Start up Khởi nghiệp xanh

Người nghệ nhân đau đáu với nghệ thuật điêu khắc đá mỹ nghệ Việt

Hoài Nguyễn

Biết nghệ nhân Cao Văn Chiến trong chương trình “Vinh quang trí tuệ Bàn tay vàng-Tự hào thương hiệu Việt Nam” do Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam (VATA) phối hợp cùng Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam (VGJA) tổ chức gần cuối tháng 4/2024 vừa qua, tôi đặc biệt ấn tượng với những tác phẩm điêu khắc đá mỹ nghệ của người nghệ nhân được vinh danh “Nghệ nhân quốc gia 2024” này.

Nghệ nhân Cao Văn Chiến quê gốc Thanh Hóa, sinh năm 1984 và có thâm niên trong nghề điêu khắc đá mỹ nghệ từ năm 1997. Anh không chỉ tham gia điêu khắc các tác phẩm khối đá khổng lồ mà còn là tác giả của nhiều sản phẩm đá mỹ nghệ mi-ni tinh xảo, đưa nghệ thuật điêu khắc đã mỹ nghệ từ khu vực chỉ dành cho đình, chùa, miếu mạo đến gần hơn với cuộc sống thường nhật hàng ngày với các sản phẩm đá trang sức mỹ lệ. Không những thế, anh còn là một người tâm huyết và đau đáu, có trách nhiệm đến cùng với mỗi sản phẩm mình sáng tạo ra. Tỉ mẩn, cụ thể, chi tiết và quyết liệt, đó là những gì người nghệ nhân này mang đến cho cảm nhận của những người tiếp xúc với anh, chứng kiến anh làm nghề và lắng nghe anh tâm sự về nghề.

Nghệ nhân Cao Văn Chiến nhận danh hiệu Nghệ nhân quốc gia 2024 vào 20/4/2024 vừa qua.

Một số thành tích anh nhận được vài năm trở lại đây cũng là minh chứng chính yếu và sinh động cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của anh kể từ khi làm nghề (1997) đến nay. Năm 2023, anh nhận giải vàng Cuộc thi thiết kế sản phẩm mỹ nghệ, kim hoàn, đá quý Việt Nam với tác phẩm "Thiện – Ác" và cùng năm đó được trao "Chứng nhận nghệ nhân bàn tay vàng" của Hội mỹ nghệ, kim hoàn đá quý Việt Nam. Vừa mới đây, giữa tháng 1/2024, anh được chính thức trao tặng danh hiệu "nghệ nhân Hà Nội" với lĩnh vực "điêu khắc đá". Đến tháng 4/2024, anh đón nhận danh hiệu "Nghệ nhân quốc gia" cũng trong lĩnh vực "điều khắc đá". Những thành công đó đến không chỉ là trong ngày một ngày hai mà là kết quả của cả một hành trình học nghề, rèn giũa nghề và không ngừng nêu cao tinh thần kỷ luật nghề nghiệp, trách nhiệm làm nghề của người nghệ nhân tài hoa và luôn đắm say với nghề này.

Gặp gỡ, trao đổi với nghệ nhân Cao Văn Chiến mới thấy rõ ở anh một sự say nghề, tâm huyết với nghề, trách nhiệm tỉ mẩn với từng sản phẩm mình làm ra lớn lao đến thế nào. Ít nói, chỉ mỉm cười hiền lành khi trò chuyện và chứng kiến nghệ nhân bắt tay vào sáng tạo tác phẩm thì hầu hết ai cũng bị thu hút và hấp dẫn bởi sự tỉ mẩn, chỉn chu gần như đến mức tuyệt đối của Anh.

Tác phẩm ấn vua Lê tỷ lê 1:1 do nghệ nhân Cao Văn Chiến chế tác được trưng bày tại Khu di tích Lam Kinh, Thanh Hóa.

Tâm sự với tôi, anh kể, năm 1997, anh bắt đầu làm việc tại Công ty Tu bổ Di tích và Xây dựng công trình văn hoá Thanh Hoá và được trực tiếp Giám đốc công ty là Nhà điêu khắc Hoàng Tuấn Liêm chỉ dậy, giao công việc cụ thể. Ban ngày hoàn thành công việc được giao, buổi tối ngồi xem các tài liệu về lịch sử các cổ vật… do niềm đam mê về điêu khắc và được người thầy đầu tiên là ông Hoàng Tuấn Liêm nhìn ra được năng khiếu trong lĩnh vực điêu khắc nên nghệ nhân Cao Văn Chiến đã được giao thực hành ngay trong tháng đầu tiên khi vào làm việc. Ngắn ngủi sau 3 tháng làm việc, khi đó còn là cậu học sinh lớp 7, Cao Văn Chiến đã được tham gia vẽ, thiết kế một số mẫu điêu khắc đình chùa. 6 năm miệt mài học nghề, làm nghề với người thầy, người truyền lửa đam mê điêu khắc đã mỹ nghệ Hoàng Tuấn Liêm, với mong muốn được làm các loại tác phẩm điêu khắc ở các lĩnh vực khác nhau và thử thách bản thân hơn nữa, năm 2003, nghệ nhân Cao Văn Chiến rời Thanh Hoá ra Hà Nội làm việc tại một Cơ sở điêu khắc đá quý. Sau 02 năm làm điêu khắc và tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm điêu khắc các tác phẩm đá quý tại Hà Nội, nghệ nhân Cao Văn Chiến quay về Công ty Tu bổ Di tích và Xây dựng công trình Văn hoá Thành Hoá. Đây là khoảng thời gian nghệ nhân Cao Văn Chiến được giao tham gia vẽ và trực tiếp thi công một số hạng mục thuộc công trình phục dựng khu Di tích lịch sử Lam Kinh và nhiều công trình tôn tạo, phục dựng các di tích khác của tỉnh Thanh Hoá.

Năm 2008, nghệ nhân Cao Văn Chiến vừa tham gia một số hạng mục tôn tạo phục dựng Khu di tích Lam Kinh, Thanh Hóa cùng thầy của mình, nhà điêu khắc tài ba Hoàng Tuấn Liêm đồng thời mở cơ sở điêu khắc, chế tác đá quý tại Đông Anh, Hà Nội, song song là đào tạo thêm các nghệ nhân. Hiện, anh đã đào tạo được khá nhiều thế hệ học trò hiện đang làm việc khắp nơi trong cả nước.

Năm 2009, nghệ nhân Cao Văn Chiến kết hợp với Phong thuỷ Lạc Việt mở thêm xưởng chế tác đá quý và phục dựng các linh vật lịch sử của nền văn minh Văn Lang điển hình là các tác phẩm: ông Cóc, Rồng thời Lý cùng các tác phẩm linh vật gồm: Rùa, Nghê, Si Vẫn, Lân; phục chế tranh dân gian bằng chất liệu đá quý như: Tam Dương Khai Thái, Đàn Lợn Âm Dương, Tranh Ngũ hổ, Tranh Phật Adida cổ theo mẫu chùa Phật Tích.. Bên cạnh đó còn điêu khắc tượng đức Thánh Trần Hưng Đạo và một số pho tượng cổ…

Đến năm 2014, tham gia cùng Phong thuỷ Lạc Việt thực hiện một số hạng mục gồm: Rùa đội bia, lư hương, ngọc đính mũ, câu đối đá quý… tại Tổ Miếu Vua Hùng, Việt Trì, Phú Thọ.

Năm 2015, nghệ nhân mở thêm cơ sở chế tác đá quý tại Võ Chí Công, Tây Hồ, Hà Nội chuyên chế tác các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật cao cho các đối tác Mỹ, Dubai điển hình là Bộ Cờ Vua chất liệu Ruby, Saphia…được nhà sưu tập đá quý người Mỹ Saravanan Thangaraj lựa chọn. Sang năm 2016, nghệ nhân Cao Văn Chiến đã kết hợp cùng Công ty cổ phần đầu tư phát triển xây dựng Đông Nam mở cơ sở kinh doanh tại 52 Tôn Đức Thắng, Hà Nội. Trong hai năm 2017 - 2018 nghệ nhân Cao Văn Chiến sang Trung Quốc học hỏi, trao đổi kinh nghiệm điêu khắc với các nghệ nhân Trung Quốc và năm 2019 kết hợp với một số nghệ nhân Trung Quốc mở xưởng chế tác các tác phẩm độc đáo xuất đi các nước trên thế giới, trong đó có nhiều tác phẩm mang giá trị lịch sử và nghệ thuật chế tác thủ công rất cao.

Nghệ nhân Cao Văn Chiến nhận danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội vào tháng 1/2024.

Cùng với việc cho ra đời nhiều tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật, lịch sử rất cao; nghệ nhân Cao Văn Chiến còn hợp tác với các đối tác nước ngoài Mỹ, Ấn Độ, Srilanka, Dubai, Thái Lan, Trung Quốc và một số nước… Đáng chú ý, anh đã kết hợp với Công ty Việt Hung – Thanh Hoá chế tác các điêu khắc tác phẩm xuất khẩu sang châu Âu với tác phẩm điển hình là Vạn Lý Trường Thành bằng đá Nhồi Thanh Hoá.

Tâm sự thêm về nghề, về 27 năm làm nghề miệt mài, không ngừng nghỉ (từ 1997 đến nay), nghệ nhân Cao Văn Chiến đã không ít lần nhắc đến người thầy mà anh vô cùng tôn kính, người đầu tiên đã phát hiện ra năng khiếu thiên bẩm của anh và đưa anh ngày càng tỏa sáng với nghề là nhà điêu khắc Hoàng Tuấn Liêm. Nghệ nhân Cao Văn Chiến luôn nhắc đến tấm gương của thầy và gần như mọi thành công với nghề anh có được là nhờ thầy đã dạy dỗ anh hết sức cẩn thận và tỉ mỉ. Anh kể, hồi mới đầu vào nghề, thầy giao cho vẽ phác thảo, vẽ đi vẽ lại rồi mới cho thực hành trên gỗ, quen trên gỗ rồi mới làm trên đá, cứ dần dần, từ từ mà thành. Anh cũng chia sẻ, bí quyết làm nghề là phải hết sức chi tiết, tỉ mẩn, kỹ lưỡng cũng như luôn tìm tòi, học hỏi để phát huy óc sáng tạo, làm ra những sản phẩm mới mẻ, hấp dẫn thị hiếu người tiêu dùng mới, để những sản phẩm đá mỹ nghệ nhất là trang sức có thể đến với đông đảo người dân hơn, phổ cập rộng rãi hơn. Tác phẩm đá mỹ nghệ giờ đây không chỉ đơn thuần là phục dựng các hình ảnh vật phẩm lịch sử mà còn phải mang hơi thở của cuộc sống đương đại, gần gũi và thân thuộc. "Tôi quan sát thầy tôi, làm theo thầy tôi và giờ tôi mang đúng phong cách của thầy tôi truyền thụ lại cho thế hệ học trò sau này của tôi" – nghệ nhân Cao Văn Chiến nói.

Một số tác phẩm tiêu biểu của nghệ nhân Cao Văn Chiến: Chuyên phục dựng các Ấn cổ của các triều đại Vua, ấn dòng họ… điển hình là: Ấn Vua Lê tỷ lệ 1:1 được trưng bày tại Khu di tích Lam Kinh, ngũ long ấn; Bộ cờ vua chế tác từ Ruby, Saphia; Pho tượng phật ngọc jade 5 tấn; Tượng Thần Nông được trưng bày tại Bảo tháp Thần Nông tỉnh Bắc Ninh đã được công nhận Kỷ Guines lục Châu Á; Bức tranh chân dung đá quý tặng Nhà vua Thái Lan; Tượng Phật bà quan thế âm bồ tát gỗ hoá thạch và Di Lặc Thạch anh trắng ở chùa Phúc Lâm thôn La Xuyên xã Yên Ninh huyện Ý Yên tỉnh Nam Định; 23 Pho tượng đá (tượng Adida, Phổ Hiền bồ tát, Văn Thù bồ tát, Đại Thế Chí, Thích Ca niết bàn – chùa La Khởi thị trấn Gia Lộc huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương); Tôn tạo pho tượng Di Lặc tại Chùa Di Lặc - Đông Anh…