Nghề

Làng hoa cây cảnh Văn Giang: Trăm đường lợi nhờ ứng dụng kỹ thuật số

Hoài Nguyễn

Tận dụng công nghệ, hội viên phụ nữ làng nghề trồng hoa cây cảnh huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, đã tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong việc sản xuất kinh doanh. Công nghệ đã giúp giảm bớt chi phí, nhân công, đồng thời làm tăng giá trị sản xuất, đem lại hiệu quả rất tích cực trong phát triển kinh tế địa phương.

Ứng dụng công nghệ giảm chi phí và nhân công

Hằng ngày, chị Nguyễn Thị Anh, ở xã Liên Nghĩa (Văn Giang, Hưng Yên), thay vì đi tưới nước trực tiếp ngoài vườn bưởi cảnh, chị chỉ việc mở điện thoại và thực hiện thao tác điều khiển hệ thống máy tưới tự động. Sau đó, qua hệ thống camera, chị Anh giám sát lượng nước tưới vào các chậu cây.

"Kể từ khi ứng dụng lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, điều khiển qua điện thoại, tôi đã tiết giảm chi phí và nhân công rất lớn. Trước kia, tôi phải bố trí một người chỉ chuyên tưới nước cho toàn bộ vườn cây cảnh Tết thì nay, đã giảm được nhân công cho khâu này.

Công nghệ đã giúp giảm bớt chi phí, nhân công, đồng thời làm tăng giá trị sản xuất, đem lại hiệu quả cao.

Nhờ công nghệ tưới tự động, tôi đã tiết kiệm được khoảng 8 triệu đồng/tháng cho khâu tưới cây. Điểm ưu việt, lượng nước tưới thông qua hệ thống tự động đều hơn tưới thủ công, đồng thời có thể kiểm soát tốt hơn độ ẩm cho vườn cây", chị Anh chia sẻ.

Hiện nay, hầu hết các làng nghề trồng hoa cây cảnh ở Văn Giang đều áp dụng hệ thống tưới nước tự động với nhiều thay đổi so với trước. Nếu như trước kia người dân chỉ trồng cây trên mặt ruộng thì nay, chủ vườn sẽ bố trí hệ thống giàn trồng cây, vừa tăng số lượng cây trồng mà vẫn đảm bảo tưới nước và chăm sóc cho cây.

Chị Nguyễn Thị Quyên (thôn Mễ Sở, xã Mễ Sở, Văn Giang) cho biết: "Ruộng quất cảnh của gia đình tôi trước chỉ trồng được 500 cây mini thì nay có thể trồng được 1.000 cây. Bởi khi tôi làm giàn sắt đã tăng thêm được diện tích cây trồng gấp đôi. Quan trọng hơn cả là hàng ngày, tôi có thể vận hành hệ thống tưới nước tự động, để đảm bảo độ ẩm cho cây sinh trưởng tốt".

Với những gia đình trồng hoa chất lượng cao như gia đình Vũ Thị Quỳnh Anh (ở xã Phụng Công) thì việc chuyển đổi số còn ở mức cao hơn nữa.

Các làng nghề trồng hoa cây cảnh ở Văn Giang đều áp dụng hệ thống tưới nước tự động với nhiều thay đổi so với trước.

Hiện gia đình chị Quỳnh Anh có 14.000 m2 nhà kính chuyên trồng lan hồ điệp, được thiết kế 5 lớp: 1 lớp cách nhiệt, 2 lớp cắt nắng, 2 lớp nylon; có hệ thống quan trắc độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng; thiết bị điều tiết nhiệt độ gồm thiết bị tăng nhiệt, thiết bị hạ nhiệt và hệ thống quạt đảo gió; máy điều hòa nhiệt độ hai chiều…

Không những vậy, các sản phẩm của chị Quỳnh Anh còn được đăng ký tem, mác, mã số, mã vạch giúp thuận tiện giao dịch, kết nối tiêu thụ sản phẩm ra thị trường.

Kết hợp kinh nghiệm và công nghệ, chị Quỳnh Anh đã xử lý để hoa lan nở đúng dịp Tết, cho bông to, cánh dày, sắc thắm và tươi lâu hơn. Hằng năm, chị Quỳnh Anh xuất bán hơn 300 nghìn giò lan các loại, tổng doanh thu đạt khoảng hơn 30 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập bình quân 8-9 triệu đồng/người/tháng.

Mở rộng tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng trực tuyến

Cho đến nay, hầu hết các nhà vườn ở Văn Giang đều áp dụng việc quảng bá và bán sản phẩm thông qua nền tảng mạng trực tuyến. Mỗi sản phẩm đều được đánh mã số, có thông tin chi tiết đính kèm nên khách hàng dù ở xa nhưng vẫn có thể tìm hiểu và đặt hàng trực tuyến.

Hội viên làng nghề trồng hoa cây cảnh huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong việc sản xuất kinh doanh.

Sau các khâu tư vấn, thỏa thuận được giao dịch thì người mua sẽ chuyển tiền, bên bán sẽ chuyển sản phẩm, giúp giảm bớt thời gian và chi phí trung gian.

Chị Vũ Thị Thanh Nhàn, một chủ đại lý kinh doanh hoa cây cảnh ở thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, cho biết: "Tôi thường xuyên nhập hoa, cây cảnh ở Văn Giang về bán. Trước tôi phải về tận nơi nhập hàng nhưng giờ, chỉ cần ngồi ở nhà lựa chọn hàng thông qua mạng, tôi chốt đơn thì chủ vườn sẽ gửi hàng tận nơi.

Thậm chí, khi tôi có giao dịch với khách hàng ở Đà Nẵng, tôi chỉ cần chốt đơn với khách, sau đó báo đơn cho nhà vườn ở Văn Giang, nhà vườn sẽ có trách nhiệm chuyển hàng vào tận Đà Nẵng giao cho khách của tôi. Nói chung, công nghệ và nền tảng giao dịch trực tuyến tạo rất nhiều tiện lợi cho cả người mua và người bán".

Trao đổi xung quanh việc ứng dụng và tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng trực tuyến của hội viên phụ nữ địa phương, bà Lý Thị Hợp, Chủ tịch Hội LHPN xã Phụng Công, chia sẻ: "Hiện nay, việc ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất hoa cây cảnh đối với hội viên phụ nữ ở xã Phụng Công nói riêng và các làng nghề ở huyện Văn Giang nói chung khá phổ biến.

Chị em nhận thức được những tiện ích, hiệu quả trong việc chuyển đổi số nên đã mạnh dạn đầu tư công nghệ áp dụng vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Việc áp dụng chuyển đổi số đã giúp người dân tiết giảm được từ 20%-30% nhân công trong quá trình sản xuất.

Ngoài ra, công nghệ còn giúp người dân mở rộng thị trường, đa dạng các kênh tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương ngày càng cao hơn".