyên môn đến từ Trường Đại học Dược Hà Nội.

Anh Vàng Văn Sưởng chia sẻ, năm 2012 anh bắt đầu khởi nghiệp với việc thành lập Công ty Cổ phần sản xuất kinh doanh các sản phẩm bản địa Mường Vi. Ngành hàng chính của công ty là cung cấp cấp các sản phẩm tinh dầu như tinh dầu gừng tía (gừng tím), tinh dầu màng tang, tinh dầu sả chanh, tinh dầu chùa dù (tinh dầu kinh giới rừng).... Thế nhưng, thời điểm đó còn chưa có nhiều kinh nghiệm nên việc kinh doanh thua lỗ và anh phải giải thể công ty. Trải qua quãng thời gian thất vọng, anh đã quyết tâm trở lại, đây cũng chính là tiền thân để xây dựng HTX Mường Kim.

Chia sẻ về quãng thời gian khởi nghiệp của mình, anh Sưởng cho biết, anh đã rất hạnh phúc khi chưng cất thành công những giọt tinh dầu đầu tiên. Thế nhưng anh cũng phải chịu không ít ngậm ngùi khi không tìm được đầu ra cho sản phẩm của mình. Là người đứng đầu của HTX, do đó mỗi khi khó khăn đi qua thì anh thường tự nhìn nhận lại bản thân mình, anh cũng tự kiểm điểm lại mình và đưa ra những quyết sách giúp cho HTX vượt qua những giai đoạn khó khăn, duy trì được sản xuất đồng thời tạo được vị thế của mình trên thị trường.

Để ổn định được sản xuất và phát triển bền vững, điều cần phải quan tâm chính là nguồn nguyên liệu có ổn định hay không. Chính vì thế, HTX đã quyết định ký kết và hợp tác với những hộ dân trồng gừng tía tại 2 xã Quang Kim và Mường Vi với diện tích trồng lên đến 30ha, và 3ha trồng sả chanh ở xã Mường Vi. Ngoài ra, HTX còn hướng dẫn cho bà con địa phương canh tác bền vững các loại cây thảo dược khác như chùa dù (kinh giới rừng), cây màng tang...

htx-muong-kim-2-1718239630.jpg
Anh Sưởng đầu tư máy móc để sản xuất tinh dầu thảo dược

Anh Sưởng cũng cho hay: "Các thương lái Trung Quốc thường thu mua dược liệu của người dân địa phương theo hình thức tận diệt từ gốc đến ngọn. Thế nhưng HTX Mường Kim thì khác, tôi cùng với các xã viên luôn tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách thu hoạch dược liệu bền vững như tỉa cây, cắt cành đảm bảo cây trồng có thể tái sinh. Chúng tôi cũng khuyến khích bà con thực hiện đồng thời 2 việc vừa đảm bảo cây dược liệu có thể tái sinh trong rừng tự nhiên, vừa đưa giống cây về trồng ngay tại vườn nhà, giúp góp phần phát triển và bảo tồn cây dược liệu".

Nhận được sự ủng hộ từ các thành viên trong hợp tác xã, anh Sưởng quyết định mở rộng diện tích nhà xưởng từ 200m2 thành 2.000m2 với 3 nồi chưng cất có công suất 4 tấn nguyên liệu/ngày-đêm, chưng cất được 600-700 lít tinh dầu các loại mỗi năm.

Các sản phẩm tinh dầu dược liệu của HTX Mường Kim đã được nhiều công ty sản xuất dược phẩm uy tín ở Hà Nội và TP.HCM liên kết hợp tác đặt hàng với số lượng lớn cùng với cam kết hợp tác lâu dài. Nguyên nhân là do sản phẩm của HTX có chất lượng ưu việt, giá cả hợp lý, mẫu mã đẹp, ngoài ra, HTX còn nhận được sự giúp đỡ từ các cấp chính quyền địa phương.

htx-muong-kim-3-1718239630.jpg
Sản phẩm tinh dầu gừng tía của HTX được nhiều người ưa chuộng

Ngoài ra, khi nhận thấy việc kinh doanh cây dược liệu trên địa bàn huyện còn nhiều tiềm năng mà anh Sưởng đã đưa thêm sản phẩm vào sản xuất kinh doanh. Tại các xã Dền Sáng, Dền Thàng, Y Tý, Sàng Ma Sáo, Pa Cheo, nguồn nguyên liệu rất phong phú, chúng thường mọc tự nhiên tại các khu vực núi cao thuộc các xã này. Sản phẩm cây thuốc tắm được tạo nên từ bài lá tắm cổ truyền của người Dao đỏ Bát Xát và rất được thị trường ưa chuộng, sản lượng xuất bán mỗi năm lên đến 48-50 tấn.

htx-muong-kim-4-1718239630.jpg
Khâu sơ chế bài thuốc "Tắm - Xông hơi thảo dược Dao đỏ"

Nhờ việc kinh doanh các sản phẩm tinh dầu dược liệu và thuốc lá tắm thảo dược mà mỗi năm HTX thu lãi 1,2 tỷ đồng. HTX cũng tạo công ăn việc làm với mức ổn định từ 4,5-6,5 triệu đồng/tháng cho 6 lao động địa phương. Ngoài ra, HTX cũng tạo công ăn việc làm cho khoảng gần 100 lao động thời vụ trên địa bàn huyện. Thành công này của HTX Mường Kim đã mở ra triển vọng phát triển cây dược liệu bền vững tại huyện Bát Xát, giúp cho người nông dân có nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống.

Với những đóng góp của mình mà anh Vàng Văn Sưởng đã vinh dự nhận được nhiều giấy khen, bằng khen từ Trung ương đến địa phương. Năm 2022, anh đã vinh dự dược Hội nông dân Việt Nam công nhận là 1 trong 100 "Nông dân Việt Nam xuất sắc".

Theo Báo Dân tộc