Thương hiệu - Doanh nghiệp

Nhà sáng lập Studio Anettai, anh Takahito Yamada: Mong muốn làm cầu nối kiến trúc Việt - Nhật 

Minh Hà

Sau hơn 1 thập kỷ sống và làm việc tại Việt Nam, anh Takahito Yamada đã dần định hình được phong cách kiến trúc của mình, anh mong muốn kết nối được các thế hệ kiến trúc sư của hai nước Việt Nam và Nhật Bản lại với nhau.

Dần dần hòa hợp với văn hóa bản địa

Trong tiếng Nhật, "Anettai" có nghĩa là "cận nhiệt đới", chính vì thế văn phòng kiến trúc Studio Anettai của nhà sáng lập Takihoto Yamada theo đuổi phong cách thiết kế đậm chất nhiệt đới, mỗi công trình đều được thiết kế không gian bán lộ thiên ngập tràn mảng xanh.

Anh Takahito Tamada, nhà sáng lập Studio Anettai

Một trong những dự án tiêu biểu của Studio Anettai chính là quán cà phê "ngủ trưa" Chidori-Coffee in Bed nằm ở quận 1 (TPHCM). Không gian của quán cà phê này lấy cảm hứng từ những con hẻm của Việt Nam nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc hiện đại của đất nước mặt trời mọc.

Khu vực chính của Chidori-Coffee in Bed chính là các "ngôi nhà" được thiết kế dưới dạng giường tầng, có tầm nhìn hướng ra lối nhìn chung rộng 2m, được thiết kế để có thể tái hiện được phần nào bầu không khí của một con hẻm Việt Nam. Khi khách hàng đến với nơi đây sẽ cảm nhận được như trở về con hẻm nơi có ngôi nhà thân yêu của mình.

"Trong quá trình học tập ở Nhật Bản, chúng tôi đã tập trung vào các nguyên tắc thiết kế nói chung chứ không nhất thiết phải theo phong cách Nhật Bản. Chúng tôi hướng tới việc nắm bắt bản chất của từng mẫu thiết kế và cố gắng để tích hợp một cách hài hòa nhất với văn hóa Việt Nam", anh Yamada lý giải về phong cách mà studio của anh đang theo đuổi.

Anh Takahito Yamada tiết lộ rằng, trong thời kỳ đầu, đã nhiều lúc anh cảm thấy bối rối khi hợp tác với khách hàng Việt Nam vì người Việt có xu hướng trang trí không gian sống của mình bằng một số đồ vật và vật dụng, phong cách này khác hoàn toàn so với Nhật Bản. Tuy nhiên, sau 1 thập kỷ sống và làm việc tại Việt Nam thì nhận thức của anh đã dần thay đổi. Lúc đầu anh còn thấy ngạc nhiên sau đó đã quen dần với cách trang trí của người Việt, anh nhận thấy đây không chỉ là thói quen mà người Việt coi những vật dụng đó như bằng chứng của sự cá nhân hóa, giúp các công trình kiến trúc thêm sinh động.

Muốn gắn bó lâu dài với Việt Nam

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tokyo Metropolitan, anh Takahito chưa từng làm việc ngày nào ở Nhật Bản. Trong quá trình theo đuổi đề tài tốt nghiệp cao học, anh đã ghé thăm Đông Nam Á và bị nơi đây cuốn hút. Sau khi tốt nghiệp anh đã quyết định đến Việt Nam để làm việc trong Công ty Kiến trúc Võ Trọng Nghĩa (VTN Architects) và hoạt động ở đây 5 năm, sau đó anh đã khởi nghiệp.

Khi mới bắt đầu khởi nghiệp, nhà sáng lập của Studio Anettai không tránh khỏi những xung đột, hiểu lầm với người bản xứ vì bất đồng ngôn ngữ và văn hóa. Tuy nhiên, may mắn anh đã tìm được đối tác thi công hợp ý, họ là những người hiểu rõ yêu cầu chất lượng của chủ thầu cũng có thể đứng ra giúp truyền tải, chỉ dẫn ý tưởng của các kiến trúc sư cho những người thợ Việt.

Sau vài năm khởi nghiệp với Studio Anettai, anh đã dần quen với phong cách làm "làm đến đâu, sửa đến đó". Khi mới nghe đến phong cách này thì có cảm giác không chặt chẽ nhưng nó có ưu điểm là giúp đẩy nhanh tiến độ hoàn hiện công trình.

Anh Takahito Yamada chia sẻ, trước đây khi làm bất kỳ dự án nào đều phải chốt phương án thiết kế trước, chỉ riêng ở Việt Nam thì không cần, làm đến đâu sẽ sửa bản vẽ sơ bộ thi công đến đó. Anh cảm nhận được tiến độ công việc như ở Việt Nam cực kỳ lý tưởng cho sự sáng tạo.

"Chỉ tại các nước đang phát triển giống như Việt Nam thì mọi người mới có thể không cần chốt phương án thiết kế trước, làm đến đâu thì sửa bản vẽ sơ bộ thi công đến đó. Tôi cũng cảm nhận được rằng tốc độ công việc tại Việt Nam rất lý tưởng cho sự sáng tạo", anh Takahito Yamada chia sẻ.

Dần dần, anh không chỉ chinh phục được khách hàng tại thị trường Việt Nam mà còn dần mở rộng ra các quốc gia khác như Nhật Bản, Ấn Độ. Nhà sáng lập cho biết, bản thân anh cũng mong muốn sẽ định cư lâu dài tại Việt Nam, anh cũng muốn đóng góp sức lực của mình để liên kết các kiến trúc sư của hai nước Việt - Nhật.

Anh Takahito Yamada nhận ra rằng ở Việt Nam đặc biệt là TP.HCM có rất nhiều kiến trúc trẻ đầy tài năng, đoạt được nhiều giải thưởng quốc tế, thế nhưng vẫn thiếu nhân lực để thiết kế bản vẽ và thiết kế nội-ngoại thất. Điều quan trọng hơn cả là giờ đây vẫn chưa có một nền tảng nào để các nhà thiết kế trao đổi hay tranh luận cùng nhau.

Anh cũng hy vọng rằng, trong tương lai Chính phủ hai nước Việt - Nhật sẽ có những chương trình có thể đưa được các nhà thiết kế Việt Nam sang Nhật Bản đào tạo, hoặc tổ chức các cuộc hội thảo tại Việt Nam.

Nhà sáng lập Studio Anettai đánh giá, đội ngũ thiết kế người Việt có sự nhiệt huyết, nắm vững được kỹ thuật kiến trúc, do đó, cả 2 phía đều sẽ hỏi học được khi có dịp giao lưu với nhau.

"Mặc dù đây chỉ là một lĩnh vực ngách nhưng tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm cơ hội. Tôi cũng mong chính mình sẽ tạo ra được những cơ hội tương tự cho những người làm trong ngành kiến trúc của cả hai nước", anh Takahito Yamada nói.

Theo Báo đầu tư