Thương hiệu - Doanh nghiệp

Phát triển sản phẩm OCOP theo hướng bền vững

Hoài Nguyễn

Thực hiện Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), nhiều năm nay, các địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đã xác định được sản phẩm nông nghiệp, làng nghề chủ lực và chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Nhờ đó đến nay, trên địa bàn tỉnh có 303 sản phẩm được xếp hạng OCOP (riêng năm 2024 có 33 sản phẩm mới được đánh giá, xếp hạng).

Khẳng định chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn

Trong "bảng” xếp hạng OCOP, toàn tỉnh đang có 211 sản phẩm đạt 3 sao, 90 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm 5 sao và 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Ông Nguyễn Thành Nam, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh, cho biết: Chương trình OCOP đã có tác động tích cực đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc. Các sản phẩm OCOP từng bước khẳng định chất lượng và đáp ứng nhu cầu thị trường, được người tiêu dùng quan tâm khi bảo đảm các điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Nhiều sản phẩm đã có mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại ở trong và ngoài tỉnh.

Một trong những sản phẩm OCOP được dán tem truy xuất nguồn gốc là chè tôm nõn Hảo Đạt. Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên), cho biết: Để tự tin dán tem truy xuất nguồn gốc, sản phẩm của chúng tôi luôn bảo đảm an toàn từ đầu vào (nguyên liệu) cho đến quá trình chế biến và đầu ra. Kể cả việc bảo quản, đóng gói sản phẩm cũng được thực hiện đúng quy định, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm…

Hay như các sản phẩm OCOP 3 sao của HTX chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My (Phú Bình) là dăm bông bò, dăm bông lợn và khô bò cũng được tiêu thụ khá mạnh trên thị trường khi bảo đảm “sạch” từ đầu vào cho đến đầu ra.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, khẳng định Ngành luôn tăng cường công tác hậu kiểm (sau chứng nhận); tổ chức đánh giá phân hạng ngay khi hoàn thiện hồ sơ đưa sản phẩm ra thị trường, nhất là với những sản phẩm mang tính thời vụ.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp còn tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng nguồn cung ổn định, kiểm soát được chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm OCOP bền vững, hiệu quả…

Nâng tầm thương hiệu bằng công nghệ số

Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đã nhận thức sâu sắc hơn việc áp dụng khoa học - kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến vào sản xuất, quảng bá sản phẩm, nhất là những sản phẩm đã được xếp hạng OCOP.

Hợp tác xã chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên) sử dụng công nghệ phun tưới tự động để có sản phẩm chất lượng, an toàn.

Theo đó, nhiều HTX chè đã tập trung ứng dụng công nghệ tưới tự động (có thể theo dõi và điều chỉnh trên điện thoại thông minh), sử dụng nhiều loại máy sao sấy bằng điện, gas và một số máy đóng gói tự động công nghệ cao nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, cho giá trị kinh tế cao hơn.

Đơn cử, HTX trà an toàn Phú Đô (Phú Lương) đã ứng dụng Face fram vào chuỗi sản xuất, kinh doanh, giúp lưu lại thông tin chi tiết các thửa đất trồng chè của HTX và nhật ký sản xuất của nông trai được hiển thị trên Google map. Từ đó giúp HTX dễ dàng quản lý sản phẩm, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.

Chỉ cần quét mã QR, khách hàng có thể xem trực tiếp các khâu chăm sóc, hàm lượng, chủng loại, số lượng phân bón và thời gian, địa điểm, hình thức, quy trình chăm sóc bằng cả thuyết minh, hình ảnh, video…

Cũng nhờ ứng dụng công nghệ số, việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, TikTok …) đã được đẩy mạnh. Hiện, toàn tỉnh có hơn 2.700 sản phẩm của DN, HTX được cập nhật trên sàn thương mại điện tử của tỉnh.

Việc livestream bán hàng qua mạng xã hội hay kinh doanh sản phẩm trên sàn thương mại điện tử sẽ giúp doanh nghiệp, HTX có thể quảng bá, giới thiệu về quy trình chăm sóc, sản xuất, chế biến ra sản phẩm một cách tự nhiên và chân thật nhất. Qua đó giúp khách hàng biết, cảm nhận được nhiều khía cạnh của quy trình sản xuất và tin tưởng lựa chọn sử dụng sản phẩm.

Nhiều sản phẩm OCOP của Thái Nguyên được người tiêu dùng quan tâm tại Hội chợ Công Thương OCOP Thái Nguyên năm 2024.

Có thể khẳng định, sản phẩm OCOP của Thái Nguyên đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, dưới sự hỗ trợ của công nghệ số, sản phẩm OCOP đang ngày càng được thị trường trong và ngoài tỉnh biết đến.

Dù vậy, để nâng tầm sản phẩm OCOP, các doanh nghiệp, HTX mong muốn được tỉnh hỗ trợ kinh phí để đầu tư thêm máy móc, công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến. Cùng với đó là triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn an toàn (hữu cơ, VietGAP, Global Gap); đào tạo nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa cho người lao động; thúc đẩy các nội dung về xúc tiến thương mại, bảo hộ kinh doanh đa phương với thế giới thông qua các hợp đồng bao tiêu sản phẩm an toàn, hiệu quả...