Thanh niên khởi nghiệp

Thanh niên khởi nghiệp với mô hình nuôi ếch giống mang lại thu nhập cao

Hoài Nguyễn

Nhận thấy nhu cầu ếch giống trên thị trường ngày càng lớn, một thanh niên ở tỉnh Bến Tre đã mạnh dạn đầu tư vào việc sản xuất con giống, thay vì nuôi ếch thịt như nhiều người khác. Đến nay, cơ sở sản xuất ếch giống Thái Lan của anh hoạt động ổn định, cho năng suất cao.

Huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre là địa phương hằng năm bị xâm nhập mặn sâu và kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến việc định hướng mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp cho thanh niên. Câu hỏi lớn đặt ra là nuôi con gì, trồng cây gì để đạt hiệu quả kinh tế cao mà không bị ảnh hưởng nhiều từ biến đổi khí hậu. Ý thức được điều đó, anh Huỳnh Văn Chung (31 tuổi), ở Thạnh Phú Đông, H.Giồng Trôm đã thực hiện mô hình nuôi ếch Thái Lan trong bể bạt để bán giống. Hiện tại, anh Chung đang nuôi ếch giống trong 6 bể bạt, diện tích mỗi bể khoảng 30 m2.

Ban đầu, khi bắt tay thực hiện mô hình, anh Chung gặp rất nhiều khó khăn do chưa có nhiều kinh nghiệm, ếch bị hao hụt nhiều. Song, với quyết tâm khởi nghiệp, anh kiên trì nghiên cứu, khắc phục dần và thành công.

Nói về kỹ thuật nuôi ếch trong bể bạt, anh Chung cho biết khâu làm bể nuôi rất quan trọng, phải thường xuyên thay nước để đảm bảo nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm. Bên cạnh đó, phải đóng vỉ tre làm bè nổi cho ếch sinh hoạt. Phía trên che lưới tạo bóng mát và môi trường hoang dã cho ếch thích nghi. Để đàn ếch phát triển đều, ít hao hụt, con giống thả nuôi phải chọn đồng cỡ, không bị xây xát.

Mô hình ếch sau khi ấp trứng ba ngày chuyển ra nuôi trọng bể bạt.

Theo anh Chung, muốn tỷ lệ ếch cái cao, khi ếch đẻ trứng thì đưa vào ấp trong thùng xốp với nhiệt độ 34 độ C. Sau 3 ngày, chuyển ếch con sang bể bạt nuôi thêm khoảng 45 ngày nữa là có thể xuất bán giống. Ếch giống Thái Lan do cơ sở của anh Chung sản xuất có tỷ lệ cái đạt trên 85% và mức độ hao hụt thấp.

"Ếch là loài lưỡng cư nên trong giai đoạn trứng mình có thể quyết định được giới tính của nó bằng kỹ thuật điều chỉnh nhiệt độ ấp và sử dụng hệ thống bơm nước tuần hoàn tạo dòng chảy liên tục để trứng nở", anh Chung nói.

Bình quân mỗi tháng, cơ sở của anh Chung cung cấp ra thị trường từ 25.000 - 30.000 con ếch giống. Giá ếch giống từ 1.000 - 1.300 đồng/con. Sau khi trừ đi chi phí, anh có lãi khoảng 25 triệu đồng/tháng.

Ếch giống được chăm sóc khỏe mạnh ở bể.

Anh Chung cho biết với chi phí đầu vào không quá cao, đầu ra ổn định, mô hình nuôi ếch Thái Lan phù hợp cho thanh niên địa phương khởi nghiệp, tạo nguồn thu nhập ổn định. Vào những tháng chịu ảnh hưởng hạn mặn, cơ sở của anh vẫn duy trì được việc sản xuất ếch giống và bán ra cho các tỉnh lân cận. Trước đó, dự án sản xuất ếch giống Thái Lan của anh Chung đã đạt giải nhì cuộc thi "Tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp H.Giồng Trôm năm 2023", do UBND huyện này tổ chức.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Chung còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ các thanh niên trong xã cùng phát triển mô hình nuôi ếch. Với vai trò Bí thư xã Đoàn, anh luôn khuyến khích các bạn trẻ khởi nghiệp từ nông nghiệp, đặc biệt là mô hình chăn nuôi mới, có tiềm năng kinh tế cao.
Thời gian tới, anh Chung dự định mở rộng quy mô, đầu tư thêm 4 bể bạt để tăng số lượng con giống bán ra thị trường. Anh cũng hy vọng sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho thanh niên địa phương và thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.
Vừa qua, anh được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp với số tiền 30 triệu đồng để đầu tư xây dựng hệ thống bể nuôi ếch.