Start up

Nhà sáng lập FarmGo, anh Vũ Đức Tuấn: Hành trình cùng nông dân chuyển đổi số

Hello

Với khát vọng cháy bỏng nâng tầm giá trị ngành công nghệ trong nông nghiệp Việt Nam, Startup Vũ Đức Tuấn luôn mong muốn bất kể người nông dân nào cũng có thể tiếp cận được công nghệ dễ dàng, quản lý trang trại 4.0 để tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm.

Giấc mơ khởi nghiệp giúp đỡ người nông dân

Anh Vũ Đức Tuấn (1990) từ một kỹ sư IT có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Hà Nội, đã quyết định trở về quê hương tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh để xây dựng trang trại nuôi thủy sản. Tuy nhiên, kiến thức của anh về lĩnh vực mới này hoàn toàn từ con số 0 nên ngay từ những ngày đầu bắt tay vào làm trang trại, anh đã gặp vô cùng nhiều khó khăn.

Anh Tuấn cũng đã đi khắp nơi để học hỏi về các mô hình quản lý và điều hành sản xuất của trang trại, nhưng anh nhận ra phương thức quản lý trang trại tại Việt Nam vẫn còn rất thủ công, thiếu chặt chẽ và mỗi nơi đều gặp phải những vấn đề riêng. Chính từ những bài học thực tiễn này đã thôi thúc niềm đam mê công nghệ thông tin trong anh, tạo động lực để anh nghiên cứu và sáng tạo ra ứng dụng quản lý trang trại FarmGo.

Ứng dụng phần mềm FarmGo sẽ giúp họ tối ưu mọi vấn đề, tăng tính cạnh tranh giữa các trang trại

“Ban đầu, tôi cũng đã thử tìm kiếm xem có phần mềm nào giúp mình quản lý được trang trại hay không nhưng thực tế là tại Việt Nam vẫn chưa có ứng dụng chuyển đổi số riêng cho trang trại chăn nuôi. Do đó, tôi đã phát triển một ứng dụng dưới dạng beta để giúp mình quản lý trang trại tốt hơn và thật may là ứng dụng có hiệu quả bất ngờ. Thiết nghĩ nếu những người làm chăn nuôi mà không biết đến phần mềm để giúp họ giải quyết các vấn đề của trang trại thì thật là lãng phí nên tôi đã quyết định thành lập công ty và đem sản phẩm ra thị trường”, anh Tuấn chia sẻ.

Bản thân cũng là người trực tiếp điều hành trang trại, nên anh Tuấn thấu hiểu rõ nỗi niềm của những người nông dân là thường phải ghi chép thông tin dữ liệu bằng sổ sách, hoặc trên Excel nên rất khó có thể kiểm soát, liên kết với nhau. Thậm chí, có rất nhiều trang trại được xây dựng lên rồi lại bị bỏ dở do người nông dân chưa biết cách tối ưu được chăn nuôi, sổ quỹ, tồn kho, nhân sự, bán hàng,… nên kinh doanh không thành công. Việc ứng dụng phần mềm FarmGo sẽ giúp họ tối ưu mọi vấn đề, tăng tính cạnh tranh giữa các trang trại.

Anh Tuấn kể lại hành trình khi mới ra mắt phần mềm FarmGo, nhiều người chăn nuôi còn nhiều “bỡ ngỡ” với việc áp dụng công nghệ vào chăn nuôi nên họ rất ngại tiếp xúc do họ đã quen với nếp quản lý trang trại dựa vào kinh nghiệm truyền nối. Chính vì thế, anh đã cố gắng tạo ra một phần mềm “thân thiện” với người dùng, kèm theo những video hướng dẫn tận tình để những người chăn nuôi có thể dễ dàng làm theo được.

FarmGo là phần mềm “thân thiện” với người dùng

Tâm huyết của anh Tuấn là không chỉ phát triển phần mềm quản lý trang trại thông thường mà còn muốn đem công nghệ AI vào ứng dụng để giúp người chăn nuôi phân tích được hoạt động giữa nhiều trang trại với nhau, có thể tham chiếu được các thông số quan trắc môi trường, nguồn gốc, cách thức cho ăn, sức khỏe vật nuôi, lịch trình tiêm vắc xin,… để đưa ra những cảnh báo và ngăn chặn rủi ro sớm.

Đột phá chuyển đổi số nông nghiệp tại Việt Nam

Thời gian qua, phía Nhà nước đã tích cực thúc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất chăn nuôi của ngành nông nghiệp Việt Nam, tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn là một trong những ngành áp dụng công nghệ kém nhất so với lĩnh vực khác. Nguyên do là vấn đề tư duy, thói quen của người nông dân nước ta vẫn còn hạn chế.

Chính vì vậy, anh Vũ Đức Tuấn luôn hy vọng có thể đưa công nghệ số “đột phá” ngành nông nghiệp để thay đổi phương thức quản lý kinh doanh truyền thống, quản lý trang trại mọi lúc mọi nơi. Từ đó giúp người nông dân có thể tiết kiệm thời gian, công sức, phòng tránh rủi ro, tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm,…

Anh Vũ Đức Tuấn luôn hy vọng có thể đưa công nghệ số “đột phá” ngành nông nghiệp

Anh Tuấn cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ mới đòi hỏi các trang trại truyền thống phải thay đổi để thích nghi, những đơn vị nào ứng dụng được công nghệ nông nghiệp 4.0 sớm sẽ có lợi thế đi trước, còn lại những đơn vị nào không thay đổi sẽ dễ dàng bị loại bỏ khỏi thị trường.

“Trong vòng từ 3 – 5 năm tới, tôi tin rằng khi những công nghệ blockchain, truy xuất nguồn gốc, tự động hóa,... sẽ trở nên phổ biến vào chăn nuôi trang trại, từ đó giúp ngành nông nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn”, anh Tuấn nhận định.

Anh Tuấn luôn mong muốn bản thân có thể đóng góp được điều gì đó cho xã hội, khi xã hội cần thì mình có thể giải quyết được các vấn đề tồn tại. Đó chính là lý do mà anh Tuấn phát minh ra ứng dụng phần mềm quản lý trang trại này bằng sự nghiêm túc và đặt hết tâm huyết vào sản phẩm để chắc chắn có được thành công.

Bên cạnh đó, anh Tuấn cũng gửi gắm đến các bạn thanh niên trẻ đang trong quá trình khởi nghiệp khi chưa có nhiều kinh nghiệm thì hãy nỗ lực hết mình, nghiên cứu thị trường rộng mở và có thể tham gia vào các cuộc thi khởi nghiệp từ cấp địa phương đến trung ương để nhận được những chia sẻ về ý tưởng, học hỏi các doanh nghiệp đi trước để có thể trưởng thành hơn.