Năm 2014, với 450 triệu người dùng có đăng nhập hàng tháng và hơn 1 triệu người đăng ký mới mỗi ngày, WhatsApp là một trong những dịch vụ đang dẫn đầu cuộc đua nhắn tin trên di động.
Ứng dụng này thành công đến mức khiến Facebook Messenger phải theo sau ở khoảng cách rất xa. Điều này được thể hiện rất rõ trong bản đồ về thị phần của các dịch vụ nhắn tin.
Trước tình thế này, Facebook hoặc phải đầu hàng đối thủ này ở các thị trường ngoài nước Mỹ, hoặc phải thâu tóm WhatsApp trước khi dịch vụ nhắn tin này bành trướng thêm. Và họ đã chọn cách thứ hai.
Tới lúc 'hái quả ngọt'
WhatsApp được giới thiệu vào năm 2009 với trọng tâm là một ứng dụng nhắn tin di động nhanh, đơn giản và đẹp mắt. Trong khi thị trường nhắn tin di động thế giới bị phân chia cho rất nhiều dịch vụ cạnh tranh lẫn nhau, WhatsApp vẫn giành được thị phần đáng kể giữa những ông lớn.
Meta (công ty mẹ Facebook) quyết định thực hiện canh bạc lớn khi đã bỏ ra 22 tỷ USD cho WhatsApp cách đây một thập kỷ. Tuy nhiên, phải sau 10 năm, khoản cược táo bạo vào dịch vụ nhắn tin này cuối cùng mới bắt đầu có lãi.
Cụ thể, trong báo cáo quý III, Meta cho biết WhatsApp là động lực chính đóng góp cho đà tăng trưởng lên đến 48% cho doanh thu phi quảng cáo so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Business Insider, mức tăng trưởng ấn tượng này chủ yếu được thúc đẩy bởi sản phẩm nhắn tin doanh nghiệp của WhatsApp, vốn cho phép các công ty trả tiền để trò chuyện với khách hàng hiện tại hoặc khách hàng tiềm năng.
Thực tế, kể từ quý III/2022, Meta đã nhiều lần trích dẫn mang nhắn tin doanh nghiệp của WhatsApp là nguồn tăng trưởng doanh thu chính.
Tuy nhiên, thành tựu đó không hề dễ dàng. "Đó thực sự là một thách thức lớn. Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để xây dựng một doanh nghiệp trên nền tảng sản phẩm nhắn tin hiện có này", Matt Idema, cựu Phó chủ tịch phụ trách mảng tin nhắn doanh nghiệp tại Meta, trả lời phỏng vấn Business Insider năm 2022 về việc kiếm tiền từ ứng dụng.
Kể từ đó, nỗ lực thúc đẩy mảng này đã dần mang lại hiệu quả theo hướng có lợi cho Meta. Hiện tại, doanh thu phi quảng cáo vẫn chỉ là một phần nhỏ trong tổng doanh thu quảng cáo của Meta.
Mặc dù vậy, điều đáng chú ý là nó đang tăng trưởng với tốc độ gấp đôi so với mảng quảng cáo của công ty, chỉ ra một cơ hội rất lớn mà công ty mẹ của Facebook có thể phải chú ý đến.
Mọi thứ mới chỉ là bắt đầu
Mark Mahaney, nhà phân tích công nghệ hàng đầu tại Evercore ISI, người đã theo dõi hoạt động kiếm tiền của Meta từ các sản phẩm nhắn tin bao gồm WhatsApp, Messenger và Instagram Direct trong nhiều năm qua, nhận định tiềm năng mà Meta sở hữu vẫn đang là rất lớn.
"Meta đang sở hữu hai ứng dụng nhắn tin lớn nhất thế giới và cơ hội kiếm tiền vẫn còn rất nhiều. Tôi đoán rằng hiện tại con số đó mới chỉ chiếm 10% tổng doanh thu và có thể tăng trưởng nhanh hơn đáng kể so với hai tài sản mạng xã hội của họ", Mahaney nói.
Đặc biệt, khi xét đến số lượng lớn người dùng tương tác trong tính năng gửi tin nhắn trực tiếp (Direct Message), Mahaney thậm chí còn cho rằng app nhắn tin nói chung là "tài sản chưa thương mại hóa thú vị nhất mà họ có".
Trong một sự kiện ở Austin vào tháng trước, Tom Alison, người đứng đầu Facebook (chức danh của Zuckerberg hiện nay là Giám đốc điều hành Meta), cũng phần nào minh chứng cho nhận định của Mahaney khi cho biết công ty đã chứng kiến lượng nội dung được chia sẻ qua Direct Message tăng 100% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài việc triển khai nhắn tin cho doanh nghiệp trên WhatsApp, Meta còn tạo ra một số doanh thu quảng cáo từ các tin nhắn được tài trợ trong tab trò chuyện của ứng dụng Messenger.
Thông qua quảng cáo này, người dùng có thể nhắn tin trực tiếp với các doanh nghiệp trên WhatsApp, Messenger và Instagram.
Mahaney cho rằng vấn đề hiện tại chỉ là liệu Meta có muốn tăng cường kiếm tiền từ WhatsApp hay không. "Tôi nghĩ rằng điều đó ngày càng trở nên rõ ràng", nhà phân tích công nghệ cho biết.
Biến tin nhắn thành công cụ kiếm tiền sẽ là một chiến thắng lớn cho Meta khi công ty đã đầu tư hàng tỷ USD vào danh mục này.
Vào đầu năm 2019, Facebook đã công bố kế hoạch hợp nhất các nền tảng nhắn tin thành một gồm Messenger, Direct Message và WhatsApp.
Mỗi dịch vụ vẫn sẽ tồn tại dưới dạng ứng dụng độc lập, tuy nhiên người dùng có thể nhắn tin từ ứng dụng này sang 2 ứng dụng còn lại. Các tin nhắn cũng sẽ được mã hóa đầu cuối tương tự WhatsApp.
Theo PhoneArena, việc hợp nhất 3 nền tảng nhắn tin sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh lớn cho Facebook trước các đối thủ như iMessage.
Điều này cũng hoàn toàn có cơ sở khi ngày càng nhiều người dùng chọn chia sẻ nội dung trong tin nhắn trực tiếp hoặc Direct Message, thay vì trên trong ứng dụng trên Facebook hoặc Instagram.
"Ngày càng có nhiều hoạt động chia sẻ chuyển từ định dạng dựa trên nền tảng dữ liệu sang định dạng tin nhắn", Adam Mosseri, Giám đốc Instagram cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 6.
Ngoài Instagram và WhatsApp, Meta còn bổ sung thêm nhiều tính năng vào ứng dụng Messenger, chẳng hạn như trò chuyện cộng đồng với cách hoạt động tương tự như kênh Discord, cung cấp cho người dùng "kỷ niệm" về những bức ảnh được chia sẻ trong ứng dụng nhắn tin và nhiều công cụ AI hơn.