Thương hiệu - Doanh nghiệp

Xây dựng sản phẩm OCOP - giải pháp "thoát nghèo" cho bà con miền núi phía Tây Thanh Hóa

Hoài Nguyễn

Vùng miền núi phía Tây Thanh Hóa tập trung trung hơn 600.000 đồng bào dân tộc thiểu số (Thái, Mường, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú). Để giúp bà con nơi đây “thoát nghèo”, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống, tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh việc xây dựng sản phẩm OCOP cho những sản phẩm nông sản đặc trưng trên địa bàn.

Vùng miền núi phía Tây Thanh Hóa gồm 11 huyện: Bá Thước, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Mường Lát, Như Thanh, Như Xuân, Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân, Thạch Thành, có tổng diện tích tự nhiên khoảng gần 8.000km2, chiếm trên 71% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Có 7 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống là: Mường, Thái, Mông, Thổ, Dao, Khơ Mú, Kinh, với tổng số dân trên 1,1 triệu người - trong đó hơn 70% là đồng bào dân tộc thiểu số.

Những năm qua, các huyện miền núi đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, thương mại gắn với ngành nghề nông thôn. Xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, qua đó tạo động lực cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Hội chợ Thương mại và Du lịch miền Tây Thanh Hóa năm 2024.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm. Đến nay, các huyện miền núi phía Tây Thanh Hóa đã có 136 sản phẩm OCOP được công nhận. Trong đó, Như Xuân có 24 sản phẩm, Thạch Thành có 21 sản phẩm, Như Thanh có 11 sản phẩm, Ngọc Lặc có 11 sản phẩm, Bá Thước 11 sản phẩm, Quan Sơn có 9 sản phẩm, Quan Hóa có 6 sản phẩm, Mường Lát có 4 sản phẩm,…

Nhiều sản phẩm mang tính đặc hữu, quý hiếm, sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có khả năng phát triển thành hàng hóa như: tinh dầu quế và ống hút tre của huyện Thường Xuân; kẹo nhãn Châu Lang, mật ong rừng Chí Linh Sơn, muối mắc khén Mường Đeng của huyện Lang Chánh; mía Kim Tân, cam Vân Du, cam Vy Giang, ổi của huyện Thạch Thành; mật ong rừng Pù Luông, trà quýt hoi của huyện Bá Thước,…

Như Xuân là huyện có số sản phẩm OCOP nhiều nhất trên địa bàn các huyện miền núi phía Tây Thanh Hóa với 24 sản phẩm. Đến với Hội chợ Thương mại và Du lịch miền Tây Thanh Hóa năm 2024 tổ chức tại thị trấn Thường Xuân (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa), đơn vị mang tới 21 sản phẩm trưng bày, giới thiệu.

Các sản phẩm chủ yếu do đồng bào người Thái, người Mường sinh sống trên địa bàn làm ra.

Hầu hết các sản phẩm đều do đồng bào dân tộc thiểu số làm ra, phát triển và xây dựng thương hiệu như: Sản phẩm quả mắc ca sấy khô của Hợp tác xã (HTX) mắc ca Thành Phát (xã Cát Vân); Sản phẩm mật ong lên men tươi bản Thổ của chị Nguyễn Lê Ngọc Linh (SN 1990, dân tộc Thổ, xã Hóa Quỳ);…

Sản phẩm được công nhận OCOP đầu tiên trên địa bàn huyện là Măng khô Thanh Lâm của HTX Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Thanh Lâm (xã Thanh Lâm), năm 2021. Năm 2024, huyện có thêm 4 sản phẩm được công nhận OCOP: Hương bài nụ trầm Yên Cát của HTX Dịch vụ nông nghiệp hương bài Như Xuân (thị trấn Yên Cát)…

“Việc triển khai Chương trình OCOP có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Chương trình đã giúp nâng cao thu nhập, tạo ra nhiều việc làm, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, bà Lê Thị Phượng, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Như Xuân, chia sẻ.

Huyện Thường Xuân với tư cách là đơn vụ chủ nhà, đăng cai tổ chức Hội chợ Thương mại và Du lịch miền Tây Thanh Hóa năm 2024 (từ 6-10/12). Tại gian hàng của huyện trưng bày khoảng 20 sản phẩm, trong đó có 14 sản phẩm OCOP 3 sao như: mật ong hoa rừng Bù Sèo (thị trấn Thường Xuân), mật ong hoa rừng Yên Nhân (xã Yên Nhân), măng khô Xuân Liên (xã Xuân Liên),…

Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm.

“Năm 2024, chúng tôi có thêm 2 sản phẩm được công nhận OCOP. Đó là rượu na rừng Xuân Liên (xã Vạn Xuân), rượu nếp cau bản Nàng (xã Tân Thành). Nhìn chung khi các sản phẩm đặc trưng trên địa bàn huyện được công nhận đạt OCOP đã giúp cho việc quảng bá, xây dựng được thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống của bà con”, bà Lê Thị Hiến chia sẻ.

Tham gia Hội chợ, huyện Lang Chánh trưng bày, giới thiệu 20 sản phẩm, trong đó có 10 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Sản phẩm đầu tiên được công nhận OCOP là kẹo nhãn Châu Lang (thị trấn Lang Chánh, năm 2021). Năm 2024, miến dong ở xã Tân Phúc được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Các sản phẩm chủ yếu do đồng bào người Thái, người Mường sinh sống trên địa bàn làm ra. Qua Chương trình, đời sống của bà con đã từng bước được nâng cao, đời sống ổn định, có việc làm thường xuyên, thu nhập bình quân mỗi tháng đạt từ 4-5 triệu đồng/người”, bà Lương Quỳnh Ngọc (bên phải, chủ thể sản phẩm OCOP - Muối mắc khén Mường Đăng, Rượi siêu men lá Lang Chánh) chia sẻ.