Bỏ thành phố về quê để "làm nông dân"
Anh Lê Ngọc Huê (quê Thái Bình), nhà sáng lập của An Thái Hưng chia sẻ, sau khi học xong chương trình lớp 12 anh đã tình nguyện đi bộ đội. Năm 2007 anh đã xuất ngũ với quân hàm thiếu úy và đã thi đỗ vào trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, sau đó anh đã học tiếp văn bằng 2 tại Đại học Luật.
Một lần về thăm quê ở Quỳnh Phụ, Thái Bình, anh thấy bố mình đào cây đinh lăng, anh đã hỏi bố liệu một cây này thì bán được bao nhiêu tiền. Khi được bố cho biết, anh đã lóe lên ý định "tại sao mình không tận dụng giống cây thảo dược vừa dễ trồng, vừa đem lại giá trị cao này để phát triển kinh tế", lần đó về quê cũng chính là bước ngoặt thay đổi hướng lập nghiệp của anh.
Rồi anh lại tình cờ nhìn thấy những bao tải đựng thuốc lá của bà, anh mới nhớ đến nhà mình ngày trước từng làm thuốc nam. Cả bà nội và bà ngoại đều dành cả đời để đi tìm và trồng những cây thuốc để chữa bệnh, cứu người. Dù bà đã đi xa nhưng anh không khỏi chạnh lòng và một lòng quyết tâm khôi phục nghề nam dược. Khi đó, anh đã quyết định dừng hết công việc ở TP.HCM và hợp đồng ở nước ngoài để quay về quê khởi nghiệp. Thế nhưng, đây cũng chính là lúc sóng gió bắt đầu.
Khởi nghiệp, một lần lại một lần thất bại
Khó khăn đầu tiên trên con đường khởi nghiệp của anh chính là sự phản đối của gia đình. Sau khi biết tin anh quyết định về quê để làm nông dân, bố anh đã kịch liệt phản đối. Thế nhưng anh là người không ngại khó, không ngại khổ, sau nhiều lần thuyết phục gia đình anh đã đồng ý và cùng vào cuộc khởi nghiệp với anh. Lúc đó, bố anh có giao hẹn nếu như không thành công thì phải quay lại TP.HCM
Sau khi gom góp được vốn liền, anh đã thuê lại đất của người dân trong xã, nhận họ vào làm và trả tiền thuê đất theo hàng năm. Thời điểm đó, không ít người hoài nghi liệu một người trẻ tuổi làm "tay ngang" như anh có thành công hay không.
Lúc bắt đầu, anh trồng các giống cây thuốc nam như nhân trần, ích mẫu... trên 5ha diện tích đất. Đất tốt, cây thuốc phát triển tốt nhưng không lại được với cỏ dại, chúng lấn át hết giống cây. Sau lần đầu tiên thất bại này, anh Huê đã mất 200 triệu đồng.
Nghĩ đến trồng cỏ ngọt vừa đạt được giá trị cao vừa chống được cỏ dại, anh đã trồng cỏ ngọt. Nhưng gặp phải mùa xuân nhiều mưa, úng nước, khiến 5ha cỏ thối hết. Sang vụ thứ 3 anh quyết định trồng cây đinh lăng vì toàn bộ cây đều có giá trị, thế nhưng gặp phải mùa đông sương muối khiến đinh lăng chết gần hết.
Sau 3 lần trồng cây thất bại, anh Huệ đã thiệt hại 600 triệu đồng. "Đó là thời điểm năm 2021, tất cả đều là tiền đi vay mượn, bố mẹ thế chấp đất, sự nghiệp trên bờ vực thẳm", anh Huế nhớ lại ngày đầu khó khăn đó.
Khi đó, cả gia đình anh gần như sụp đổ. Nhiều khi anh thức trắng đêm bên những mảnh ruộng trơ trụi của mình, anh cay đắng nhận ra mình đã quá chú trọng đến việc trồng thật nhiều, thật nhanh mà không hiểu được đặc tính của từng loại cây trồng. Đến lần thứ 4, anh quyết định trồng xen lẫn chùm ngây và đinh lăng. Cây chùm ngây lớn lên có tán giúp che bớt sương và nắng cho đinh lăng. Ngoài ra, anh còn đi tìm hiểu và trống thêm một số cây thuốc nam khác nữa.
Khát vọng nâng tầm "trà Việt" với sản phẩm trà thảo dược
Trời không phụ người có lòng, đến mùa thứ 4 thì anh Huê đã gặt hái được thành công, đã trả được gần hết nợ đồng thời anh cũng thuyết phục được bà con cho thuê ruộng để tăng diện tích trồng cây lên đến 15ha. Cứ đến mùa thu hoạch là có thương lái đến chờ để thu mua.
Nhà anh vốn có nghề bí truyền cộng thêm tinh thần học hỏi và chịu khó mày mò của mình mà anh Huê đã quyết định sản xuất trà túi lọc. Đến năm 2013, anh quyết định thành lập công ty, sau đó vay vốn, mua thiết bị, mua công nghệ để sản xuất trà túi lọc. Khi đó, anh đã đến từng cửa hàng để chào mời, anh thậm chí còn không lấy tiền để tạo niềm tin cho họ.
Vượt qua sự mong đợi của anh, trà túi lọc thảo dược đã được khách hàng đón nhận và yêu thích. Là một người nhanh nhạy, biết nắm bắt xu hướng "hướng về thiên nhiên" của cộng đồng mà anh đã quyết tâm đầu tư vào xây dựng nhà máy sản xuất bài bản, chất lượng cao.
Ngoài ra, anh Huê cũng đầu tư vào việc xây dựng vùng nguyên liệu khép kín từ việc trồng, thu hái và sơ chế đều theo công nghệ hiện đại. Với hình thức liên kết, hợp tác ở cả trong và ngoài tỉnh mà An Thái Hưng đã xây dựng được vùng nguyên liệu rộng hàng chục ha tại một số tỉnh phía Bắc.
Anh Huê chia sẻ, năm 2016, An Thái Hưng đã được thực hiện dự án cấp nhà nước là dự án "Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào xây dựng mô hình sản xuất giống và dược liệu đinh lăng, cà gai tại tỉnh Thái Bình" của Bộ Khoa học và Công Nghệ. Sang năm 2017, An Thái Hưng cũng đã hoàn thành đề tài về cây chùm ngây và cây hoài ngọc của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Bình. Sau đó, đã xây dựng được vùng nhân giống đinh lăng, cà leo với quy mô rộng 8ha, đảm bảo cung cấp được nguồn giống cây trồng cho dự án.
Hiện nay, thương hiệu trà An Thái Hưng là một trong Top 10 thương hiệu trà thảo mộc CHẤT LƯỢNG được người tiêu dùng ưa chuộng, ngoài ra đây cũng là một trong những doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược. Nhà sáng lập của công ty, anh Huê cho biết, đến nay An Thái Hưng đang có khoảng 400 sản phẩm thuộc 5 nhóm bao gồm tinh dầu, bột hòa tan, các sản phẩm thảo dược chăm sóc sức khỏe gia đình, hóa-mỹ phẩm và trà thảo dược.
Trong đó, trà thảo dược chính là nhóm sản phẩm chủ lực được An Thái Hưng tập trung nguồn lực và hiện đang được công ty gia công cho 85 đối tác. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh ngày càng lớn của mình, An Thái Hưng đã đầu tư xây dựng hai nhà máy với tổng quy mô lên đến 30.000 mét vuông.
Đến Shark Tank kêu gọi đầu tư và lọt vào mắt xanh của Shark Hưng
Mới đây, nhà sáng lập của An Thái Hưng đã đến với Shark Tank để kêu gọi các Shark đầu tư 20 tỷ vào công ty để đổi lấy 6% cổ phần.
Tiết lộ về bức tranh tài chính của công ty mình, anh Huê cho biết, tổng tài sản của An Thái Hưng là 128 tỷ bao gồm vốn chủ 122 tỷ và vốn vay là 6 tỷ. Năm 2021, doanh thu của công ty đạt 25 tỷ, năm 2022 là 46 tỷ, mục tiêu năm 2023 đạt doanh thu 80 tỷ với lãi ròng đạt 25%. Được biết, khoảng 95% danh thu của An Thái Hưng đến từ mảng gia công cho doanh nghiệp khác.
Anh Huê khẳng định, hiện tại An Thái Hưng đang có một nền tảng rất vững chắc khi "đã thực hiện một dự án nghiên cứu khoa học cấp quốc gia và ba đề tài nghiên cứu cấp tỉnh", bên cạnh đó, An Thái Hưng còn nhận được sự cố vấn đến từ một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực dược liệu. Hiện nay, công ty đã phát triển được vùng nguyên liệu ở 3 tỉnh Thái Bình, Bắc Kạn và Thái Nguyên.
Anh Huê cũng tự tin chia sẻ rằng, hiện nay ở miền Bắc "gần như chưa có đơn vị nào" có mô hình tương tự An Thái Hưng bởi doanh nghiệp này đã đầu tư vào máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại như chiết suất bằng chân không, sấy khô ly tâm, hệ thống sấy thăng hoa...
Trong các Shark của chương trình thì có Shark Hưng thấy hào hứng với An Thái Hưng và cho rằng doanh nghiệp có thể trở thành đối tác OEM sản phẩm trà của mình. Tuy nhiên, Shark Hưng lại thấy lo ngại về sự xung đột lợi ích khi vừa là cổ đông vừa là khách hàng. Chính vì thế, Shark Hưng đã đề nghị với nhà sáng lập Lê Ngọc Huê thay đổi cấu trúc deal. Shark Hưng cũng đề nghị sẽ đầu tư vào An Thái Hưng 5 tỷ đồng cho 5% cổ phần, còn 15 tỷ đồng còn lại sẽ đầu tư dưới dạng hợp tác kinh doanh sản phẩm và quy đổi bằng chi phí đặt hàng OEM.
Anh Lê Ngọc Huê nhận thấy hệ sinh thái của công ty có nhiều điểm trùng với tập đoàn của Shark Hưng nên đã chấp nhận lời đề nghị này. Sự tham gia của Shark Hưng chắc chắn sẽ tạo nguồn lực để doanh nghiệp An Thái Hưng của anh Lê Ngọc Huê vững bước hơn trên giai đoạn phát triển sắp tới.