Kiến thức

Sản xuất nông nghiệp thời 4.0

Hoài Nguyễn

Chuyển đổi số đang mở ra những bước phát triển mới cho ngành nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững, hiện đại.

Nhân rộng chuyển đổi số trong nông nghiệp

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “Thời gian qua, Sở chủ động triển khai số hóa dữ liệu quản lý chuyên ngành thông qua ứng dụng khoảng 20 phần mềm quản lý chuyên biệt, bao gồm các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi. Những phần mềm này không chỉ giúp quản lý số liệu, phục vụ công tác điều hành và chuyên môn mà còn tạo nền tảng cho chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp”.

Mô hình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa.

Sản xuất nông nghiệp đang được ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại. Đối với cây lúa, mô hình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả và tiếp tục được nhân rộng. Ngoài ra, công nghệ san phẳng mặt ruộng bằng laser cũng được ứng dụng rộng rãi, cùng với sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật và sạ giống, giúp giảm công sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ sức khỏe nông dân.

Bên cạnh đó, việc giám sát, dự tính và dự báo sâu, bệnh trên cây trồng được đẩy mạnh thông qua 9 hệ thống giám sát sâu, rầy thông minh. Các hệ thống này giúp cập nhật số liệu và theo dõi sự phát triển của các loại côn trùng, nhất là rầy nâu, góp phần phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả.

Tại xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, mô hình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu được triển khai từ năm 2021 đến 2024, với việc sử dụng máy sạ cụm trên diện tích 11,5ha ở ấp Cầu Lớn, có 4 thành viên tham gia. Trong vụ Đông Xuân 2022-2023, mô hình được sự hỗ trợ từ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, với 1 máy sạ cụm trị giá 540 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 245 triệu đồng. Máy sạ cụm này được đưa vào vận hành trong vụ Đông Xuân 2023-2024 và Hè Thu 2024 trên diện tích 56ha với 12 thành viên tham gia.

Canh tác lúa thông minh giúp giảm 15-20% lượng phân bón vô cơ và giảm 1-2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật.

Qua 3 vụ mùa từ năm 2022 đến nay, mô hình sạ cụm cho thấy nhiều hiệu quả vượt trội so với phương pháp sạ truyền thống. Lượng giống sử dụng giảm 40-60% (sạ cụm dùng 50-60kg/ha, trung bình 55kg/ha so với 120-150kg/ha của sạ lan). Mô hình cũng giảm 15-20% lượng phân bón vô cơ và giảm 1-2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Năng suất lúa tăng thêm 0,5-0,8 tấn/ha (8-10%), hiệu quả kinh tế tăng 2,5-3,5 triệu đồng/ha (10-15%). Hơn nữa, mô hình sạ cụm giúp hạn chế đổ ngã khi lúa trổ hoặc gặp gió lớn, mưa to. Bên cạnh đó, nông dân được tiếp cận nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất.

Ông Trần Phương Bình - nông dân ấp Cầu Lớn, xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa, chia sẻ về hiệu quả khi tham gia mô hình: “Sử dụng máy sạ cụm trong gieo sạ, phun thuốc bằng máy bay không người lái và thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đã giảm đáng kể chi phí đầu vào, giảm lượng giống lúa sử dụng, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế ô nhiễm môi trường. Nhờ đó, lúa ít bị đổ ngã, năng suất và chất lượng hạt lúa tăng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân”.

Hiệu quả từ ứng dụng chuyển đổi số

Trong nuôi trồng thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai mô hình Nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 tại huyện Cần Đước và Tân Trụ. Nhờ ứng dụng công nghệ, người nuôi có thể quản lý các thiết bị trong ao nuôi như máy quạt, máy sục khí và máy cho ăn thông qua smartphone, vừa tiện lợi, vừa mang lại hiệu quả cao trong quản lý ao nuôi tôm.

Lắp đặt hệ thống giám sát và cảnh báo môi trường nước tự động giúp người nuôi chủ động trong quản lý dịch bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu.

Mô hình Nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 được áp dụng tại hộ ông Nguyễn Thanh Tuấn (ấp Bình Hòa, xã Đức Tân, huyện Tân Trụ) với quy mô 5.700m², lượng giống thả là 250.000 con tôm. Tỷ lệ nuôi sống đối với ao cả 2 giai đoạn là 90%. Tôm tăng trọng ao là 45 con/kg, hệ số tiêu tốn thức ăn là 1kg thức ăn/kg tăng trọng.

Trong ao ương, ao nuôi có lắp đặt đầy đủ hệ thống siphon, quạt nước và sục oxy đáy. Điểm đặc biệt của mô hình là ao nuôi đều được lắp đặt hệ thống giám sát và cảnh báo môi trường nước tự động. Đây là hệ thống có chức năng giám sát tự động các chỉ tiêu chất lượng nước trong ao nuôi gồm oxy hòa tan, nhiệt độ, độ pH, độ mặn. Các chỉ số này nếu vượt ngưỡng cho phép, hệ thống tự động gửi cảnh báo các thông số môi trường qua điện thoại thông minh để người nuôi kịp thời xử lý; đồng thời, lưu trữ, phân tích và truy xuất dữ liệu lịch sử vụ nuôi thường xuyên.

Ông Tuấn chia sẻ: "Khi ứng dụng điều khiển tự động kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học, vi sinh vào nuôi tôm, chỉ cần 1 chỉ tiêu nào đó vượt ngưỡng thì hộ nuôi đã nhận được cảnh báo qua điện thoại để có biện pháp xử lý kịp thời. Nhờ đó, công lao động giảm, kịp thời xử lý biến đổi môi trường, hạn chế dịch bệnh. Sau thời gian nuôi, tôi nhận thấy tôm tăng trưởng tốt, rút ngắn thời gian nuôi, giảm được các loại thuốc xử lý khí độc, hạn chế sử dụng kháng sinh".

Tham gia mô hình thả nuôi với mật độ 200 con/m2, áp dụng quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn, sau gần 90 ngày nuôi, tôm nuôi đạt kích cỡ bình quân 38 con/kg, sản lượng thu hoạch 5.000 tấn/ha. Với giá bán bình quân 120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mô hình cho lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng.

Những bước tiến này cho thấy vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, đáp ứng nhu cầu của người sản xuất lẫn người tiêu dùng; đồng thời, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản địa phương trên thị trường.