Thương hiệu - Doanh nghiệp

Nhà đồng sáng lập kiêm CEO enfarm Agritech, anh Đỗ Dũng Nguyễn: Với Enfarm, người nông dân luôn có chuyên gia nông nghiệp đồng hành 24/7

Minh Hà

Anh Nguyễn Đỗ Dũng từ một chuyên gia quốc tế về quy hoạch và thiết kế đô thị, sau đó anh đã rẽ lối sang khởi nghiệp với enfarm Agritech nhằm phát triển công nghệ bón phân thông minh góp phần giúp người nông dân canh tác hiệu quả hơn, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững

Hành trình đồng hành cùng người nông dân

Lúc còn làm công tác quy hoạch cho các địa phương, nhất là các tỉnh Bến Tre, Tây Ninh, Bình Phước... Anh Nguyễn Đỗ Dũng đã nhận thấy, hầu hết người nông dân đều trồng trọt dựa theo kinh nghiệm mà không có bất kỳ dữ liệu nào hỗ trợ. Người nông dân phải đơn độc khi làm nông nghiệp, không chỉ đối mặt với những rủi ro về mùa màng mà còn phải đối mặt với rủi ro về thị trường.

Nhà sáng lập kiêm CEO enfarm Agritech, anh Nguyễn Đỗ Dũng

Chính vì lý do này, anh đã cùng với anh Hồ Long Phi, một người con của vùng Đồng Bằng sông Cửu Long đồng thời cũng là chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước, thành lập enfarm Agritech. Hai người đã bắt tay nhau xây dựng một công ty ứng dụng Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) với mục tiêu phát triển công nghệ bón phân thông minh để giúp người dân gia tăng thu nhập, đồng thời bảo vệ môi trường trong quá trình canh tác và tạo nên một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững.

Theo anh Nguyễn Đỗ Dũng, trong quá trình canh tác nông nghiệp, phân bón đóng một vai trò rất quan trọng. Hiện tại theo ước tính, phân bón góp 40% trong việc tăng sản lượng cho cây trồng ở nước ta. Trong khi đó, phân bón chiếm phần lớn chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp. Do đó, enfarm Agritech đã lựa chọn phát triển công nghệ phân bón thông minh.

Theo một nghiên cứu công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện phân bón vẫn chưa được sử dụng một cách hiệu quả và bền vững ở nước ta, hiệu suất chỉ đạt 40% nghĩa là còn khoảng 60% lượng phân bón cây trồng không hấp thụ được bị giữ lại trong môi trường.

Điều đó có nghĩa là người nông dân vừa tốn chi phí vừa khiến cho đất gia tăng độ chua. Dần dần đất bị thoái hóa sẽ ảnh hưởng đến sản lượng của cây trồng đồng thời ảnh hưởng đến môi trường gây ô nhiễm đất, nguồn nước. Tính theo giá phân bón trên thị trường hiện nay, ước tính quy mô thất thoát mỗi năm lên đến 3,6 tỷ USD.

"Trong quá trình phát triển công nghệ IoT và sensor (cảm biến) trong lĩnh vực đô thị thông minh, tôi nhận thấy, đây chính là cơ hội để giải quyết các vấn đề nông nghiệp của nước ta hiện nay", anh Nguyễn Đỗ Dũng chia sẻ.

Công nghệ chính là yếu tố cốt lõi

Ưu tiên hàng đầu của enfarm Agritech khi phát triển giải pháp thiết bị công nghệ phân bón thông minh chính là yếu tố dữ liệu và mức độ tiết kiệm chi phí.

"Khi có dữ liệu về đất, độ dinh dưỡng, độ ẩm... AI sẽ khuyến cáo người nông dân nên bón loại phân gì, lượng bao nhiêu. Bên cạnh đó, AI sẽ đưa ra cho người nông dân những khuyến cáo giúp "bắt bệnh" cho cây trồng theo các tiêu chí khoa học mà nguồn dữ liệu cung cấp, giúp họ giảm thời gian, tiết kiệm được chi phí đầu, công sức chăm sóc...", anh Dũng nói.

Bí quyết giúp giảm chi phí của enfarm Agritech nằm ở công nghệ xử lý tập trung, thông qua ứng dụng Enfarm trên điện thoại thông minh sẽ gửi khuyến nghị tới người nông dân. Bộ phân tích thiết bị SF23-01 của enfarm Agritech bao gồm hai bộ phận, trong đó một thiết bị được cắm sâu 30cm xuống đất có chức năng thu thập những thông tin liên quan đến quá trình sinh trưởng của cây trồng và dinh dưỡng trong đấy, một thiết bị dùng để ghi, truyền dữ liệu, cứ 15 phút/lần sẽ gửi số liệu về máy chủ đặt tại TP.HCM để phân tích rồi gửi thông tin đến người nông dân qua ứng dụng Enfarm. Thiết bị này có thể đưa ra những khuyến nghị cho người nông dân xem khi nào nên bón phân, bón loại gì và lượng phân cần bón.

Bộ thiết bị bón phân thông minh SF23-01 của enfarm Agritech

Ngoài các chức năng chính là thông báo về phân bón, thổ nhưỡng thì ứng dụng Enfarm còn được tích hợp một số công dụng như dự báo thời tiết, thông tin về độ ẩm, độ pH, mức tưới tiêu, sức khỏe của cây trồng.... Bên cạnh đó, Enfarm còn có thể xác định được loại sâu bệnh bằng AI. Người nông dân chỉ cần chụp hình lá cây, thân cây... khi đó AI sẽ phân tích và ứng dụng sẽ cho biết cây bị bệnh gì, cần giải quyết như thế nào. Trong tương lai, người nông dân có thể sử dụng phần mềm này để đăng ký các chứng nhận về nông nghiệp sạch, hữu cơ...

"Như vậy, với phần mềm Enfarm, người nông dân sẽ như có chuyên gia nông nghiệp đồng hành 24/7, vừa giúp giải đáp thắc mắc, vừa cung cấp thông tin, giúp họ trở thành chuyên gia nông nghiệp, có thể thông thạo thời tiết, giá cả và thấu hiểu được các chỉ số của đất. Đây chính là định hướng trong giai đoạn tới của Enfarm để hướng đến cuộc cách mạng nông nghiệp xanh", anh Dũng chia sẻ kỳ vọng của mình. Anh cũng nói rằng, đội ngũ enfarm Agritech luôn tâm niệm phải làm ra những sản phẩm có ích, dễ sử dụng đồng thời phải xây dựng lòng tin với người nông dân.

Trong lĩnh vực khoa học về đất, về nông nghiệp, enfarm Agritech cũng rất tin tưởng vào sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học đến từ Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên và các chuyên gia Nông nghiệp và môi trường của công ty. Bên cạnh đó, enfarm Agritech cũng không ngừng đầu tư để phát triển công nghệ, nâng cấp ứng dụng, giúp truyền tải dữ liệu đồng thời đưa ra cho người dân những khuyến cáo có độ chính xác cao, tạo niềm tin vững chắc đối với họ.

Nâng cao giá trị cho các loại nông sản 

Cuối năm 2022, enfarm đã bắt đầu triển khai kế hoạch thực hiện các thí nghiệm của mình trên hàng ngàn mẫu đất sau khi học hỏi, chuẩn bị nguồn lực, chuẩn bị đội ngũ chuyên gia về nông nghiệp và công nghệ thông tin. Mục tiêu của thí nghiệm này chính là tìm ra giải pháp giúp đo được lượng chất dinh dưỡng có trong đất một cách hiệu quả nhất với chi phí hợp lý nhất.

Thí nghiệm ứng dụng công nghệ bón phân thông minh được thực hiện trên 500 mẫu cà phê trồng trong ống tại TP.HCM. Kết quả đạt được khá khả quan, đội ngũ enfarm Agritech đã không ngại gần lên rẫy để so sánh và kiểm chứng được hiệu quả.

Tháng 7/2023, tại vườn thực nghiệm Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, enfarm Agritech đã thử nghiệm những mẫu sản phẩm đầu tiên. Đến tháng 9 thì đơn vị này đã đưa thiết bị SF23-01 vào triển khai tại vùng trồng cà phê rộng gần 1.000 ha ở Đắk Lắk với 2 hợp tác xã và 10 điểm hộ nông dân. Kết quả thí nghiệm tại viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên ghi nhận được thì thiết bị này có thể giảm lượng phân cần bón cho cây cà phê lên đến 50% so với các kết quả ban đầu.

Lễ ký kết hợp đồng hợp tác nghiên cứu phân bón thông minh giữa Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên và enfarm Agritech

Theo anh Dũng, con số 50% cũng là khá lớn bởi thông thường người nông dân phải tốn 30-40 triệu đồng phân bón cho mỗi hecta thì với thiết bị của enfarm Agritech thì người nông dân có thể giảm được 10-15 triệu đồng chi phí phân bón cho mỗi hecta. Ngoài ra, phương thức bón phân thông minh còn giúp mỗi hộ nông dân tiết kiệm được khoảng 6 triệu đồng trên mỗi hecta, đồng nghĩa sẽ giúp người nông dân thu nhập được gấp rưỡi thậm chí gấp đôi. Do đó, enfarm Agritech tự tin tháng 12 này sẽ bắt đầu cung cấp cho thị trường và bà con nông dân sản phẩm của mình.

Ngoài ra, cũng theo kết quả tại Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên thì đối với cây cà phê, nếu bón phân theo công thức phù hợp thì năng suất của cây trồng sẽ tăng đến 20%. Hiện nay, giá bán cà phê vào khoảng 65 triệu đồng/tấn thì với năng suất trung bình 3,5 tấn/ha thì năng suất tăng 20% tương đương với 45 triệu đồng/năm.

"Hiện tại, các nhà thu mua cà phê lớn ở Việt Nam như Nestlé đều đặt tiêu chí bảo vệ môi trường khi tìm mua nông sản. Nếu bà con nông dân cắt giảm được phân hoá học thì cà phê sẽ được cộng thêm điểm và được thu mua với giá cao hơn. Mới đây, các nước châu Âu cũng đã có quy định về nông sản nhập khẩu không có nguồn gốc từ đất phá rừng. Với thiết bị cảm biến nằm trong đất của enfarm Agritech, có thể xác định được nguồn gốc đất trồng, vị trí trồng cây cà phê... sẽ rất thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc của sản phẩm khi xuất khẩu. Vì vậy, mục tiêu mà enfarm Agritech hướng đến là được cấp chứng chỉ và được công nhận bởi các nước nhập khẩu nông sản, các nhà xuất khẩu nông sản", CEO Nguyễn Đỗ Dũng chia sẻ.

Năm 2024, mục tiêu của enfarm Agritech chính là mở rộng và hoàn thành việc áp dụng công nghệ của mình cho từ 1-2 loại cây khác như sầu riêng, thăng long, tập trung ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, nỗ lực tiến tới mở rộng đến Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025. Tuy nhiên để có thể mở rộng danh mục trên nhiều loại cây trồng khác nhau thì anh Dũng kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước hay các tổ chức muốn thúc đẩy nền nông nghiệp bền vững.