Ý tưởng khởi nghiệp từ cô con gái nhỏ
Cuối năm 2022, đầu năm 2023 chứng kiến sự bùng nổ của các công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). “Người người, nhà nhà” tìm cách tận dụng sức mạnh vượt trội của công nghệ này để phục vụ cho công việc, đặc biệt là các ý tưởng khởi nghiệp. Kim Ngân cũng không nằm ngoài xu thế đó. Làm trong ngành sáng tạo đã nhiều năm, cô nghĩ ngay đến việc sử dụng Generative AI để taọ ra các ấn phẩm nội dung một cách nhanh chóng, nhằm thỏa mãn tính ham khám phá và sở thích thay đổi từng ngày của trẻ em.
Thế nhưng Ngân nhanh chóng nhận ra một thực tế phũ phàng: “AI thông minh đến đâu cũng không thể thay con người sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo cho trẻ em”. Hành trình khởi nghiệp tưởng sẽ dừng ngay tại đó thì người mẹ trẻ bỗng nhận ra cô con gái 2 tuổi của mình tự dưng thích mở đi mở lại một cuốn sách: “Bé còn nhỏ, chưa biết chữ nên cũng chưa thích sách vở lắm đâu. Nhưng lần đó mình vô tình kẹp vào sách một tấm ảnh của bé, bé mở ra thấy thế liền thích lắm, cứ lật đến trang đó là lại reo lên “Đây là Nhím này!”. Chính lúc đó, mình nhận ra nhu cầu được hiện diện trong những ấn phẩm riêng của các bé”. Và đây chính là “chất xúc tác” cho sự ra đời của StoryMee - dự án làm sách độc bản cho các bé.
Cái tên ấy đã gói gọn những ấp ủ của người sáng lập, đó là sứ mệnh tạo ra những cuốn sách cá nhân hoá riêng cho từng đứa trẻ. Tùy từng mức độ mà mỗi cuốn sẽ có nhân vật, bối cảnh hay câu chuyện riêng, không quyển nào giống quyển nào. Ví dụ như sách viết về các hành tinh thì tên của phi hành gia sẽ được đặt theo tên của bé. Hay sách viết về gia đình thì các nhân vật, mối quan hệ, giới tính, tuổi tác, hành vi,... cũng đều được cá nhân hoá để trở nên gần gũi nhất với cuộc sống thường ngày của trẻ. Điều đó làm cho các bé hào hứng và trân trọng cuốn sách hơn, mọi thông điệp, bài học cũng trở nên dễ hiểu, dễ tiếp nhận.
Sản phẩm khác biệt, cách thức để sở hữu một cuốn sách độc bản cũng khác hoàn toàn so với truyền thống. Thay vì ra cửa hàng mua, bố mẹ cần gửi yêu cầu đặt sách trước. Sau ít nhất một tuần, món quà này mới đến tay của bé.
Quy trình tưởng có vẻ chậm chạp, dễ làm nản lòng các bậc phụ huynh trong thời đại “fast food” lại bất ngờ nhận được sự quan tâm lớn. Ngay sau khi Ngân đăng các sản phẩm mẫu lên Facebook cá nhân đã có nhiều bố mẹ nhắn tin tìm hiểu. Thậm chí có người còn đặt vấn đề với ekip rằng họ muốn tạo cho con một cuốn sách ghi lại hành trình từ ngày bé chào đời đến nay.
Háo hức theo dõi phản hồi của khách hàng, bà mẹ hai con nhận ra: “Khi dẫn con đi mua sách, không nhiều cha mẹ quan tâm nội dung cuốn đó ra sao. Đôi khi, họ trả tiền chỉ vì con thích hoặc thấy tranh vẽ đẹp. Nhưng khi đã đặt một cuốn sách độc bản, bố mẹ sẽ vô cùng chủ động và thậm chí còn tham gia đóng góp nội dung, ý tưởng với ekip. Mình rất vui khi đã giúp các ông bố, bà mẹ từ vai “người chi tiền” trở thành “nhà đồng sáng tạo nội dung”. Chính vì ý nghĩa thiêng liêng đó mà chúng mình luôn coi ấn phẩm này là “sách quà tặng” chứ không chỉ là một cuốn sách thông thường”.
“Công nghiệp hóa” quy trình “độc bản”
“Độc bản” là dấu ấn mạnh mẽ nhất trong sản phẩm của StoryMee, nhưng đồng thời cũng là điểm thách thức nhất với việc vận hành kinh doanh. “Mỗi ấn bản của chúng tôi chỉ được in một lần và cho duy nhất một khách hàng. Do đó, không thể “công nghiệp hóa” chỉ bằng cách sản xuất hàng loạt” - Kim Ngân chia sẻ.
Để tháo gỡ nút thắt này, đội ngũ sáng lập đã lên một quy trình sáng tạo riêng để tối ưu chi phí vận hành. Theo đó, một kho các khung nội dung sẽ được xây dựng sẵn với đa dạng chủ đề, thông điệp, cốt truyện,.. Nhờ đó, bố mẹ không phải mất quá nhiều thời gian để mô tả mong muốn mà chỉ cần đọc và lựa chọn nội dung yêu thích nhất. Ekip sẽ dựa vào đó để hoàn thiện ấn phẩm và gửi đến tận tay bé.
Và dẫu có phần "vỡ mộng" về khả năng ứng dụng triệt để của AI, Kim Ngân cùng các cộng sự vẫn tận dụng được công nghệ này vào quy trình sản xuất. AI sẽ đóng vai trò như một cầu nối giúp “phiên dịch” các “ngôn ngữ nghề nghiệp” giữa biên tập viên, họa sĩ, thiết kế với đội vận hành theo các “khung” (framework) dựng sẵn, giúp mọi nhân sự phối hợp làm việc nhịp nhàng, nhanh chóng hơn. Nhà sáng lập này cho biết: “Thông thường phải mất vài tháng đến vài năm để xuất bản một cuốn sách, nhưng nhờ có AI, chúng mình đã rút xuống chỉ còn 1 - 2 tuần. Chỉ khi thời gian sản xuất được rút ngắn như vậy, sản phẩm mới có khả năng thương mại hóa”.
Còn gần một tháng nữa, StoryMee mới chính thức được “khai sinh”, nhưng Kim Ngân đã nhận được những đơn hàng đầu tiên. Điều đó phần nào cho thấy tiềm năng của mô hình kinh doanh mới mẻ này. Và dẫu hành trình khởi nghiệp nào cũng đầy những thách thức, chông gai, nhưng với Ngân, tối tối được nghe tiếng con trẻ ríu rít bên những trang sách do chính mình dày công sáng tạo, cô lại thấy biết bao động lực bừng lên rực rỡ trong lòng. Đây có lẽ là “khoản đầu tư thiên thần nhất”, đắt giá nhất mà mọi doanh nhân luôn khao khát có được trong sự nghiệp của mình.