Thanh niên khởi nghiệp

Kiếm hàng trăm triệu đồng từ mo cau tưởng bỏ đi

Hoài Nguyễn

Mo cau trước đây chỉ là vật bỏ đi thì nay được làm thành chén, đĩa, xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Những ngày này, cơ sở sản xuất chén, đĩa từ mo cau của anh Nguyễn Văn Tuyến (38 tuổi) và những người bạn tại Cụm công nghiệp Đồng Dinh (huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) đang hoạt động hết công suất.

Trong vòng 1 tháng, cơ sở của anh phải hoàn thành đơn hàng 50.000 sản phẩm chén, đĩa, khay đựng cơm cho đối tác ở Hàn Quốc.

Anh Tuyến chia sẻ việc nhận được các đơn hàng lớn từ nước ngoài cho thấy sản phẩm thân thiện từ mo cau đang được ưa chuộng.
Để có được thành công như ngày hôm nay, anh Tuyến và những người bạn phải nỗ lực rất nhiều. Là người gốc tỉnh Phú Yên, trong một lần ra Quảng Ngãi công tác, anh nhận thấy vùng đất này trồng rất nhiều cau. Thông thường, người dân chỉ bán trái cau, còn mo cau thì bỏ đi, rất lãng phí.

Hình ảnh: Những chiếc mo cau được làm sạch, để ráo trước khi đưa vào khuôn ép tạo hình sản phẩm chén, đĩa, khay đựng cơm.

Do đó, vào tháng 9/2019, anh Tuyến cùng các bạn quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất chén, đĩa từ mo cau.

"Trước kia mo cau rụng đầy vườn thì nay bà con thu lại rồi bán cho mình. Mỗi mo cau được mua với giá 1.000 đồng giúp nhà vườn có thêm thu nhập", anh Tuyến cho biết thêm.


Mo cau được làm sạch, để ráo trước khi đưa vào khuôn ép tạo hình sản phẩm chén, đĩa, khay đựng cơm.
Anh Huỳnh Lưu Tin - quản lý sản xuất - chia sẻ, mo cau được ngâm nước cho mềm rồi rửa sạch, để ráo sau đó được đưa vào máy ép nhiệt độ cao tạo thành các sản phẩm như chén đĩa, khay đựng cơm… Khuôn tạo hình sản phẩm có nhiệt độ từ 80 độ C đến 120 độ C, mo cau được ép trong thời gian 40 giây để tạo hình và làm khô.
Hiện cơ sở này có 5 máy ép. Mỗi máy có 5 khuôn với công suất 200 sản phẩm/máy/ngày. Tùy vào yêu cầu của khách hàng, cơ sở chế tạo các loại khuôn ép khác nhau. Như lô hàng 50.000 chiếc do phía Hàn Quốc đặt hàng phải dập nổi hình thú dưới đáy sản phẩm. Giá mỗi sản phẩm dao động từ 1.000 - 6.000 đồng.

Ảnh kết quả: Sản phẩm sau khi sản xuất.

"Nhiệt độ quá cao hoặc để quá lâu sẽ làm cháy sản phẩm. Sau khi ép thành phẩm thì đưa đi diệt khuẩn bằng máy chiếu tia UV sau đó đóng gói, gửi mẫu kiểm nghiệm theo quy định trước khi xuất khẩu. Đây là sản phẩm bảo vệ môi trường, khá độc đáo nên thị trường nước ngoài rất ưa chuộng", anh Tin chia sẻ và cho biết thêm, doanh thu của cơ sở đạt trên 100 triệu đồng mỗi tháng và đang tiếp tục tăng.
Ngoài việc tạo thu nhập cho người trồng cau, cơ sở này còn tạo việc làm cho 6 - 10 lao động với thu nhập 5 - 8 triệu đồng mỗi tháng.

Chị Phan Thị Kiều là lao động thường xuyên của cơ sở sản xuất sản phẩm từ mo cau từ khi thành lập đến nay. Theo chị, việc vận hành máy khá đơn giản, công việc khá nhẹ nhàng nhưng thu nhập cao.

"Thu nhập mỗi người từ 5 đến 10 triệu đồng mỗi tháng. Mức thu nhập này cao hơn rất nhiều so với làm nông hoặc làm một số ngành nghề khác", chị Kiều cho biết.

Theo ông Phạm Quốc Vương - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Nghĩa Hành - huyện Nghĩa Hành là một trong những địa phương có diện tích trồng cau lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Lâu nay, mo cau hầu như không có giá trị sử dụng. Nay nhờ cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Văn Tuyến thu mua mo cau mà người nông dân có thêm thu nhập.

"Sản xuất các loại chén đĩa, hộp đựng thực phẩm từ mo cau là hướng đi mới đầy triển vọng. Đây là một trong những sản phẩm nổi bật của huyện Nghĩa Hành. Thời gian tới, địa phương sẽ tạo điều kiện để cơ sở này phát triển các loại sản phẩm, phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm cho người lao động", ông Vương chia sẻ.