Start up Khởi nghiệp xanh

Xây dựng các tiêu chuẩn phát triển công nghiệp xanh

Hoài Nguyễn

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc xây dựng và triển khai chính sách công nghiệp quốc gia hiệu quả không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn mang tính chiến lược lâu dài. Trong đó, cần phát triển các tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng sản phẩm và an toàn môi trường cho doanh nghiệp sản xuất; xây dựng các tiêu chuẩn phát triển công nghiệp xanh…

Vẫn thiếu khung pháp lý thống nhất và đủ mạnh

Thế giới đang đứng trước những chuyển biến nhanh, mạnh mẽ và sâu rộng trên nhiều phương diện, nổi bật là sự phát triển chưa từng có tiền lệ của Cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với đó, những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên thiên nhiên và yêu cầu cấp bách về phát triển bền vững đang tạo ra áp lực to lớn lên các quốc gia, đặc biệt là những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc thích ứng và giảm nhẹ tác động đối với các nền kinh tế không chỉ phụ thuộc vào chính sách môi trường của các quốc gia, mà còn phụ thuộc vào năng lực phát triển các ngành công nghiệp mới. Bởi lẽ đó, việc xây dựng, triển khai chính sách công nghiệp quốc gia hiệu quả không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn mang tính chiến lược lâu dài.

Tại hội thảo “Chính sách công nghiệp quốc gia: Một số xu hướng mới và tầm nhìn cho Việt Nam”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa tổ chức, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho rằng, Việt Nam đã đạt được không ít thành tựu trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Việt Nam đã có tên trên bản đồ quốc tế của chuỗi sản xuất nhiều mặt hàng công nghiệp, trong đó có điện tử, dệt may, da giày… Tuy nhiên, chúng ta cũng đang phải đối mặt với không ít vấn đề trong phát triển công nghiệp, trong đó có năng suất lao động còn khiêm tốn, năng lực thích ứng với các xu hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh của khu vực công nghiệp còn hạn chế so với yêu cầu thực tiễn.

Phân tích rõ hơn về thực trạng chính sách phát triển công nghiệp của nước ta, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM Nguyễn Anh Dương cho rằng, khung pháp lý về chính sách công nghiệp đã từng bước được hoàn thiện, nhất là gần đây, Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0, Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn… Song, chính sách công nghiệp so với các xu hướng mới vẫn thiếu khung pháp lý thống nhất, đồng bộ và đủ mạnh để làm cơ sở thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp. Các chính sách phát triển đối với các ngành công nghiệp ưu tiên và công nghiệp mũi nhọn đang bị phân tán, thiếu trọng tâm, dẫn đến việc sử dụng nguồn lực chưa hiệu quả. Quản lý phát triển công nghiệp thông qua hệ thống pháp luật chuyên ngành, đặc biệt là các quy định về thuế, đầu tư và đất đai, lại bộc lộ nhiều bất cập.

Đối với các chính sách thu hút đầu tư vào công nghệ cao, dù đã có nhiều tín hiệu tích cực như số lượng doanh nghiệp tham gia và cung ứng tăng mạnh, tổng giá trị xuất khẩu nhóm hàng công nghệ - điện tử có tổng doanh thu cao nhất, ưu đãi thường cao hơn nhiều, song vẫn còn những khó khăn. Đó là chính sách huy động vốn cho công nghệ cao còn thiếu; tổ chức hoạt động công nghệ cao còn ít và quy mô nhỏ; chưa có các chính sách, chương trình, dự án, hoạt động hiệu quả…

Thành tựu trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Tăng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển

Theo các chuyên gia, với trọng tâm là chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ cao, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi cơ bản mô hình phát triển kinh tế, phương thức sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nền kinh tế lớn, đã và đang điều chỉnh chiến lược công nghiệp của mình để thích ứng với xu hướng này, tận dụng công nghệ mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Dẫn kinh nghiệm thế giới, ông Nguyễn Anh Dương cho biết, tại Hoa Kỳ có các chính sách khuyến khích đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, như Đạo luật CHIPS, qua đó đã thúc đẩy gần 400 tỷ USD vào lĩnh vực bán dẫn… Tại Nhật Bản, Chính phủ triển khai các khoản hỗ trợ tài chính quan trọng cho các dự án nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt trong các ngành công nghiệp mũi nhọn như robot và tự động hóa; khởi xướng mô hình “Xã hội 5.0” nhằm tích hợp các công nghệ hiện đại, như AI và Internet vạn vật, vào các lĩnh vực xã hội và công nghiệp… Còn tại Trung Quốc, “Made in China 2025” là kế hoạch chiến lược 10 năm do Chính phủ khởi xướng vào năm 2015 nhằm chuyển đổi từ “công xưởng của thế giới” thành cường quốc sản xuất công nghệ cao; trong khi chính sách “các nhà vô địch quốc gia” là một chiến lược quan trọng nhằm xây dựng các doanh nghiệp nhà nước lớn mạnh, có khả năng cạnh tranh ở cấp độ toàn cầu...

Nhấn mạnh chính sách công nghiệp không chỉ đóng vai trò định hướng phát triển các ngành kinh tế trọng điểm mà còn là công cụ đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, các chuyên gia của CIEM cho rằng, cùng với việc tập trung phát triển các ngành kinh tế trọng điểm như công nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu và các lĩnh vực gắn với công nghệ số, Việt Nam cần phát triển kinh tế xanh, gắn với động lực cho doanh nghiệp khai thác giá trị từ các mô hình mới như kinh tế tuần hoàn, ứng dụng đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, việc rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh sẽ giúp Việt Nam tận dụng tối đa lợi thế từ các xu hướng phát triển mới, từ các hiệp định thương mại tự do và ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu. Chính phủ cần tăng cường đầu tư vào các quỹ nghiên cứu và phát triển; thiết lập khung pháp lý linh hoạt giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn và mở rộng sản xuất khi cần thiết; phát triển các tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng sản phẩm và an toàn môi trường cho các doanh nghiệp sản xuất; hỗ trợ xây dựng các liên minh hợp tác giữa doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế; xây dựng các tiêu chuẩn phát triển công nghiệp xanh…