Start up Khởi nghiệp xanh

Trồng nấm với quy trình khép kín đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm

Hoài Nguyễn

Với quy trình khép kín, trang bị máy móc hiện đại, mô hình trồng nấm đem về cho gia đình chị Bùi Thị Anh (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) lợi nhuận từ 250 - 300 triệu đồng/năm.

Về thôn Nam Tiến, xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh, không ai không biết đến chị Bùi Thị Anh (SN 1973) - người phụ nữ mạnh dạn "mở đường" cho mô hình trồng nấm tại địa phương. Trước đây, chị Anh làm nông nghiệp, công việc thuần nông vất vả nhưng thu nhập không mấy cải thiện, từ đó, chị quyết tâm tìm hướng làm giàu tại quê nhà.

Năm 2019, qua theo dõi các mô hình trồng nấm trên internet, chị Anh lựa chọn cây nấm để phát triển kinh tế. Nói là làm, chị Anh quyết định mua 10 bịch phôi nấm của Trung tâm Nghiên cứu phát triển nấm và Tài nguyên sinh vật (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh) để treo thử.

Mô hình trồng nấm mang lại việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Ban đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc nên nụ nấm phát triển không đều, cho sản lượng thấp. Dù vậy, chị Anh vẫn không nản chí, quyết tâm học hỏi thêm về kỹ thuật trồng nấm, hướng tới nâng cao chất lượng nấm thành phẩm.

Chị Bùi Thị Anh cho biết: “Sau thất bại ở lứa đầu tiên, tôi quyết định thử nghiệm lại từ các khâu lựa chọn nguyên liệu; chuẩn bị nhà trồng; xem xét điều kiện nhiệt độ, độ ẩm môi trường; thanh trùng bịch phôi, cây giống bằng hơi nhiệt để loại bỏ mầm bệnh; đảm bảo chặt chẽ kỹ thuật chăm sóc đúng cách theo từng giai đoạn. Nhờ đó, các lứa tiếp theo, nấm sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu hoạch đều với năng suất cao”.

Năm 2021, chị Anh quyết định đầu tư xây dựng nhà xưởng 500m2, kèm theo đó là đầu tư hệ thống máy móc bao gồm: máy đóng bịch nấm, máy nghiền mùn cưa, lò hấp tiệt trùng… với tổng chi phí lên tới gần 300 triệu đồng. Đầu năm 2024, chị Anh mở rộng thêm một nhà xưởng với diện tích 800m2 để treo bịch phôi, trang bị đầy đủ giàn treo, giàn hấp, kho lạnh bảo quản theo quy chuẩn.

“Nhờ trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại, cơ sở của tôi có thể sản xuất theo quy trình khép kín với quy mô gần 100 tấn nguyên liệu/năm. Việc ứng dụng máy móc cũng góp phần nâng cao năng suất, giảm chi phí thuê nhân công, từ đó, gia tăng lợi nhuận cho gia đình” – chị Anh cho biết.

Chị Bùi Thị Anh với cơ sở trồng nấm quy mô 20.000 bịch phôi nấm/năm.

Hiện nay, cơ sở của chị Anh sản xuất 2 loại nấm chính là nấm sò trắng và nấm sò xám với quy mô gần 20.000 bịch phôi, sản lượng nấm mỗi năm đạt hơn 10 tấn. Không chỉ vậy, cơ sở còn sản xuất khoảng 15.000 – 20.000 bịch phôi nấm/năm phục vụ các hộ dân có nhu cầu thử nghiệm mô hình trồng nấm.

Chia sẻ về doanh thu, chị Anh cởi mở: “Hiện nay, nấm thành phẩm được bán ra với giá 40.000 – 45.000 đồng/kg, bịch phôi có giá 7.000 – 8.000 đồng/bịch. Mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình tôi có lợi nhuận từ 250 – 300 triệu đồng. Hiện các sản phẩm nấm sò của cơ sở được nhiều đơn vị đặt hàng, thu mua tại chỗ, bên cạnh đó, chúng tôi cũng mở rộng phân phối tại chợ dân sinh trên địa bàn huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên và TP Hà Tĩnh”.

Nấm lim xanh là loại nấm cho lợi nhuận cao nên chị Anh dự định phát triển trong thời gian tới.

Không chỉ đem lại cho gia đình nguồn thu nhập khá, mô hình trồng nấm của chị Anh còn tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 4,5 – 5 triệu đồng/tháng và hơn 10 lao động thời vụ với mức thu nhập khoảng 250.000 đồng/ngày.

Chị Trần Thị Thảo (thôn Nam Tiến, xã Kỳ Bắc) cho biết: “Làm việc tại cơ sở trồng nấm, chúng tôi không chỉ có thêm nguồn thu nhập mà còn học hỏi thêm được kỹ thuật trồng và chăm sóc cây nấm cho năng suất cao. Nhờ đó, nhiều lao động đã mạnh dạn áp dụng tại nhà để phát triển kinh tế”.

Với nhiều hiệu quả mà mô hình trồng nấm đem lại, chị Bùi Thị Anh đang ấp ủ dự định phát triển thêm nhiều loại nấm có giá trị kinh tế cao như: nấm lim xanh, nấm linh chi… “Thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục đầu tư thêm hệ thống tưới nước tự động, cải thiện dây chuyền sản xuất để nâng cao năng suất, giảm thiểu chi phí, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường” – chị Anh chia sẻ.