Start up Khởi nghiệp xanh

Nghỉ việc ở một tập đoàn, bác sĩ khởi nghiệp nuôi bò và kết quả bất ngờ

Hà Khê

Được một tập đoàn nhận vào làm việc với mức lương ổn định nhưng anh Nguyễn Tấn Đạt quyết định trở về Lâm Đồng xây dựng trang trại chăn nuôi.

Tại xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng, anh Nguyễn Tấn Đạt (SN 1990, quê gốc Tiền Giang) được biết đến là ông chủ trang trại chăn nuôi trẻ tuổi, có nguồn thu nhập nhiều người mơ ước.

Năm 2013, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ thú y, Đại học Nông lâm TPHCM, anh Nguyễn Tấn Đạt có cơ hội được sang Israel và Mỹ để học tập, nâng cao kiến thức.

Anh Nguyễn Tấn Đạt xây dựng trang trại, chăn nuôi bò sữa ở Lâm Đồng (Ảnh: Văn Minh).

Năm 2015, sau khi hoàn thành các khóa đào tạo ở nước ngoài, anh Đạt trở về nước và được một tập đoàn tại tỉnh Gia Lai nhận vào làm việc với mức lương ổn định.

Sau 2 năm làm việc, anh Đạt nhận thấy chăn nuôi bò sữa có nhiều triển vọng nên quyết định đầu tư.

"Năm 2017, tôi xin nghỉ việc rồi bàn với người thân trong gia đình vay ngân hàng gần 3 tỷ đồng để khởi nghiệp. Khi có vốn, tôi đến xã Tu Tra mua đất, xây dựng trang trại và bắt đầu hành trình mới với 30 con bò sữa", anh Nguyễn Tấn Đạt nói.

Có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực thú y, tuy nhiên, khi bắt tay vào gây dựng cơ nghiệp, anh Đạt nhiều lần đối diện khó khăn. Suốt nhiều tháng, chủ trang trại trẻ tuổi phải tìm đến những người có kinh nghiệm chăn nuôi để học hỏi cách chăm sóc, phối trộn thức ăn, đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho vật nuôi.

"Khi bắt tay vào chăn nuôi, tôi phải đối diện với các vấn đề như: Sức khỏe của bò bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, chất lượng sữa bị ảnh hưởng bởi chế độ dinh dưỡng và các loại dịch bệnh phức tạp… Đó là quá trình vô cùng gian nan với tôi", anh Đạt chia sẻ.

Sau gần 1 năm, những vấn đề khó khăn trong chăn nuôi đã được anh Đạt đưa ra giải pháp xử lý. Việc chăn nuôi dần ổn định, quy mô đàn bò tăng dần với sản lượng sữa ổn định. Nguồn sữa bò nguyên liệu cũng được một công ty đóng tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng ký hợp đồng thu mua.

Hiện nay, trang trại của gia đình anh Đạt có tổng cộng 100 bò sữa, trong đó có 40 con cho khai thác sữa. "Trung bình, mỗi ngày tôi bán cho đối tác 1 tấn sữa, thu về 15 triệu đồng", anh Nguyễn Tấn Đạt thổ lộ.

Hiện nay, anh Đạt cung cấp giống bò sữa cho người chăn nuôi tại địa phương (Ảnh: Văn Minh).

Ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng, cho biết, mô hình chăn nuôi bò sữa của gia đình anh Đạt mang lại hiệu quả kinh tế cao.

"Đây là hộ chăn nuôi có kiến thức, kinh nghiệm. Cùng với việc phát triển kinh tế từ nuôi bò khai thác sữa, gia đình anh Đạt cũng là nơi cung cấp giống bò sữa chất lượng cho người dân trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng. Hiện nay, anh Đạt cũng tích cực hỗ trợ người chăn nuôi trong việc tư vấn kiến thức, giới thiệu khoa học, kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ dân lân cận", ông Long nói.

Được biết, trang trại chăn nuôi bò sữa của gia đình anh Nguyễn Tấn Đạt tạo công ăn việc làm cho 10 lao động địa phương với mức lương 10 triệu đồng/người/tháng. Anh Đạt đưa ra định hướng mở rộng trang trại, nâng tổng đàn bò sữa lên 200 con trong thời gian tới.