Smart Trend

Make in Viet Nam: Nền tảng để Việt Nam nâng tầm vóc quốc tế

Hoài Nguyễn

Truyền thông nước ngoài nhận xét chiến lược 'Make in Viet Nam' không chỉ đóng vai trò là động lực tăng trưởng trong nước, mà còn là nền tảng để Việt Nam nâng cao tầm vóc quốc tế.

Lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của Việt Nam đã đang trải qua một bước chuyển đổi đáng kể, từ gia công và lắp ráp sang tạo ra các sản phẩm sáng tạo, giá trị cao, thu hút sự chú ý trên trường quốc tế.

Channel News Asia nhận định, việc tập trung mạnh mẽ vào công nghệ và đổi mới sáng tạo đã giúp định vị Việt Nam như một thế lực mới nổi trong ngành công nghiệp ICT và bán dẫn toàn cầu.

Theo trang này, Việt Nam nổi lên là một trung tâm hấp dẫn về nhân tài và R&D. Các "ông lớn" thế giới như Amazon, Samsung, Lego... đều thiết lập hiện diện để tận dụng tiềm năng của công nghệ hiện đại.

Theo số liệu mới nhất của Bộ TT&TT, năm 2024, tổng doanh thu các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đạt khoảng 3,88 triệu tỷ đồng, xấp xỉ 152 tỷ USD, tăng 10,9% so với năm 2023 (137 tỷ USD).

Việt Nam hiện có hơn 50.000 doanh nghiệp ICT, tuyển dụng 1,26 triệu nhân lực. Các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử, thiết bị viễn thông và thiết bị thông minh, phần mềm, nội dung kỹ thuật số và nhà cung cấp dịch vụ CNTT.

Ngành công nghiệp ICT năng động của Việt Nam hiện có hơn 50.000 doanh nghiệp công nghệ số.

 

Lĩnh vực phần cứng dẫn đầu về quy mô lực lượng lao động với hơn 900.000 nhân viên, tiếp theo là các công ty phần mềm và nhà cung cấp dịch vụ CNTT.

Trang OpenGovAsia nhận định, kể từ khi được giới thiệu năm 2019, chiến lược "Make in Viet Nam" đã trở thành động lực để các doanh nghiệp tập trung nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và sản xuất trong nước.

Chiến lược này tăng đáng kể tỷ lệ giá trị Việt Nam trên doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT, ước đạt 31,8%, tăng 3,1% so với năm 2023.

Sự thay đổi này trao quyền cho các doanh nghiệp Việt Nam đổi mới, giải quyết các thách thức quốc gia và mở rộng thị trường toàn cầu, tăng cường lợi thế cạnh tranh của đất nước.

Hiện tại, khoảng 1.500 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có doanh thu từ thị trường quốc tế. OpenGovAsia nhận xét: “Thành tựu này không chỉ phản ánh khả năng phục hồi của ngành công nghệ địa phương mà còn phản ánh cam kết của chính phủ trong việc thúc đẩy một môi trường hỗ trợ cho tăng trưởng dựa trên công nghệ”.

Trang này dẫn ví dụ FPT và Viettel để minh họa cho thành công của sáng kiến “Make in Viet Nam”. FPT, từ khởi đầu khiêm tốn năm 1999, đã phát triển thành công ty hàng đầu về dịch vụ công nghệ thông tin toàn cầu. Tập đoàn cán mốc 1 tỷ USD doanh thu xuất khẩu phần mềm năm 2023 và hiện đặt mục tiêu 5 tỷ USD vào năm 2030.

Trong khi đó, Viettel cũng vươn lên trở thành một “gã khổng lồ” công nghệ toàn cầu hoạt động tại 10 quốc gia, dẫn đầu tại 6 thị trường. Doanh thu từ nước ngoài của công ty vượt 3,6 tỷ USD vào năm 2023, dòng tiền chuyển về nước gần 400 triệu USD.

Những cải tiến của Viettel trong chipset 5G và thiết bị viễn thông đưa Việt Nam trở thành một trong sáu quốc gia làm chủ công nghệ 5G.

“Chiến lược ‘Make In Viet Nam’ không chỉ đóng vai trò là động lực tăng trưởng trong nước mà còn là nền tảng để Việt Nam ngày càng nâng cao tầm vóc quốc tế”. Sáng kiến khuyến khích các doanh nghiệp tập trung vào việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của địa phương trong khi vẫn cạnh tranh trên trường quốc tế.

Trọng tâm kép này giúp các công ty Việt Nam thích ứng với nhu cầu thị trường toàn cầu, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nước. Hơn nữa, chiến lược đóng góp đáng kể vào nền kinh tế kỹ thuật số, một động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước.

Theo OpenGovAsia, lực lượng lao động công nghệ thông tin của Việt Nam là một nền tảng khác làm nên thành công của chiến lược. Nhân sự trong ngành có tay nghề cao, không chỉ thành thạo về kỹ thuật mà còn có khả năng thích ứng với bối cảnh công nghệ toàn cầu không ngừng phát triển.

Họ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới, hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp các giải pháp chất lượng cao và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, việc các công ty công nghệ bắt tay với các tổ chức học thuật cũng giúp lực lượng lao động tương lai trang bị các kỹ năng tiên tiến, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa kiến thức học thuật và nhu cầu thực tế, đảm bảo sinh viên được chuẩn bị tốt cho thị trường việc làm.

Khi Việt Nam tiếp tục củng cố năng lực công nghệ, chiến lược "Make in Viet Nam" góp sức không nhỏ trong việc củng cố vị thế của đất nước trong hệ sinh thái công nghệ toàn cầu.

Với các dự báo tăng trưởng mạnh mẽ, lực lượng lao động ngày càng mở rộng và số lượng doanh nghiệp công nghệ số ngày càng tăng, lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông sẽ tiếp tục là trụ cột chính cho thành công kinh tế của đất nước trong những năm tới.

“Với sự đầu tư bền vững vào nghiên cứu, phát triển và nhân tài, Việt Nam không chỉ tham gia mà còn sẵn sàng dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu”, OpenGovAsia dự đoán.